Hoàn cầu báo: Phương Tây xúi giục, tấn công nhà máy Trung Quốc tại Myanmar
Sự việc 32 nhà máy Trung Quốc đầu tư tại cố đô Yangon, Myanmar bị phá hoại cuối tuần qua là do các thế lực phương Tây kích động?
Trung Quốc yêu cầu chính quyền Myanmar tăng cường lực lượng, đảm bảo an toàn cho công dân và doanh nghiệp nước này đang hoạt động tại Myanmar
Người Myanmar bị phương Tây lợi dụng?
Ngày 16/3, Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) dẫn lời nhiều chuyên gia, nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, các vụ tấn công nhằm vào 32 nhà máy do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, gây thiệt hại lên tới 240 triệu nhân dân tệ (tương đương 35,89 triệu USD), là do những lực lượng thù địch trong và ngoài Myanmar thực hiện. Mục đích là nhằm kích động sự hằn thù, gây chia rẽ giữa Myanmar và Trung Quốc.
Trang báo này dẫn lời ông Bi Shihong, một giáo sư đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu ngoại giao với các nước láng giềng của Trung Quốc và Khoa Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Vân Nam cho rằng, những diễn biến phá hoại doanh nghiệp của Trung Quốc cuối tuần qua rõ ràng là có tổ chức, lên kế hoạch từ trước.
“Những người Myanmar tham gia vào các vụ tấn công này thực chất chỉ là bia đỡ đạn. Họ đã bị lợi dụng và xúi giục” - ông Bi nói.
Giáo sư Bi khẳng định, đằng sau những hành vi ghét bỏ Trung Quốc tại Myanmar là sự kích động của các thế lực chống Bắc Kinh từ Phương Tây đang cố tình tạo ra những chướng ngại trong quan hệ trao đổi giữa Trung Quốc và các nước khác trong dài hạn.
Bên cạnh đó, Thời báo Hoàn cầu cho biết, khoảng 2 ngày trước khi 32 nhà máy Trung Quốc bị phá hoại, ông Kyaw Win, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên “Hệ thống Nhân quyền Myanmar” (BHRN) có trụ sở chính ở London, Anh đã đăng bài viết trên mạng xã hội Twitter với nội dung cảnh báo: “Nếu một dân thường Myanmar thiệt mạng, một nhà máy Trung Quốc sẽ trở thành tro bụi”.
Theo Giáo sư Bi, có rất nhiều tổ chức như BHRN tại phương Tây muốn tận dụng mọi cơ hội có thể để tấn công Trung Quốc.
Ông Bi cho rằng, thái độ chống Bắc Kinh tại Myanmar gây tổn hại tới dân thường và hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại đây sẽ buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải nghĩ lại về môi trường đầu tư vào đất nước Đông Nam Á này.
Thời báo Hoàn cầu dẫn lời rất nhiều doanh nhân đang làm ăn tại Myanmar bày tỏ lo ngại tình trạng bạo loạn, đốt phá ở đây đã cản trở công việc của họ và cảnh báo có thể rút hoạt động về nước.
Một doanh nhân Trung Quốc họ Yang đang làm việc tại Myanmar cho biết: “Các công ty Trung Quốc tại Myanmar đã có nhiều đóng góp với nền kinh tế địa phương, giải quyết vấn đề thất nghiệp, cải thiện thu nhập của chính quyền địa phương đồng thời tham gia vào rất nhiều công tác thiện nguyện. Nếu chính quyền địa phương không xử lý kịp thời những hành động gây rối như vậy và bảo vệ sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương, thì liệu ai còn muốn đầu tư vào Myanmar nữa?”.
Bắc Kinh yêu cầu trừng phạt thủ phạm tấn công
Trước đó, Bắc Kinh đã có phản ứng mạnh mẽ trước tình hình bạo lực, đốt phá ảnh hưởng tới doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Myanmar.
Tại cuộc họp báo, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, hành động chống lại doanh nghiệp của nước này là rất tồi tệ, kêu gọi Myanmar phải có biện pháp cứng rắn, ngăn chặn bạo lực, trừng phạt thủ phạm gây ra các vụ tấn công theo đúng pháp luật, nhằm đảo bảm an toàn cho lao động và doanh nghiệp Trung Quốc tại đây.
Theo ông Triệu Lập Kiên, sau khi xảy ra vụ việc, Myanmar đã điều thêm cảnh sát, lực lượng phòng cháy chữa cháy tới các khu vực bị ảnh hưởng tại Yangon và tăng cường an ninh.
Về việc sơ tán công dân Trung Quốc tại Myanmar về nước, Bắc Kinh vẫn đang theo dõi sát tình hình nhưng rất quan ngại về an toàn của các tổ chức, cá nhân Trung Quốc, theo ông Triệu.
Một lần nữa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, quan hệ hợp tác thương mại và kinh tế song phương luôn được thực hiện dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội Myanmar, làm lợi cho người dân địa phương.