Hoại tử bàn chân do chữa bỏng bằng lông gà và thuốc 'lạ'
Nghe lời thầy lang cam kết chỉ 1-2 ngày vết bỏng sẽ khỏi, người đàn ông ở Hải Dương đã bị nhiễm trùng, hoại tử da bàn chân.
Anh V.B (33 tuổi, trú tại Chí Linh, Hải Dương) phải nhập viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) để điều trị do nhiễm trùng bàn chân 2 bên.
Theo người bệnh, trước đó trong lúc nấu cơm do sơ suất anh B. có bị bỏng dầu ăn vùng bàn chân 2 bên. Trong đó bàn chân trái diện tích bỏng nhiều hơn với vết phồng rộp, có bọng nước. Do tâm lý ngại đi viện, anh B. đã nghe lời mách mà ở nhà điều trị theo một bài thuốc của thầy lang.
Anh B. cho biết, thầy lang có đến tận nhà anh và mang theo một loại thuốc bột màu vàng cam không rõ là được bào chế từ gì. Sau đó, dùng một đoạn lông gà chấm thuốc và rắc đều vào vùng bỏng ở chân của anh B.
Bệnh nhân B. tại bệnh viện
Kèm theo đó là lời hứa chỉ sau một lần điều trị, chỉ 1-2 ngày sau đó vết bỏng sẽ khô miệng và sau đó tự khỏi. Sau 2 ngày anh thấy vùng bỏng có hiện tượng đau, sưng, nóng, chảy dịch. Lúc này anh mới vội vàng đến viện để kiểm tra.
Ngày 23/5, bệnh nhân nhập viện với vết bỏng mặt trong bàn chân trái kích thước khoảng 10x6cm khuyết hổng phần mềm, nhiều dịch đục lẫn hoại tử mo cau đen. Gan bàn chân phải diện tích bỏng kích thước 4x3cm hoại tử da, nhiều dịch đục kèm giả mạc trắng.
Với chẩn đoán nhiễm trùng vết bỏng bàn chân 2 bên. Hiện nạn nhân đang được điều trị kháng sinh, thay băng, cắt lọc hoại tử và xét mổ ghép da/chuyển vạt che phủ diện khuyết hổng phần mềm khi đủ điều kiện.
Bệnh nhân đang được điều trị kháng sinh, thay băng, cắt lọc hoại tử
Các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình và bỏng khuyến cáo, với những tổn thương bỏng do bất cứ nguyên nhân gì, người dân nên đến với cơ sở y tế hoặc liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn điều trị đúng cách. Có thể từ một tổn thương ban đầu đơn giản, nếu xử trí sai cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn như hoại tử gây khuyết hổng phần mềm, có thể dẫn đến hoại tử gân cơ gây ảnh hưởng chức năng của bàn chân, làm kéo dài điều trị và tốn kém cho người bệnh. Trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến nhiễm trùng hoại tử và có thể phải cắt cụt cả bàn chân.
Ngày 27/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cũng tiếp nhận 1 bệnh nhi 6 tuổi đến khám với tình trạng đau nhức mắt trái, kèm theo mắt trái sưng nề, chảy nhiều nước mắt.
Theo người nhà kể lại, khoảng 3h chiều, bệnh nhi xuất hiện đau mắt trái, sau đó kèm theo phù nề, người nhà đã dùng lá trầu không để rửa mắt nhưng không đỡ, mắt càng sưng đau hơn, phải đến bệnh viện để khám. Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán em bị viêm kết mạc do dị ứng.
Từ những trường hợp trên các bác sỹ khuyến cáo, khi đã xác định bị dị ứng mắt, các dị nguyên có trong mắt cần được loại bỏ ra bên ngoài một cách nhanh chóng. Thêm vào đó, bệnh nhân tuyệt đối không được dụi tay vào mắt vì điều này sẽ vô tình kích hoạt các tế bào mast giải phóng nhiều hơn, khiến bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu đi. Người bệnh có thể làm giảm các triệu chứng như ngứa, sưng mi và giúp ổn định các màng tế bào có khả năng miễn dịch bằng biện pháp chườm lạnh. Tuyệt đối không rửa hoặc dùng thuốc theo kinh nghiệm dân gian để bôi lên mắt. Trong trường hợp các triệu chứng dị ứng không thuyên giảm, cần đến khám bác sĩ để được điều trị bằng các phương pháp khác hiệu quả hơn.
Khi sử dụng các loại thuốc kê đơn để điều trị, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo đúng liệu lượng thuốc và cách dùng bác sĩ đã khuyến cáo, tránh tự ý sử dụng hoặc lạm dụng thuốc.
Trong trường hợp sử dụng thuốc nhỏ mắt bị xảy ra các phản ứng dị ứng, bệnh nhân phải dừng thuốc ngay lập tức và đem thuốc tới cơ sở y tế để được hướng dẫn và lựa chọn thay đổi thuốc khác phù hợp hơn.