Hoàn lưu bão số 3 làm nhiều xã miền Tây Nghệ An ngập nặng

Hoàn lưu bão số 3 (Wipha) đã gây mưa lớn khiến nhiều xã miền Tây Nghệ An bị nước lũ dâng cao, cô lập. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị chia cắt.

Mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão số 3 tiếp tục trút xuống vùng núi Nghệ An khiến mực nước các sông, suối lên cao. Nhiều nhà máy thủy điện vận hành hồ chứa để đảm bảo an toàn gây ngập lụt nhiều nơi.

Người dân xã Mường Xén di chuyển đồ đạc chạy lũ khi nước dâng ngập đường hơn nửa mét vào khuya 22/7.

Người dân xã Mường Xén di chuyển đồ đạc chạy lũ khi nước dâng ngập đường hơn nửa mét vào khuya 22/7.

Tại xã Mường Xén (huyện Kỳ Sơn cũ), nước từ sông Nậm Mộ dâng cuồn cuộn kết hợp thủy điện Nậm Mộ vận hành xả lũ khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, giao thông trên Quốc lộ 7A nhiều đoạn bị chia cắt. Tại các khối 1, 2, 3, 4 và 5 ở xã Mường Xén nước ngập gần 1 mét. Nhiều nhà hai bên đường nước đã tràn vào hơn nửa mét, cuốn trôi một số máy móc, đồ dùng, vật dụng của các hộ dân.

Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén, ông Nguyễn Viết Hùng cho biết, lũ về nhanh, nước dâng cao khiến nhiều nhà dân bị ngập, sạt lở. Hiện các lực lượng công an, dân quân... đang khẩn trương chạy đua với nước lũ, tổ chức di dời các hộ dân vùng nguy cơ cao.

Chính quyền xã Mường Xén cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét.

Chính quyền xã Mường Xén cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét.

Khoảng 22h, ngày 22/7 nước bắt đầu dâng lên khoảng 10cm so với đầu giờ tối, các gia đình đã kịp sơ tán nhiều vật dụng có giá trị đến nhà người thân ở vị trí cao để tránh hư hỏng. Mưa lớn kết hợp lũ từ thượng nguồn đổ về khiến 7 bản dọc sông Nậm Mộ, xã Mỹ Lý, bị cô lập, đường ngập sâu hơn nửa mét. Trong đó, 20 nhà sàn ở vùng trũng thấp ngập gần đến mái, sâu hơn hai mét. Đồn Biên phòng Mỹ Lý ngập hơn một mét, cán bộ chiến sĩ phải di chuyển đồ đạc lên cao.

Một số bản tại xã Mỹ Lý như: Xốp Tụ, Hòa Lý bị sạt lở núi, đường chia cắt nên chưa thể tiếp cận. Trong đêm 22/7, trên địa bàn xã tiếp tục có mưa to, chính quyền đang huy động người dân di dời đến nhà người thân ở nơi cao hơn nhằm đảm bảo an toàn.

Lũ về hàng trăm nhà dân bị ngập sâu.

Lũ về hàng trăm nhà dân bị ngập sâu.

Tại xã biên giới Nhôn Mai, xuất hiện lũ quét kéo dài khoảng ba tiếng, cuốn trôi nhiều cây cầu bắc qua suối ở bản Nhôn Mai. Trụ sở công an xã ngập sâu hơn nửa mét. Quốc lộ 16 đoạn qua địa bàn bị chia cắt 4-5 điểm, ít nhất 4 bản bị cô lập. Một số xã lân cận cũng xảy ra sạt lở núi, quốc lộ nứt nẻ, đường liên thôn, liên xã bị chia cắt.

Tại xã Mường Quàng mưa lớn từ tối 21/7 đến nay vẫn chưa dứt, nước sông dâng hơn 3m, 6 điểm đường chính bị ngập gần nửa mét, gây chia cắt cục bộ. Chính quyền đã di dời 9 hộ dân đến nơi an toàn do sống ở vùng ngập lụt. Việc di dời hàng chục hộ ở vùng nguy hiểm gặp khó khăn do mưa lớn, các lực lượng đang túc trực tại chỗ, sẵn sàng xử lý nếu xảy ra sự cố. Chiều cùng ngày mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ khiến nước sông Quàng dâng cao, làm lật cầu treo dài gần 6 m nối bản Hiền với bản Quạnh, 105 hộ dân bị cô lập.

Trong một diễn biến khác, do mưa lớn kết hợp với thủy điện vận hành xả lũ, mực nước sông Hiếu lên nhanh khiến một số điểm trên Quốc lộ 48 bị ngập sâu.

Cầu treo bắc qua sông Quàng ở xã Mường Quàng, bị nước lũ cuốn lật cầu.

Cầu treo bắc qua sông Quàng ở xã Mường Quàng, bị nước lũ cuốn lật cầu.

Đặc biệt, đoạn qua dốc Bù Bài (khu vực giáp ranh xã Quỳ Châu và xã Châu Tiến) bị ngập sâu, Công an xã Quỳ Châu đã tổ chức cắm biển cảnh báo, cấm các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Nghệ An đến 19h ngày 22/7 cho biết, trên địa bàn đã có 1 người ở xã Yên Thành bị thương; 1 người mất tích ở xã Nậm Cắn do bị nước lũ cuốn trôi. Hơn 160 căn nhà ở các xã Bạch Ngọc, Quang Đồng, Yên Thành, Vĩnh Tường, Châu Bình, Nhôn Mai, Yên Hòa, Na Loi, Hữu Kiệm, Mường Xen bị thiệt hại; 48 căn nhà ở các xã Châu Bình, Nghĩa Hưng, Nhôn Mai bị ngập nước. Bên cạnh đó, hơn 150ha lúa, 286ha mạ, gần 550ha rau màu và cây trồng hàng năm bị thiệt hại; hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi...

Vật dụng bị nước cuốn trôi do lũ lên quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp.

Vật dụng bị nước cuốn trôi do lũ lên quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp.

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão số 3, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, các địa phương triển khai kịp thời công tác ứng phó với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, hoàn lưu bão gây ra.

Trong đêm 22/7, hàng loạt nhà máy thủy điện ở Nghệ An đã có thông báo vận hành điều tiết hồ chứa như Thủy điện Nậm Mô, Khe Bố, Chi Khê, Nhạn Hạc, Sao Va, Nậm Giải, Sông Quang... Việc điều tiết mực nước hồ chứa đồng loạt khiến các địa phương vùng hạ du đứng trước nguy cơ bị ngập sâu.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương liên quan thông báo đến các cấp chính quyền, người dân ở vùng hạ du chủ động các phương án ứng phó, phòng tránh để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Nguyễn Công

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hoan-luu-bao-so-3-lam-nhieu-xa-mien-tay-nghe-an-ngap-nang-100601.html