Hoài nghi về Trung Quốc ở Ghana hiện nay bất chấp di sản từ quá khứ
Trung Quốc đang gây dựng ảnh hưởng ở quốc gia Tây Phi Ghana nhưng vấn đề khai thác mỏ trái phép đang tiếp tục tác động xấu vào quan hệ giữa đôi bên.
Trung Quốc từng tìm cách vượt qua Liên Xô ở Ghana
Trước đây nhà tư tưởng người Mỹ gốc Phi Du Bois đã dành những năm cuối đời ở đất nước Ghana mới giành được độc lập. Ngày nay các du khách vẫn có thể thăm lăng mộ của ông này và ngôi nhà giản dị của ông, tại đây phòng ngủ vẫn treo bức ảnh Du Bois gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông vào tháng 5/1959.
Trong phát biểu năm 1959 ở Bắc Kinh, Du Bois nói “Trung Quốc là máu của bạn, là thịt của bạn” khi ông hướng tới việc kêu gọi những người có gốc gác châu Phi hãy ủng hộ Trung Quốc.
Thời đó Trung Quốc đã trải thảm đỏ để đón chào Du Bois, nhằm cải thiện quan hệ Trung Quốc-Ghana. Trên thực tế, quan hệ của Trung Quốc với vị Tổng thống đầu tiên của Ghana, Kwame Nkrumah, sau đó đã nhanh chóng đâm hoa kết trái.
Tổng thống Nkrumah vào năm 1964 đã thay thế các cố vấn Liên Xô bằng cố vấn Trung Quốc.
Ngày nay đến thăm nơi Du Bois từng sống ở Ghana, người ta có thể dễ dàng tìm thấy các ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở Ghana đã vượt ra ngoài phòng ngủ của Du Bois. Công ty công nghệ Trung Quốc Huawei (Hoa Vi) có một tòa trụ sở cao bề thế được sơn màu ưa thích của ông Mao Trạch Đông và nằm gần trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở đây.
Trung Quốc có mối liên hệ lịch sử sâu sắc với Ghana. Thực sự thì cộng đồng người Hoa đã tồn tại ở Ghana ít nhất là từ thập niên 1940. Thời đó vị thế của Ghana với tư cách là một trung tâm khai thác mỏ vàng đã khiến quốc gia này nằm trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở vùng Tây châu Phi.
Tiếng nói hoài nghi trong lòng Ghana thời nay
Hiện nay nhiều thợ mỏ Trung Quốc vẫn bị thu hút đi sang Ghana. Kết quả là ở quốc gia này, thuật ngữ gắn nhiều nhất với Trung Quốc không phải là “Huawei” mà là “galamsey” – thuật ngữ này dùng để chỉ các hoạt động khai thác mỏ trái phép tại đây.
Quan chức Isaac Bonsu Kariki phát biểu tại hội nghị Đầu tư Khai thác mỏ Tây Phi hồi tháng 5/2019 như sau: “Khai thác mỏ kiểu truyền thống và nhỏ lẻ tạo ra 37% lượng vàng và 100% lượng kim cương, đem lại việc làm trực tiếp cho 1 triệu người và gián tiếp cho 3 triệu người”.
Kariki là Điều phối viên Dự án Quốc gia thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Thiên nhiên Ghana.
Thời thực dân, Ghana được biết đến với danh xưng Bờ biển Vàng, nhưng giới chức thực dân đã ngăn người địa phương tham gia vào hoạt động khai thác mỏ truyền thống và nhỏ lẻ (ASM). Nguồn vàng và các tài nguyên khác của Ghana bị xem là đặc quyền hoàn toàn của giới chức thực dân Anh. Mãi đến năm 1989 thì ASM mới được hợp pháp hóa ở Ghana.
Thế nhưng ngày nay những người cổ xúy cho khai thác mỏ truyền thống và nhỏ lẻ lại cảm nhận được một thế lực toàn cầu mới thay thế, đó chính là . Theo những người này, Trung Quốc đang ngăn họ tiếp cận chính nguồn tài sản ngay dưới chân mình.
