Hoại tử vô mạch dùng thuốc gì?

Hoại tử vô mạch là tình trạng mô xương chết do mất nguồn cung cấp máu, thường ảnh hưởng đến xương hông nhất. Các vị trí phổ biến khác là vai, đầu gối và mắt cá chân. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến tình trạng xương bị xẹp...

1. Những nguy hại sức khỏe do hoại tử vô mạch gây ra

Hoại tử vô mạch còn được gọi là hoại tử xương, hoại tử vô khuẩn, hoặc hoại tử xương do thiếu máu cục bộ. Giai đoạn đầu, hoại tử vô mạch thường không có triệu chứng, nhưng khi nặng hơn, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau đớn, cơn đau có thể trở nên liên tục. Khi xương và khớp xung quanh bị xẹp, khiến người bệnh đau dữ dội, không thể vận động được khớp. Thời gian từ khi có triệu chứng đầu tiên đến khi xẹp xương có thể từ vài tháng đến hơn một năm.

Nội dung

1. Những nguy hại sức khỏe do hoại tử vô mạch gây ra

2. Các biện pháp điều trị hoại tử vô mạch

2.1 Điều trị nội khoa

2.2 Điều trị nội khoa

2.3 Điều trị phẫu thuật

3. Lưu ý điều trị hoại tử vô mạch

Các yếu tố có thể dẫn đến hoại tử vô mạch gồm:

- Uống nhiều rượu có thể gây tích tụ mỡ trong máu, làm giảm lượng máu cung cấp cho xương.

- Thuốc bisphosphonat là loại thuốc được sử dụng làm chậm quá trình hủy xương, giúp ngăn chặn tiêu xương hiệu quả và làm tăng mật độ xương, nhưng có thể dẫn đến hoại tử xương hàm, nhất là khi đang dùng cho bệnh đa u tủy hoặc ung thư vú di căn.

- Xạ trị có thể làm suy yếu xương.

- Cấy ghép nội tạng cũng có liên quan đến hoại tử vô mạch.

- Sử dụng lâu dài thuốc steroid như prednisone bằng đường uống hoặc tĩnh mạch dẫn đến 35% các trường hợp hoại tử vô mạch do thuốc có thể làm tăng lượng mỡ máu, làm giảm lưu lượng máu.

- Chấn thương như gãy hoặc trật khớp háng có thể làm hỏng các mạch máu gần đó và ngăn nguồn cung cấp máu cho xương (khoảng 20% những người trật khớp háng có thể bị hoại tử vô mạch).

- Các cục máu đông, viêm và tổn thương động mạch có thể ngăn chặn lưu lượng máu đến xương dẫn đến hoại tử vô mạch....

Hoại tử vô mạch do thiếu máu nuôi xương...

Hoại tử vô mạch do thiếu máu nuôi xương...

2. Các biện pháp điều trị hoại tử vô mạch

Mục tiêu điều trị của hoại tử vô mạch là cải thiện khớp, ngăn chặn tổn thương xương và giảm đau. Lựa chọn biện pháp điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố:

Tuổi
Giai đoạn bệnh
Vị trí và số lượng xương bị tổn thương
Nguyên nhân của hoại tử vô mạch

Quá trình điều trị phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh tại thời điểm chẩn đoán.

Phương pháp điều trị theo ba giai đoạn chính sau:

- Giai đoạn sớm (trước khi có gãy xương dưới sụn): Mục tiêu là dự phòng hạn chế tối đa bệnh tiến triển nặng lên. Các phương pháp can thiệp chính là giảm áp lực lên chỏm xương đùi, khoan giảm áp, phẫu thuật lấy xương hoại tử và ghép xương, xoay chỏm xương.

- Giai đoạn đã khi có gãy xương dưới sụn: Điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng, hướng dẫn chế độ vận động sinh hoạt thích hợp, xem xét phẫu thuật ghép xương.

- Giai đoạn đã có xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát: Điều trị triệu chứng, xem xét phẫu thuật thay khớp háng bán phần hoặc toàn phần.

2.1 Điều trị nội khoa

Tùy tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể.

- Biện pháp không dùng thuốc

+ Loại bỏ các yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nhanh như thuốc lá, rượu bia, hạn chế tối đa việc sử dụng corticosteroid nếu có thể.

+ Giảm chịu lực chân đau: Nên giảm hoạt động hoặc dùng nạng, dụng cụ hỗ trợ đi lại khi vùng chỏm xương đùi, đầu gối, mắt cá nhân bị ảnh hưởng, để hạn chế chịu lực, giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

+ Tập vận động khớp, giúp cải thiện chức năng vận động khớp, tránh biến chứng co rút khớp; kích thích điện có thể giúp cơ thể tạo xương mới để thay thế xương chết.

