Hoàn lưu bão số 3 gây mưa lũ lớn cho nhiều khu vực
Bão Wipha đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi đổ bộ vào nước ta. Tuy nhiên, hoàn lưu bão gây mưa lớn, nước sông dâng, nguy cơ lũ cho nhiều địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Nước đổ về trung tâm xã Mường Xén (Nghệ An) trong đêm. Ảnh: Đ. Thọ
Lũ lên cao trong đêm tại miền Tây Nghệ An
Ghi nhận, khoảng 1h sáng ngày 23-7, người dân nhiều xã, bản ở miền Tây tỉnh Nghệ An chia sẻ qua mạng xã hội về việc được tổ chức di dời lên khu vực cao hơn tránh lũ. Cụ thể, thời điểm nửa đêm qua, nhiều người dân ở khối 5, xã Mường Xén dù có nhà ở vị trí cao nhưng nước cũng bắt đầu tràn vào nhà, dần nhấn chìm nhiều tài sản.
Kịp thời ứng phó, UBND xã Tương Dương họp khẩn giữa đêm để chỉ đạo các bản, làng ứng phó hiệu quả nhất. Ngay sau cuộc họp, ông Lê Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương đã cùng các lực lượng trực tiếp đi đến các bản, chia làm nhiều tổ công tác để hỗ trợ di dời dân. Trong đêm, xã Tương Dương đã di dời những hộ dân trong vùng ngập lụt tại khối Hòa Bắc và khối Hòa Đông.

Công an tỉnh Nghệ An hành quân trong đêm hỗ trợ người dân. Ảnh: Công an cung cấp
Đêm 22-7, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PC07) Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Công an huyện Con Cuông và chính quyền địa phương cũng đã tổ chức sơ tán 11 hộ dân tại xóm Ma Nhai, khối 4, huyện Con Cuông khỏi vùng lũ nguy hiểm.
Nhận tin báo lúc 21h33, lực lượng cứu hộ nhanh chóng huy động phương tiện, thiết bị chuyên dụng, vượt nước sâu để đưa từng người dân và tài sản ra nơi an toàn. Công tác cứu hộ diễn ra xuyên đêm và hoàn tất thành công, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bà con.

Lực lượng Công an đưa người dân ra khỏi vùng lũ. Ảnh: PC07

Lực lượng cứu hộ làm việc xuyên đêm. Ảnh: PC07

11 hộ dân đã được cứu hộ thành công. Ảnh: PC07
Ngay trong đêm và rạng sáng 23-7, UBND tỉnh Nghệ An đã ra thông báo khẩn gửi các xã phía Tây Nghệ An với nội dung: Vào lúc 21h ngày 22-7, lưu lượng về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543 m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500 m3/s (tần suất 0,02%, tức là 5000 năm xảy ra 1 lần). Hồ tiến hành cắt, giảm lũ với lưu lượng xả xuống hạ du là 1.727 m3/s và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các địa phương hạ du thủy điện Bản Vẽ khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND các xã Tương Dương, Tam Thái, Lượng Minh, Tam Quang, Con Cuông, Cam Phục, Châu Khê, Mậu Thạch, Anh Sơn, Yên Xuân, Nhân Hòa, Anh Sơn Đông, Vĩnh Tường… khẩn trương thực hiện.

Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương Lê Văn Lương khẩn trương họp di dân. Ảnh: Đ. Thọ
Nước lũ uy hiếp đê điều
Sau bão số 3, một số khu vực tại tỉnh Ninh Bình và khu vực tỉnh Thái Bình cũ (nay là tỉnh Hưng Yên); một số nơi ở Hải Phòng... đang đối mặt với việc nước nhiều sông dâng cao. Một số nơi có nguy cơ nước tràn đê, gây vỡ đê.
Cụ thể, một đoạn đê bối hữu sông Thái Bình bị vỡ khiến 27 hộ dân ở xã Vĩnh Thuận (Hải Phòng) phải sơ tán khẩn cấp. Sự cố xảy ra vào lúc 13h40 ngày 22-7. Các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đã nhanh chóng có mặt, tập trung lực lượng xử lý sự cố.

Các lực lượng tập trung xử lý sự cố vỡ đê ở thành phố Hải Phòng. Ảnh: Hoàn Nguyễn
Dự báo từ hôm nay đến ngày mai (24-7), mực nước sông Thái Bình tiếp tục dâng cao từ +3,9m đến +4,0m, vượt quá cao trình đê bối hiện hữu. Do đó, địa phương đang tập trung cao độ, theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, có phương án điều tiết nước và đảm bảo an toàn các tuyến đê xung yếu.
Còn ở tỉnh Thanh Hóa, mực nước trên sông Yên tại trạm Thủy văn Chuối đã đạt mức Báo động III (+3.50m). Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường: Nông Cống, Thăng Bình, Trường Văn, Trung Chính, Thắng Lợi, Tượng Lĩnh, Quảng Chính, Tiên Trang, Quảng Yên, Quảng Ngọc, Ngọc Sơn, Các Sơn tiếp tục triển khai việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động; chủ động triển khai phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân sinh sống ở vùng trũng thấp...
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo ngày 23-7, mưa lớn tập trung tại phía nam Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Các khu vực còn lại ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa từ 20-50 mm, có nơi trên 100 mm. Thanh Hóa và Nghệ An hiện là hai địa phương có diễn biến mưa lũ phức tạp sau bão.
Theo dự báo từ nay đến ngày 25-7, sông Mã và sông Cả có thể đón một đợt lũ lên 3-6m, gây ngập úng tại khu vực trũng thấp ven sông, các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Mô hình độ ẩm cũng cho thấy, hai địa phương này có nguy cơ rất cao xuất hiện lũ quét, sạt lở đất từ sáng 23-7.
Dự báo tình hình mưa lũ hậu bão số 3 sẽ còn diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng khuyến cao người dân không được chủ quan, thường xuyên theo dõi các thông tin chính thống từ các cấp chính quyền và cơ quan khí tượng để có phương án phòng, chống bão lũ hiệu quả, an toàn.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoan-luu-bao-so-3-gay-mua-lu-lon-cho-nhieu-khu-vuc-710089.html