Abraham Odom, một nghị sĩ thuộc đảng NPP – một trong 2 đảng lớn ở Ghana, tuyên bố: “Tôi rất hoài nghi về vai trò của Trung Quốc ở Ghana và cam kết của họ đối với nguyên tắc cùng thắng”. Quan điểm này đã được nhiều người Ghana đón nhận.
Nhiều người theo nghề ASM có mặt tại hội nghị nói trên đã tận dụng diễn đàn này để thể hiện sự thất vọng của họ đối với vai trò của các thợ mỏ Trung Quốc bất hợp pháp trong ngành này ở Ghana. Một thập kỷ trước, nhiều công dân Trung Quốc đã tới Ghana để tiến hành các hoạt động khai thác mỏ kiểu ASM, sử dụng chất hóa học và máy móc, từ đó gây ra các “vết sẹo lớn” đối với mảnh đất này.
Năm 2013 tác giả Joseph Hammond đã tới thăm một con sông đầy bùn mà người địa phương nói là đã bị ô nhiễm do các hoạt động của người Trung Quốc trong việc khai thác mỏ. Một chuyến thăm khác tới cùng địa điểm trên vào năm nay (2019) cho thấy con sông mới chỉ được cải thiện trên bề mặt.
Các thợ mỏ Trung Quốc ở Ghana thường được gọi bằng cái tên “Nhóm Thượng Lâm” do họ đa phần đến từ hạt Thượng Lâm ở khu tự trị Quảng Tây, Trung Quốc.
Ngày nay giới chức Ghana đã thực thi các quy định chặt chẽ hơn, khiến có ít người Trung Quốc hơn tham gia trực tiếp hoạt động khai thác mỏ. Năm 2018, giới chức Ghana đã bắt giữ khoảng 1.370 thợ mỏ Trung Quốc. Năm nay, họ cũng được cho là đã bắt được khoảng ít nhất 100 thợ mỏ như thế.
Vấp phải cảnh báo sắc lạnh từ Trung Quốc
Mặc dầu vậy ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn còn trong ngành mỏ Ghana. Thực tế, các thợ mỏ tại hội nghị nói trên đều nhất trí rằng nạn khai thác mỏ bất hợp pháp của Trung Quốc vẫn tiếp tục dù ở cấp độ thấp hơn, bất chấp các nỗ lực của chính phủ Ghana. Nhiều quan chức Ghana chỉ mong vấn đề này sẽ biến mất.
Trong khi đó, năm 2017 Đại sứ quán Trung Quốc tại đây đã gửi tới Ghana lời cảnh báo sắc lạnh rằng nếu họ còn phàn nàn về nạn khai thác thổ phỉ nữa thì điều này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-Ghana. Do vậy, chính quyền Ghana thường chọn giải pháp trục xuất thay vì truy tố các công dân Trung Quốc bị bắt vì vi phạm các quy định về khai thác mỏ.
Ghana đóng vai trò thiết yếu đối với và Trung Quốc đã để mắt sát sao tới quốc gia này. Tại Ghana đặt trụ sở của một trong các văn phòng châu Phi của Quỹ Phát triển Trung Quốc-châu Phi (CAD). Được lập vào năm 2007 với 10 tỷ USD vốn đầu tư vì lợi ích thương mại Trung Quốc ở châu Phi, quỹ này hiện có văn phòng ở Zambia, Nam Phi, và Ethiopia. Văn phòng tại Ghana mở vào năm 2011. Văn phòng của quỹ CAD đặt tại thủ đô của Ghana điều hành hoạt động của quỹ này trong Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi.
Một quan chức giấu tên của CAD phát biểu: “Ghana rất quan trọng với tư cách là cánh cổng của châu Phi. Sự ổn định chính trị của Ghana được ghi nhận ở Trung Quốc và trên thế giới”.
Theo quan chức trên, vấn đề khai thác mỏ lậu có thể được khắc phục dần thông qua nỗ lực của giới chức Ghana tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động này. Ông này mô tả quan hệ Ghana-Trung Quốc là “đôi lúc ngọt ngào, đôi lúc hơi xấu nhưng nhìn chung đang được cải thiện”./.