Hoàn lương, tìm lại cuộc sống hạnh phúc cho chính mình
Cuộc sống gia đình khó khăn đã làm cho người thanh niên ấy phải nghỉ học từ sớm để lo mưu sinh. Nhiều nghề, vất vả suốt ngày vẫn không đủ sống, sau đó với những hành vi thiếu suy nghĩ, đáng ra phải bị xử lý nhưng anh kịp thức tỉnh nhờ sự cảm hóa của các anh công an (CA), chính quyền, người thân và đã chuyển biến thật sự...
Nhớ lại quãng thời gian dài nhiều lần có những việc làm không tốt, một phần do cuộc sống khó khăn, anh Nguyễn Văn Trừ (SN 1984, ngụ thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) tâm sự: "Nếu chậm khắc phục sai lầm đó có lẽ tôi đã bị xử lý vài lần, thậm chí là đi tù, nhưng rồi tôi đã vượt qua tất cả. Chỉ làm ăn chân chính, sống lương thiện mới có thể làm lại cuộc đời tốt hơn".
Anh Trừ là con trai lớn trong một gia đình nghèo ở ngay trung tâm huyện Tân Trụ. Chưa đầy 15 tuổi anh phải nghỉ học đi bốc vác, chiều về lại tìm công việc nào đó kiếm thêm thu nhập phụ cha mẹ trang trải cuộc sống khó khăn. Căn nhà mục nát của cha mẹ cũng chính là nơi sinh sống của 10 nhân khẩu với nghề làm mướn từ đời này sang đời khác. Tới lúc cưới chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1985) có 3 đứa con sinh năm một, con cái nay bệnh mai đau, cha mẹ càm ràm, nên hai vợ chồng gần như thường xuyên ẩu đả như cơm bữa.
Mỗi lần cự cãi, đập phá đồ đạc, Trừ lại bị CA mời lên làm cam kết, về chưa được bao lâu lại tái diễn. Có tuần, Trừ la hét, đập phá đồ đạc trong nhà gần chục lần. Dần dần xóm làng xa lánh, hai vợ chồng ngày càng mặc cảm, chẳng muốn tiếp xúc với ai. Mỗi lần lập hồ sơ ký vào biên bản, anh lại tặc lưỡi: "Kệ, tới đâu thì tới, ở tù cho khỏi cực bản thân, xã hội khỏi xa lánh".
Hàng đêm, lực lượng dân phòng cùng CA thị trấn Tân Trụ tuần tra ngang qua nhà vợ chồng Trừ, nhiều anh em đứng thật lâu trước sân chứng kiến cảnh nhói lòng: Qua ánh đèn mờ, vợ chồng anh cùng các con ngủ trong chiếc mùng rách nát, mái nhà trống hoác nhìn thấy cả khoảng trời đầy sao. Trước hoàn cảnh như vậy, với người tính tình cộc cằn như thế muốn họ vươn lên phải giúp bằng "cần câu" chứ không thể mỗi tháng cho chục ký gạo, ít tiền trang trải khó khăn trước mắt.
Cảm hóa một con người như Trừ rất khó, nhưng không phải vì thế mà CA bỏ qua. Một lần được mời lên trao đổi, khi CA thị trấn Tân Trụ đặt vấn đề sẽ bảo lãnh cho đến nhà trọ ở đồng thời giới thiệu đại lý vé số để 2 vợ chồng lấy đi bán dạo, chiều về trả lại vốn, còn 3 đứa con sẽ đưa vào mẫu giáo cho học, số tiền đóng cho nhà trường được hỗ trợ 50%, hai vợ chồng cứ tưởng nghe nhầm. Cả hai nhìn anh cảnh sát khu vực chằm chằm bán tín bán nghi: "Anh làm CA chỉ phạt vi phạm thôi, giờ ra tay cứu giúp kẻ phạm pháp như tụi em nữa à? Sao anh dám đặt niềm tin vào tụi em dễ dàng vậy?". Thỏa thuận bước đầu xem như thành công!
Từ đó, khu nhà trọ không nghe vợ chồng Trừ lớn tiếng cự cãi nhau, đại lý vé số vui mừng vì tiền trả đầy đủ và số vé lấy cũng tăng dần lên. Thấy họ chí thú làm ăn, chủ nhà trọ giao cho Trừ thêm công việc quản lý, không ngờ anh làm khá tốt. Một con người cộc cằn, thô lỗ chưa bao lâu đã chuyển biến tốt làm cho CA thị trấn cảm thấy vui lây. "Vài ngày nữa chuyển sang khu nhà trọ mới tương đối khang trang, vợ chồng em mời các anh CA đến dùng bữa cơm thân mật với gia đình", anh Trừ bày tỏ.
Hạnh phúc của họ càng làm cho các anh CA thêm ấm lòng khi cảm hóa giáo dục được một người hoàn lương. Nếu cứ áp dụng đúng qui định pháp luật, anh Trừ phải chịu hình phạt do chính hành vi của mình gây ra, nhưng cách quản lý cùng biện pháp giáo dục mang tính nhân văn đã giúp anh vươn lên trong cuộc sống mới.