Hoài niệm về 'ngày non sông thống nhất'
Thủ đô Hà Nội trái tim của cả nước, những ngày tháng 4 của 49 năm về trước rực rỡ cờ hoa. Người dân Thủ đô vốn hân hoan náo nhiệt chào mừng thành công của kỳ bầu cử Quốc hội khóa V và Hội đồng nhân dân các cấp, lại càng thêm náo nức khi tin thắng trận liên tiếp báo về, để rồi vỡ òa trong cảm xúc vào trưa ngày 30/4/1975 'ngày non sông thống nhất'.
Như ngày hội lớn
Là Thủ đô, trái tim của cả nước, Hà Nội có trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Suốt những năm tháng kháng chiến, Thủ đô Hà Nội luôn hướng về miền Nam với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đến thắng lợi cuối cùng.
Gần 5 thập kỷ đã trôi qua. Song, ký ức về ngày giải phóng miền Nam năm ấy thì vẫn mãi là những hoài niệm không thể quên với những người chứng kiến... Trong những ngày tháng 4 lịch sử, những cảm xúc hùng tráng, tự hào lại như dậy lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân Thủ đô nói riêng, nhắc nhớ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mừng ngày non sông thu về một mối.
Sau khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, hàng chục vạn người dân thủ đô Hà Nội đã đổ ra đường mừng ngày thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.
Với bà Đoàn Thị Kim Liên, cán bộ hưu trí trú tại tổ dân phố số 9, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, ký ức về ngày 30/4/1975 là một nỗi nhớ đầy tự hào và hoài niệm. Đến giờ dù đã 49 năm trôi qua, nhưng bà vẫn còn nhớ như in thời điểm bước sang tháng 4/1975 không khí tại Hà Nội đã rất háo hức trước bước tiến của đoàn quân giải phóng. Đó không chỉ là sự hân hoan của người dân Thủ đô mà là của đất nước, của dân tộc.
“Không chỉ cả nước, miền Bắc mà cả Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ cũng cuốn theo bước chân của đoàn quân giải phóng. Ngày đó chưa có các phương tiện truyền thông như bây giờ, mọi người được cập nhật tình hình chiến dịch qua radio và báo. Do ban ngày phải đi học nên cứ đến chiều tối tôi lại mong mẹ đi làm về mang theo báo để đọc tin chiến thắng, cũng như tụ tập nhau ngồi nghe loa khu tập thể. Tất cả mọi người đều háo hức, mong đợi, sung sướng, reo hò mỗi khi có thêm một tỉnh, một thành phố, một địa phương được giải phóng”, bà Liên chia sẻ.
Tin thắng trận từng ngày vang vọng khắp mọi miền nên bà Kim Liên có cảm giác là Đảng và các đồng chí lãnh đạo đã biết chắc ngày thống nhất đất nước nên ở Thủ đô Hà Nội cũng luôn sẵn sàng công tác chuẩn bị cho ngày chiến thắng. Bà Kim Liên cũng nhớ, các tuyến phố Thủ đô khi ấy không còn chỗ chen chân. Hầu như cả Hà Nội chẳng ai ở trong nhà, chẳng ai có tâm trí để làm việc mà kéo ra đường ăn mừng, đặc biệt đổ dồn về Bờ Hồ, Quảng trường Ba Đình nơi có Bác.
“Từ nay mọi người sẽ hoàn toàn yên tâm, đất nước không còn chiến tranh nữa, cũng sẽ không còn cảnh nhà nhà phải trở lại nơi sơ tán và thấp thỏm lo chạy bom, chạy đạn ở hầm trú ẩn như trước đây nữa. Tuy là hồi ấy còn rất trẻ nhưng tôi đã cảm nhận được chiến tranh ác liệt đến nhường nào”, bà Liên cho biết.
Cũng theo bà Kim Liên, không khí náo nức còn diễn ra nhiều ngày sau đó, ban tổ chức lễ mừng chiến thắng cũng về các trường để chọn mỗi lớp các học sinh khá, giỏi, ngoại hình xinh để tập trong đội hình xếp hoa vẫy cờ trên quảng trường Ba Đình vào ngày Quốc khánh trong năm 1975.
“Tôi vẫn nhớ, cứ chiều tối là đi bộ từ nhà lên quảng trường Ba Đình để đúng giờ vào khối luyện tập, sát ngày Quốc khánh 2/9/1975 còn tập xuyên đêm mà chỉ được phát một chiếc bánh mỳ không. Niềm vui lớn mừng mốc son chói lọi của đất nước bước vào kỷ nguyên mới nên chúng tôi quên hết cả đói khát khi luyện tập” bà Liên chia sẻ.
Mãi là động lực
Theo ông Phạm Đức Đương, nhà báo, nguyên cán bộ Bộ Tổng Tham mưu, một người con Hà Nội, những ký ức tươi đẹp về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mãi được ông lưu giữ suốt cuộc đời. Thời điểm đấy, Việt Nam là một nước nhỏ, tiềm lực kinh tế còn yếu nhưng lại là một trong những dân tộc có tài thao lược quân sự kiệt xuất vào bậc nhất thế giới. Thế trận chiến tranh nhân dân và trận đánh quyết định của Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đập tan bộ máy cai trị của địch, xóa bỏ ách thống trị và đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khi nghe tin chiến thắng dồn dập từ miền Nam báo về, bên cạnh sự vui mừng, cảm xúc dâng trào, hân hoan cùng cả nước thì chúng tôi luôn trong trạng thái cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không giây phút nào được lơ là thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao. Cảm giác lúc bấy giờ bay bổng rất đặc biệt. Thế rồi bất chợ cả Hà Nội cùng im lặng để nghe bản tin đặc biệt rồi cùng òa lên, mọi người đều reo hò, vui mừng khôn xiết. “Hà Nội gần như nổ tung, bài hát “Trên đường chúng ta đi” của Huy Du và “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” được hát đi hát lại suốt cả ngày.
“Để tiếp tục khơi nguồn động lực cho đất nước phát triển mạnh mẽ hơn, cần phải khơi dậy sức mạnh của lòng dân và tinh thần hòa hợp dân tộc. Sức mạnh của Việt Nam chính là nền văn hiến của dân tộc, nhờ đó mà trong quá trình dựng nước và giữ nước chúng ta đã gìn giữ được hòa bình, tự do cho dân tộc… Chúng ta đã đồng lòng, đùm bọc, che chở lẫn nhau, cùng nhau vượt qua những thời điểm khó khăn nhất từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến thời kì quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội để đạt được những thành tựu như ngày nay”, cựu nhà báo Nguyễn Đức Đương chia sẻ.
Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ôn lại ký ức hào hùng năm xưa, để càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của độc lập tự do, về tinh thần hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc, chung sức xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Đã 49 năm trôi qua, sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam đã giành thêm nhiều thành tựu to lớn, nhưng chiến thắng 30/4 vẫn là một mốc son sáng chói, là niềm tự hào, kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam. Chiến thắng đó sẽ mãi là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi trở ngại, vững bước trên con đường đổi mới, tiếp tục đưa dân tộc Việt Nam đến những thắng lợi huy hoàng. Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để chúng ta tự hào về truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất của lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã đấu tranh, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu thống nhất, độc lập, tự do, hạnh phúc.