Hoài niệm Tết xưa
Đã qua nửa thế kỷ nhưng tôi vẫn nhớ như in không khí đón Tết ở vùng nông thôn thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Năm nào cũng vậy, từ giữa tháng Chạp, các gia đình trong xóm Vĩnh Trường của làng Mỹ Trung quê tôi đều tham gia dọn vệ sinh đường làng. Mỗi nhà cử ra 1 người mang theo dụng cụ để phát quang các bụi rậm, mé nhánh cây, dẫy cỏ và quét đường đi, làm xong đường lớn rồi lại về các đường nhỏ dẫn vào nhà của mình. Chỉ một buổi là xong, xóm làng sạch tinh tươm chuẩn bị đón năm mới. Sau đó, ai về nhà nấy dọn dẹp, tu sửa, trang hoàng nhà cửa.
Bấy giờ, phần nhiều các nhà trong làng đều lợp tranh, vách đất hoặc ốp một lớp vữa xi măng bên ngoài. Tết đến, nhà nào vách đất thì được phủ lại một lớp đất ruộng nhão và dẻo bên ngoài, nếu đã ốp vữa thì quét vôi màu xanh, màu vàng rồi kẻ chân, trông mới hẳn lên.
Công việc chuẩn bị Tết khá khẩn trương. Bà nội bảo tôi ra vườn nhổ những bụi gừng mọc trên đất cát, rửa sạch. Cùng với những miếng bí đao cắt rộng chừng 2 ngón tay, dày hơn 1 cm, bà sai chúng tôi dùng cây xăm xăm đều. Cây xăm làm bằng gỗ, một đầu tròn, đầu kia cũng trong nhưng lớn hơn phủ kín các cây kim nhọn.
Cứ tỉ mẩn như thế, mỗi giờ cũng xăm được 2-3 miếng bí, gừng thì lâu hơn bởi phải để nguyên củ, khó nhất là xăm trong các kẽ. Hai loại này làm rim, còn mứt thường là cùi dừa nạo thành sợi dài hoặc quả chanh, cà chua, đậu Hà Lan... ngào với đường. Khâu chế biến thì do má tôi phụ trách, cứ sau mỗi mẻ rim hay mứt, phần đường còn dính lại trên đáy chảo là của chị em chúng tôi chia nhau.
Xong rim mứt tiếp đến là làm bánh ngọt các loại như: bánh in, bánh giấy, bánh thuẫn, bánh bảy lửa... hầu hết đều làm từ bột nếp, chỉ khác nhau về hình thức và màu sắc. Bánh in hình tròn hoặc hình vuông, bên trên có chữ nổi. Bánh giấy thì được bao bằng các loại giấy kính màu xanh, đỏ, vàng, tím cho bắt mắt. Bánh bảy lửa cầu kỳ hơn, in bằng khuôn gồm 2 mảnh ống đồng hoặc nhôm ghép lại, dài độ 1 tấc, bên ngoài phủ một lớp hạt mè đen hoặc trắng...
Cùng một địa phương, cùng một cách thức làm nên mấy ngày Tết nhà ai cũng mời khách các loại bánh giống như nhau. Riêng bánh tét và bánh chưng thì mãi đến ngày 30 Tết mới nấu. Đêm ấy, hầu như cả nhà đều thức. Gần khuya, bánh chín hạ nồi xuống, cắt bánh bày trên đĩa lớn cùng một số bánh ngọt để cha tôi cúng Giao thừa.
Cổ bồng ngũ quả và hoa cúng cha tôi đã bày từ hôm 29 Tết trên bàn thờ gia tiên. Chiều 30, cha tôi lôi trong đống gỗ phía sau nhà 1 cây cột gỗ tròn dài hơn 3 m, đưa ra sân rồi đào lỗ, chôn cây cột xuống giữa sân. Bên trên cột treo một chiếc đèn lồng kính bốn mặt, bên trong đặt 1 chiếc đèn thắp dầu lửa. Chiếc đèn này sẽ được thắp sáng các buổi tối trong mấy ngày Tết, bắt đầu từ tối 30.
Sáng mùng 1, cả nhà thức dậy quần áo mới chỉnh tề, tất cả thành viên trong gia đình mừng tuổi bà nội, đến cha mẹ. Theo phong tục ở quê, ngày mùng 1 Tết, chúng tôi không đi đến nhà ai và cũng không ai đến nhà mình. Lũ trẻ con xúng xính quần áo mới còn nguyên mùi hồ, tất cả kéo nhau lên đường cái quan chơi, xem đám bầu cua tôm cá, ngắm nhìn dòng người xe qua lại.
Đến ngày mùng 4 Tết, người dân các làng phía trên rủ nhau xuống làng Lộc Thượng sát đầm Thị Nại xem đua ghe. Đây là một phong tục có từ lâu đời của xã Phước Sơn quê tôi. Các làng ven đầm như: Lộc Thượng, Dương Thiện, Lộc Trung, Vinh Quang đều cử ra mỗi làng 2 đội ghe, ghe đua là những chiếc ghe thường ngày đánh bắt thủy sản trong đầm được sơn lại, điểm nhãn.
Người đua đều là người trong làng, mỗi đội 7 hoặc 9 người mặc áo đỏ (hoặc vàng, xanh), đường đua dài khoảng 500 m, chèo 2 vòng. Người xem đứng chật ních một bên bờ hò reo cổ vũ, tiếng trống thúc, tiếng phèng la, tiếng nói cười vang trên mặt nước, lan xa…
Thế hệ chúng tôi đều đã đi qua nửa bên kia con dốc cuộc đời nhưng không khí Tết thuở ấu thơ như vẫn còn đâu đây trong tâm tưởng. Nhớ cái nao nức đợi chờ khi được thêm một tuổi, được mặc quần áo mới, nhớ thời tiết se lạnh miền Trung, hơi sương là đà bay trên cánh đồng lúa đang xanh.
Nhớ Tết xưa, bất chợt như đã về ngôi làng bên vạn Gò Bồi ven đầm Thị Nại quê tôi…
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12383/202102/hoai-niem-tet-xua-5723398/