Hoàn Kiếm là quận đặc thù, đề xuất giữ nguyên
Liên quan việc sắp xếp các đơn vị hành chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, quận Hoàn Kiếm là quận đặc thù, có bề dày truyền thống về văn hóa, lịch sử. Vì thế, thành phố sẽ tìm cách thuyết phục, với tinh thần là bảo vệ giữ nguyên quận Hoàn Kiếm.
Quận đặc thù, cần ổn định
Tại Hội nghị đối thoại với cán bộ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp TP Hà Nội do Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì, được tổ chức ngày 9/8, các đại biểu đã nêu ra nhiều vấn đề “nóng” trên địa bàn Thủ đô, được dư luận quan tâm, trong đó có viêc sắp xếp quận Hoàn Kiếm.
“Nhân dân rất quan tâm, muốn biết chủ trương, quan điểm của thành phố trong việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, bởi đây là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có bề dày truyền thống về văn hóa, lịch sử”, ông Phạm Chi Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, nêu câu hỏi.
Thông tin về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố có 1 đơn vị cấp huyện và 176 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Ngày 7/8, Thường trực Thành ủy đã họp, thống nhất cao quan điểm và sẽ có chỉ thị về vấn đề này. Đồng thời, thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo ông Dũng, tinh thần của Hà Nội là thực hiện nghiêm quy định của Trung ương, nhưng đây cũng là vấn đề rất hệ trọng. Thành phố sẽ rà soát, thống kê theo tiêu chí cứng là diện tích và dân số, bên cạnh đó có tiêu chí văn hóa, lịch sử. Tiêu chí này cũng đã được nêu trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Quận Hoàn Kiếm rất đặc thù. Thành phố sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận nhưng các minh chứng phải được đưa vào đầy đủ để thuyết minh, thuyết phục. Còn với các xã, phường - nơi nào có yếu tố văn hóa, lịch sử đặc thù thì cũng phải thuyết minh, thuyết phục, còn lại phải thực hiện theo đúng quy định”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Liên quan đến chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè, ông Dũng khẳng định: Chủ trương cho thuê vỉa hè, lòng đường là việc sẽ làm và các quận cũng đang rà soát nghiên cứu. Tuy nhiên, muốn thực hiện phải có đủ căn cứ pháp lý. Do đó, thành phố đang yêu cầu các quận tổ chức thiết kế đô thị, lấy ý kiến nhân dân. Cụ thể như quận Hoàn Kiếm đang rà soát, nghiên cứu các tuyến phố để có thể thí điểm sau khi lấy ý kiến nhân dân.
Phát triển đô thị hướng ra sông Hồng
Về tiến độ triển khai lập Quy hoạch về phát triển hai bờ sông Hồng, trao đổi với các đại biểu, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, quy hoạch chung xây dựng Hà Nội sẽ được nghiên cứu điều chỉnh song song và đồng thời cùng với Quy hoạch Thủ đô cũng như Luật Thủ đô. Đây là 3 nội dung quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ để đồng loạt phê duyệt, triển khai trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND thành phố phê duyệt năm 2021. Đây là cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và xác định các dự án đầu tư trong khu vực. Theo định hướng, sông Hồng kết hợp với 5 trục: Hồ Tây - Ba Vì, Hồ Tây - Cổ Loa, Nhật Tân- Nội Bài và trục phía Nam Hà Nội để trở thành 5 trục chính trong định hướng điều chỉnh quy hoạch tới đây. Ngoài ra, sông Hồng, trong thời gian tới sẽ trở thành sông đi qua trung tâm của thành phố.
“Trước đây, Hà Nội phát triển đô thị còn quay lưng lại sông Hồng. Tuy nhiên, theo theo điều chỉnh quy hoạch và Quy hoạch tổng thể thành phố đang xây dựng, Hà Nội sẽ phát triển đô thị hướng ra sông Hồng. Sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan chính đi giữa trung tâm thành phố”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh thông tin và cho biết, quá trình triển khai, thành phố sẽ lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc xử lý các dự án “treo”, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân cho biết, đến cuối tháng 6/2023, trên địa bàn thành phố có 712 dự án “treo”. Nguyên nhân một phần là do quy hoạch, năng lực nhà đầu tư, một phần là khi mở rộng địa giới hành chính phải điều chỉnh quy hoạch. Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã chỉ đạo rà soát, xử lý dự án chậm triển khai trên địa bàn.
Theo đó, thành phố đã phân loại dự án “treo” theo các dạng khác nhau và giao Sở TN&MT thực hiện. Đến nay, thành phố đã xử lý, đưa ra khỏi danh sách 419 dự án chậm triển khai. Mục tiêu đến hết tháng 11/2023 thành phố sẽ cơ bản giải quyết xong 293 dự án còn lại. Đến hết tháng 11/2023, nếu nhà đầu tư không thực hiện hoặc cố tình chây ì thì thành phố sẽ thu hồi giấy phép đầu tư, ông Quân thông tin.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, lòng đường, vỉa hè gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân Thủ đô, dịch vụ ăn uống trên vỉa hè đã là văn hóa lâu đời. Cách làm cũ thường là theo kiểu “cứ ra quân truy đuổi, dọn dẹp vỉa hè, nhưng không đạt được hiệu quả cao và vững chắc”. Do đó, việc quản lý lòng đường, vỉa hè cần thiết phải tổ chức lại. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương mới phải làm rất kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao của Nhân dân và phải chọn thời điểm phù hợp…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoan-kiem-la-quan-dac-thu-de-xuat-giu-nguyen-post1559006.tpo