Hoài Thu - Giọng hát của một thời lửa đạn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặt trận Tây Nguyên luôn là một trong những chiến trường khốc liệt nhất. Ở đây, những người lính phải đối diện với bom đạn, đói khát, hy sinh, sốt rét rừng. Tuy chiến tranh gian khổ là vậy nhưng những người lính ở chiến trường Tây Nguyên lại có một 'món ăn' tinh thần giúp họ vượt qua được thử thách của chiến tranh, đó chính là lời ca tiếng hát của các ca sĩ Đoàn Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên, trong đó có giọng hát trong trẻo của ca sĩ Hoài Thu.

Ca sĩ Hoài Thu (hàng đầu thứ 4 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội trước giờ đi biểu diễn tại chiến trường Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu

Ca sĩ Hoài Thu (hàng đầu thứ 4 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội trước giờ đi biểu diễn tại chiến trường Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu

Vào tháng 3 năm 1967, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập Đội văn nghệ xung kích Tây Nguyên để biểu diễn văn nghệ cho bộ đội tại chiến trường. Do yếu tố khách quan, chiến trường khốc liệt, nhiều đội viên trong Đội văn nghệ xung kích hy sinh khi đi công tác và biểu diễn cho các đơn vị bộ đội. Chính vì vậy, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã cử cán bộ ra Bắc tuyển chọn những đội viên văn nghệ trẻ bổ sung cho chiến trường. Năm 1973, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã đổi tên Đội Văn nghệ xung kích Tây Nguyên thành Đoàn Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên. Đây chính là cái nôi đã sản sinh ra nhiều ca sĩ tên tuổi như: Rơ Chăm Piang, Tường Vi, Thanh Lịch và một cái tên đặc biệt khác là ca sĩ Hoài Thu - giọng hát còn đọng lại trong tâm trí những người lính Tây Nguyên ngày đó.

Ca sĩ Hoài Thu tên thật là Nguyễn Hoài Thu, sinh năm 1954, tại tỉnh Hà Tuyên (nay là Tuyên Quang). Cô sở hữu một gương mặt xinh xắn, nước da trắng hồng, thân hình thon thả và giọng hát trong trẻo, ngọt ngào. Nói về ca sĩ Hoài Thu, cựu chiến binh của Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 Nguyễn Đình Thi – người đã chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên vào những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, xúc động nhớ lại: “Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên phải đối diện với bom đạn, đói rét. Ước mong lớn nhất của chúng tôi là được nghe văn công hát. Hoài Thu và đồng nghiệp đã mang tiếng hát của mình để động viên cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Tây Nguyên, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội. Ca sĩ Hoài Thu đã hát cho chúng tôi nghe những bài hát dân ca Bắc bộ. Những người lính miền Bắc như chúng tôi khi nghe xong ai nấy cũng đều bật khóc vì nhớ nhà, nhớ bố mẹ”. Ông Thi cho biết thêm: “Chúng tôi ấn tượng nhất về giọng hát của ca sĩ Hoài Thu. Giọng hát ấy trong trẻo, ngân nga, vang vọng khắp núi rừng Tây Nguyên. Cánh lính chúng tôi ai cũng thích thú với giọng hát thánh thót, véo von ấy”.

Nhớ lại những kỷ niệm khi ở còn ở chiến trường, ca sĩ Hoài Thu kể: “Năm 1972, lúc vừa tròn 17 tuổi, tôi trúng tuyển vào Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc và công tác được 3 tháng thì đúng lúc đó, Đoàn Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên ra Tuyên Quang (nơi đóng quân của Đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc) tuyển diễn viên. Không đắn đo suy nghĩ, không sợ gian khổ ác liệt ở chiến trường, bản thân tôi đã viết đơn tình nguyện ra mặt trận. Thân gái mảnh mai suốt 3 tháng trời vượt Trường Sơn qua bao khó khăn, gian khổ, đúng Tết Nguyên đán năm 1973, tôi cùng 15 thành viên của Đoàn Văn Công của các tỉnh kết nghĩa với Tây Nguyên gồm: Tuyên Quang, Bắc Thái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang đã vào tới Tây Nguyên. Mặc dù đã hình dung ra những gian khó ở chiến trường nhưng khi đến Tây Nguyên tôi mới thực sự thấm thía, nó khó khăn, gian khổ gấp bội phần chứ không phải như mình tưởng tượng lúc còn ở miền Bắc. Sốt rét, bệnh tật, đói khổ, bom đạn nhiều lúc như muốn quật ngã bản thân, nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng vươn lên, phải sống xứng đáng với những người chiến sĩ đang chiến đấu ở phía trước”.

Lúc bấy giờ, ca sĩ Hoài Thu hát phục vụ một đoàn quân ra trận, khi thì ở bệnh xá phục vụ anh em thương, bệnh binh, khi thì phục vụ nhân dân vùng giải phóng. Đến bất kỳ đơn vị nào biểu diễn, cô cũng đều được bộ đội yêu quý, cổ vũ một cách nồng nhiệt, có những bài hát cô phải hát tới lần thứ 3 mà bộ đội vẫn yêu cầu hát lại.

Tiếng hát của ca sĩ Hoài Thu cũng như của anh chị em nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên những năm đó có sức mạnh thật đặc biệt, cổ vũ bộ đội ta vượt qua khó khăn, gian khổ chiến thắng quân thù.

Cho đến tận bây giờ, gần 50 năm đã trôi qua nhưng những ai đã được nghe ca sĩ Hoài Thu hát trong những năm tháng chiến tranh chắc hẳn vẫn không bao giờ có thể quên cô gái Tuyên Quang nhỏ bé, xinh xắn ngày ấy.

Tháng 4-1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng tất cả anh chị em Đoàn Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên sát nhập vào Đoàn Văn công Quân khu 5.

Về cuộc sống riêng, ca sĩ Hoài Thu kết duyên với nhạc sĩ Phan Hồng Hà, nhạc sĩ của Đoàn Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên, con trai nhạc sĩ nổi tiếng Phan Huỳnh Điểu. Sau khi ca sĩ Hoài Thu chuyển về thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, cô chuyển công tác tại Công an thành phố Hố Chí Minh, vẫn trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi cho biết: “Mặc dù đã gần 50 năm không được nghe ca sĩ Hoài Thu hát, nhưng khi trò chuyện với chị, tôi nhận thấy giọng chị vẫn còn rất trẻ trung, trong trẻo như ngày nào. Cứ mỗi lần Ban liên lạc Mặt trận Tây Nguyên hay Ban liên lạc các Trung đoàn 24, 66, 28, 95, Sư đoàn 10 tổ chức gặp mặt tại Hà Nội, chị vẫn sắp xếp thời gian, công việc để ra thăm và ôn lại những kỷ niệm với những người lính và hát tặng mọi người những bài hát mà một thời chị đã hát cho bộ đội nghe”.

Chiến tranh đã qua đi hơn 45 năm, thế nhưng, những người lính năm xưa vẫn còn nhớ như in gương mặt cũng như giọng hát của ca sĩ Hoài Thu. Giọng hát trong trẻo, véo von đầy cảm xúc, đã thành động lực giúp cho những người lính ở chiến trường Tây Nguyên trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ vượt qua được những gian khổ, hy sinh. Vượt qua mưa bom, bão đạn để chiến đấu cho tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoai-thu-giong-hat-cua-mot-thoi-lua-dan-post433435.html