Ngoài ra, bác sĩ có thể hướng dẫn các bài tập vận động đa dạng để giúp khớp vận động.

2.2 Điều trị nội khoa

Tùy nguyên nhân gây hoại tử vô mạch, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để điều trị nguyên nhân và kiểm soát triệu chứng:

- Thuốc chống viêm giảm đau: Các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen có thể được chỉ định để giảm đau và sưng.

- Thuốc chống đông: Đối với những trường hợp bị hoại tử vô mạch do khối máu đông làm tắc nghẽn máu lưu thông, bác sĩ có thể kê toa thêm loại thuốc chống đông.

- Thuốc giảm mỡ máu: Trường hợp mỡ máu cao, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm cholesterol và chất béo trong máu nhằm giúp ngăn ngừa tắc nghẽn dẫn đến hoại tử vô mạch.

2.3 Điều trị phẫu thuật

Các phương pháp điều trị nội khoa chỉ có thể làm chậm quá trình bệnh. Khi diễn tiến của bệnh trở nên phức tạp hơn, bệnh nhân thường cần phải phẫu thuật để có thể chữa trị hoàn toàn. Hiện nay có các loại phẫu thuật phổ biến được sử dụng để điều trị bệnh vô mạch hoại tử, bao gồm:

- Giải nén xương: Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần của các lớp bên trong của xương để làm giảm áp lực trong xương. Phương pháp này giúp giảm đau, tăng thêm không gian cho phép xương hình thành các mạch máu mới và kích thích sản xuất các xương mới.

- Cấy ghép xương: Là phương pháp dùng xương khỏe mạnh từ một bộ phận khác của cơ thể để ghép thay thế xương bị tổn thương do hoại tử vô mạch. Với phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ xương có nguồn cung cấp máu kém, sau đó thay thế bằng xương giàu mạch máu được lấy từ một vị trí khác, chẳng hạn như xương mác ở cẳng chân. Ở một số trường hợp, phương pháp được thực hiện kết hợp với giải nén để tăng hiệu quả điều trị.

- Định hình lại xương: Là phương pháp bác sĩ sử dụng để căn chỉnh, uốn nắn lại xương để giảm áp lực trên các khu vực bị ảnh hưởng bởi vô mạch hoại tử.

- Thay khớp: Nếu xương bị bệnh đã hoại tử hoặc các phương pháp điều trị khác không khả quan, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật thay khớp tự nhiên sang khớp nhân tạo. Phương pháp này đòi hỏi vài tháng phục hồi, bao gồm cả thời gian học tập để sử dụng khớp mới.

- Kích thích điện: Các nghiên cứu đã cho thấy phương pháp kích thích điện có thể giúp thúc đẩy khả năng phát triển của xương. Dòng điện có thể khởi động sự phát triển xương mới thay thế các khu vực bị hư hỏng do hoại tử vô mạch. Bác sĩ có thể thực hiện trong khi phẫu thuật hoặc cung cấp cho người bệnh một thiết bị đặc biệt.

Khi có đau hông, cần đi khám sớm để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời...

Khi có đau hông, cần đi khám sớm để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời...

3. Lưu ý điều trị hoại tử vô mạch

- Cần có kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc nghỉ ngơi, hạn chế cử động khớp kết hợp với việc sử dụng thuốc để giúp hồi phục và tránh việc phải phẫu thuật.

- Hạn chế hoạt động các khớp có thể giúp làm chậm các tổn thương từ đó giúp cho xương có thời gian hồi phục.

- Bệnh nhân không nên cố sức vận động, cần phải sử dụng nạng theo yêu cầu của bác sĩ trong vài tháng và hạn chế các hoạt động ảnh hưởng đến các khớp xương.

- Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu nhẹ nhàng có thể giúp duy trì hoặc cải thiện phạm vi chuyển động trong khớp, giúp nâng cao tầm hoạt động của khớp xương.

- Hoại tử vô mạch chỏm xương đùi bắt đầu với các triệu chứng nhẹ, dễ bị bỏ qua, nên việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt ở giai đoạn cấu trúc giải phẫu của chỏm xương đùi còn nguyên vẹn là lý tưởng nhất. Do đó khi có bất kỳ dấu hiệu đau khớp nào, cần đi khám ngay.

- Để dự phòng hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, bệnh nhân phải loại bỏ ngay các yếu tố nguy cơ như rượu, thuốc lá và việc lạm dụng corticoid...

- Điều trị nhằm kiểm soát cholesterol máu.

- Khi buộc phải sử dụng thuốc steroid, phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

BS.Phạm Ngọc Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoai-tu-vo-mach-dung-thuoc-gi-169250402130645451.htm