Hoài niệm trung thu quê mình

Chiều nay, cơn gió mùa thu mang theo những hạt mưa li ti đủ làm mát lạnh từng dòng người ngược xuôi nơi phố thị. Hòa vào dòng chảy đó, cưỡi chiếc xe máy chạy lòng vòng khắp các tuyến đường nội ô TP. Sóc Trăng trong tiết trời tháng tám âm lịch, chợt nghe bao ký ức tuổi thơ ùa về vào mùa trung thu nơi quê nhà.

Có dịp đi qua những hàng quán bán bánh trung thu, bánh pía, bánh in, cùng những cửa hàng bán lồng đèn trung thu dọc các con phố Hai Bà Trưng, Lê Lợi, bãi xe TP. Sóc Trăng… lòng bỗng hoài niệm về một thời “tuổi thơ dữ dội” nơi xóm nhỏ quê mình, ẩn hiện như “thước phim trắng đen” qua những gam màu sáng tối từ chiếc lồng đèn “tự chế” của đám trẻ quê nghèo xứ Phú Hữu của huyện Long Phú; cùng những miếng bánh pía, bánh in ngọt lịm.

Ngày ấy, hơn hai chục năm về trước, quê mình chưa có điện nên mặt trăng dường như cũng sáng hơn, hòa với ánh sáng lung linh từ những chiếc lồng đèn tỏa ra mờ mờ, ảo ảo. Đám trẻ chúng tôi như lạc vào thế giới cổ tích khác biệt với ngày thường.

Ngày đó, mỗi độ trung thu về là đám trẻ quê nghèo lại “í ới” gọi nhau làm những chiếc lồng đèn từ những thứ có sẵn quanh nhà, để cùng nhau tung tăng đùa giỡn với bạn bè qua trò rước đèn vào đêm trăng tròn tháng tám. Sau đó, cả đám kéo nhau đi chặt trúc, chặt tre sau vườn nhà về làm lồng đèn. Khi ấy, xóm tôi nhà đứa nào cũng đông anh chị em, cho nên để sắm cho mỗi đứa một cái lồng đèn chơi trung thu thật là một điều khó khăn vì nhà ai cũng nghèo. Vậy là phải hì hục tự làm lồng đèn trung thu, mấy anh chị em đứa vót trúc, đứa thì đan khung, đứa cắt giấy thủ công, nói là giấy thủ công cho oai chứ là giấy tập cũ, giấy nhật trình hoặc bất cứ thứ giấy nào có được trong nhà, nên thường rước đèn trung thu chưa xong thì đèn đã bắt lửa cháy rụi. Đứa nào có ít tiền để dành thì cuốc bộ ra chợ Đại Ngãi cách đó mấy cây số để mua giấy kiếng với các màu đỏ, vàng, xanh lá cây về dán vào khung đèn. Sẵn tiện mua dùm cho đám bạn ở nhà vài chục cây đèn cầy để chơi đêm trung thu.

Xong xuôi đâu đấy, mỗi đứa đều đem “tác phẩm” ra khoe với sự phấn khích tột độ. Những chiếc lồng đèn với hình con bướm, tàu thủy, máy bay, ngôi sao 5 cánh… cũng sẵn sàng khoe những ánh sáng lấp lánh. Tùy vào sự khéo tay của mỗi người mà cho ra sản phẩm đẹp hay xấu, rồi cho đèn cầy vào chiếc đèn và thử độ sáng của đèn. Có đứa còn quấn nguyên miếng vải vào ngón tay do vót trúc, vót tre bị đứt nhưng không đứa nào sợ, chỉ ngại nhất trong quá trình làm đèn chính là tiếng dao chà sát vào miếng trúc, miếng tre khi vót nghe mà phải nghiến răng, rùng mình.

Rồi thời điểm mong chờ cũng đến khi đã đến rằm tháng tám, cũng là đêm trăng tròn nhất, đẹp nhất, đám con nít chúng tôi chỉ cầu mong cho đêm ấy đừng mưa, trời trong, trăng sáng để được chơi rước đèn. Đêm dần buông, đám trẻ í ới gọi nhau để đi rước đèn trung thu. Cầm trên tay những chiếc đèn do chính mình làm ra, chúng tôi hào hứng đi thành hàng rước đèn từ đầu đến cuối xóm, đùa giỡn, cười nói rôm rả. Trong lúc rước đèn, cũng có lắm chuyện vui, thỉnh thoảng những cơn gió lớn thổi tắt đèn cầy, phải thắp đi thắp lại nhiều lần, có lúc đèn cầy gần hết, xém cháy lồng đèn, run ơi là run; cũng có đứa bị cháy lồng đèn nhưng không đứa nào khóc mà lại cười vang một khúc đường quê…

Những đứa sáng tạo hơn thì lấy vỏ lon bia, vỏ lon sữa bò cắt thành đèn trung thu cũng đẹp không kém ai. Đặc biệt, có đứa còn bắt cả bầy cua đồng, rồi để từng chiếc đèn cầy lên lưng cua, thắp lên thả ra một lượt mấy chục con cua bò khắp trước sân nhà; tạo nên một cảnh tượng tuyệt vời mà chỉ có ở quê mình mới có.

Trước những sân nhà, mâm cỗ bày ra thơm mùi ngọt ngào từ những chiếc bánh pía, bánh in (chứ hiếm khi có được bánh trung thu vì giá cao ít nhà có thể mua) hòa lẫn không gian đầm ấm và tràn ngập niềm vui và chờ mâm cỗ cúng xong thì đám trẻ chúng tôi được người lớn chia bánh cho.

Vẫn là ngày rằm tháng tám với ánh trăng sáng tròn lung linh nhưng trải qua thời gian, Tết Trung thu hôm nay đã có nhiều thay đổi. Các loại đèn giấy ngày xưa không còn nhiều, thay vào đó là hàng trăm mẫu đèn với màu sắc và hình thù khác nhau, đa phần chạy bằng pin và điện, còn có thể phát ra các bài nhạc vui tai. Hình bóng chiếc đèn truyền thống dần đi vào quên lãng. Hiếm khi có đứa trẻ nào tự làm đèn trung thu như đám trẻ ngày trước. Bánh pía, bánh in, bánh trung thu cũng đa dạng hơn nhiều và lũ trẻ ngày xưa bây giờ cũng dư dả tiền để mua về làm mâm cỗ nhưng không đứa nào quên được mùi vị những chiếc bánh pía, bánh in bình dị của tuổi thơ nơi quê nhà…

Giữa cuộc sống phố thị đầy tất bật với bao lo toan của cơm, áo, gạo tiền nên đôi khi quên mất cả ngày trung thu. Nhất định mùa trung thu năm nay sẽ về quê chơi rước đèn cùng đám trẻ quê mình để như được trẻ lại, rồi lặng nhìn vầng trăng hiền hậu, hoài niệm về một cuộc hạnh ngộ với ngày xưa.

HOÀNG PHÚC DƯƠNG

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/hoai-niem-trung-thu-que-minh-41365.html