Hoãn kết hôn chống dịch, 20 y - bác sĩ được tổ chức lễ cưới tập thể
Trong thời gian tham gia chống dịch Covid-19, cùng với các lực lượng tuyến đầu trên cả nước, các y - bác sĩ của bệnh viện có 1 số cặp đôi đã kết hôn nhưng đành tạm gác lại lễ cưới, quên đi hạnh phúc của riêng mình để dấn thân vào cuộc chiến
Chiều 16-2, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) đã tổ chức buổi họp báo lễ cưới tập thể cho 20 nhân viên y tế của bệnh viện phải tạm hoãn đám cưới trước đó vì tham gia chống dịch Covid-19.
Tại buổi lễ, Đại tá - tiến sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết trong số 20 cặp đôi, có một số cặp đôi đều là cán bộ, nhân viên của bệnh viện, thời gian qua đã tham gia chống dịch Covid-19.
"Trong thời gian tham gia chống dịch Covid-19, cùng với các lực lượng tuyến đầu trên cả nước, các y bác sĩ của bệnh viện có 1 số cặp đôi đã kết hôn nhưng đành tạm gác lại lễ cưới, quên đi hạnh phúc của riêng mình để dấn thân vào cuộc chiến. Đây là một thiệt thòi lớn cho các bạn khi ngày hạnh phúc cũng chưa trọn vẹn. Họ xứng đáng để nhận được hạnh phúc và sự quan tâm của toàn xã hội. Chương trình lần này góp phần lan tỏa tinh thần sống đẹp, sự yêu thương, lòng nhân ái, chia sẻ lẫn nhau" - Đại tá Trần Quốc Việt bày tỏ.
Là một trong những cặp đôi được tổ chức lễ cưới, điều dưỡng Trần Thị Thúy Hằng, Khoa Hồi sức Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ chị và chồng xa nhau nửa năm mới gặp lại bởi từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại TP HCM, chị đã tham gia chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Đến nay, dù cuộc sống đã bình thường trở lại nhưng dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt nên chị vẫn tham gia công việc. Vì vậy, những lúc gặp gia đình, đặc biệt là người yêu vẫn phải hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang thường xuyên.
Nhớ lại khoảng thời gian tham gia chống dịch, chị Hằng kể lúc đầu cảm giác lo lắng, sợ hãi không tránh khỏi. Tuy nhiên, qua tìm hiểu kiến thức và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng mắc bệnh bất cứ lúc nào nên mọi lo lắng cũng tan biến. Bởi, thời điểm dịch bệnh tại TP diễn biến phức tạp, áp lực công việc tăng cao khi số bệnh nhân nhập viện lên đến hàng ngàn ca, nhân viên y tế làm việc không có giờ nghỉ ngơi.
"Sau khi hoàn thành công việc, tranh thủ từng phút để gọi điện thoại cho người yêu, người nhà. Chỉ cần nghe tiếng, biết mọi người bình an là mình vui lắm rồi" – chị Hằng bày tỏ.
Tuy nhiên, sau đó, chồng chưa cưới của chị Hằng mắc Covid-19 nhưng anh giấu không cho chị biết vì sợ lo lắng, ảnh hưởng công việc. Đến khi khỏi bệnh anh mới kể lại, sự quan tâm tế nhị này khiến chị Hằng đau lòng.
"Tôi cảm thấy mình bất lực, không làm được gì cả. Mình đi chống dịch, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, vậy mà người thân của mình mắc bệnh lại không thể kề bên" – chị Hằng nghẹn ngào nói.
Còn chị Lê Thị Quỳnh Như hiện đang công tác tại Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Quân y 175 và anh Trần Tấn Lập, giảng viên Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM, yêu nhau 9 năm và sau nhiều lần hoãn cưới vì dịch Covid-19, anh chị hạnh phúc khi được tổ chức lễ cưới cùng với đồng nghiệp của mình.
Chị Như chia sẻ thời gian dịch bệnh xảy ra ai cũng có khó khăn. Bản thân là nhân viên y tế công tác tại bệnh viện khi được phân công nhiệm vụ, chỉ chỉ biết cố gắng hết mình để dịch bệnh được đẩy lùi.
"Thời gian đó, tôi tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, công việc tiếp xúc nhiều nên người yêu cũng lo lắng nhưng sau giờ làm việc tranh thủ gọi điện hỏi thăm, động viên nhau, lâu dần anh cũng hiểu và chia sẻ công việc với mình" – chị Như nói.
Ngoài được tài trợ váy cưới, các cặp đôi cũng được các đơn vị tặng nhẫn, chăn ga gối, vé máy bay và tiền mặt. Đám cưới sẽ được tổ chức vào ngày 20-2.
Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, qua chương trình nghệ thuật "Mạch sống", nhà thiết kế Minh Hạnh đã chuyển tải lời tri ân đến lực lượng tuyến đầu chồng dịch trên tài áo dài.
Mạch Sống khái quát không khí căng thẳng của TP HCM trong thời gian giãn cách xã hội và hành trình chống dịch của các y, bác sĩ.
Trên mỗi chiếc áo dài, hành trình chống dịch của các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến, cấp cứu bằng máy bay trực thăng hay các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan cũng được khắc họa sống động.
Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: "Thông qua hình ảnh chiếc áo dài, chúng tôi muốn thể hiện sự hân hoan mở cửa để đón nhận cuộc sống bình thường mới. Đặc biệt, mong muốn tri tri ân lực lượng tuyến đầu bằng sự cao quý của chiếc áo dài. Hình ảnh những chiến sĩ thầm lặng xuất hiện trên tà áo mang lời ước nguyện về tương lai về hạnh phúc và tri ân sự hy sinh quên mình của các chiến sĩ áo trắng".