Hoàn Nguyễn: Một tâm hồn, hai nẻo 'đường thơ'
Tôi từng đọc thơ Hoàn Nguyễn nhiều lần, lại nghe cả những bản nhạc phổ thơ chị. Thành thật mà nói cũng thấy phân vân không biết nên gọi tên một Hoàn Nguyễn nhà thơ hay một Hoàn Nguyễn thuộc về thế giới âm nhạc. Dường như cả hai thế giới ấy Hoàn Nguyễn đều xứng đáng dự phần. Song cho dù có tách bạch đến chừng nào đi nữa thì vẫn có một thực tế là những gì mà người đọc hay người nghe được biết đều thuộc về cùng một con người. Thơ hay nhạc thực ra chỉ là hai phía khác của một tâm hồn cô đơn đến cùng cực.
Chân dung nhà thơ Hoàn Nguyễn.
Hoàn Nguyễn đến với thơ sớm hơn nhạc, cũng bởi vậy mọi người biết chị nhiều hơn với tư cách một người viết thơ. Thơ chị viết không nhiều, trước sau cũng chỉ gửi đến công chúng tập “Cưới thơ”, ngoài ra có một số ít bài thơ đăng các báo. Tuy nhiên thơ Hoàn Nguyễn ít nhưng thuộc loại rất gạn chắt về ngôn ngữ do vậy tạo ấn tượng cảm xúc rất mạnh với độc giả.
Trong số rất nhiều thi phẩm của Hoàn Nguyễn, các bài thơ tình chiếm số lượng nhiều nhất và có có lẽ đây cũng là những thi phẩm có giá trị nhất của chị. Chữ tình trong thơ Hoàn Nguyễn vừa thành thực, vừa dữ dội, vừa đằm sâu vừa mang rất nhiều cung bậc cảm xúc. Tình yêu trong thơ chị không hẳn là thứ tình đầu ngây thơ, vụng dại của những thiếu nữ vừa chớm xuân thì kiểu: “Tuổi xuân vừa chấm vai vừa kịp/ Gãy gánh đường duyên một buổi chiều” mà phần nhiều là thứ tình vừa sâu sắc, vừa đa đoan vừa cô đơn đến tận cùng.
Vì lẽ người thơ nửa đường “gãy gánh đường duyên” nên trong thơ chị hằn in dấu vết những cuộc tình lỡ dở, đấy ắp những âu lo:“Ai vừa đi lạc vào tôi/ làm cho tim vỡ cả trời bình yên”(Ru đêm). Tình yêu hóa nỗi đau của người cô phụ, thành tiếng thở dài não nuột trong đêm trường quạnh vắng: “Mặc nhiên đêm khẽ thở dài/ Quờ tay...nào biết bờ vai khuất chìm”. Người cô phụ khao khát một bờ vai để tựa vào trong đêm lạnh nhưng đáp lại ước muốn nhỏ nhoi ấy là một khoảng trống mênh mông.
Rốt cục, chỉ người đàn bà cô đơn tự nắm bàn tay mình trong nỗi cô đơn đến tội nghiệp:“biết người còn tỉnh hay say/ giật mình tay chợt nắm tay của mình” (Tự tình). Chính trong nỗi cơ đơn ấy, thắp lên trong tim người đàn bà những khao khát hạnh phúc: “Về đi anh/quay bánh xe chở em về miền nhớ/ chùng chình thở cho em giụi vào ngực anh/ ấm/ nghe nhịp yêu !/ hối giục” (Đêm dậy thì bật cửa).
Trái tim cô đơn ao ước được một lần: “Em tựa bờ vai/ một lúc thôi/ cho rơi/ những giọt sương giấu trong đáy mắt” (Cho em phút bình yên). Giọt sương giấu trong đáy mắt, hay nỗi buồn thẳm sâu tận đáy tâm hồn. Những ao ước, khát khao chẳng bao giờ thành sự thực, không thể thay đổi được định mệnh phũ phàng “gãy gánh đường duyên” nên hơn ai hết người thơ cảm thấu nỗi đau của sự cô đơn: “Không anh, không bóng, không hình/Đắng cay một gánh, một mình mình thôi/ Một mình bặm nửa vành môi/Tháng năm lại tháng năm rồi tháng năm” (Không anh).
Những ngày tháng vắng tình quân là những chuỗi ngày dằng dặc cô đơn, trống trải, vô nghĩa, sự tồn tại hiện hữu của người cô phụ cũng trở nên chông chênh, không có quá nhiều ý nghĩa: “Nhà không có đàn ông/ không nhớ ngày nhớ tháng/ mỗi bước đi về chân nhẫm dấu chân/ chông chênh lạc lõng dòng đời/ Nhà không có đàn ông?/ Gương soi chẳng thấy mặt người” (Nhà không có đàn ông). Vắng bóng người đàn ông, không chỉ người phụ nữ thấm nỗi cô đơn mà đôi khi họ còn cảm thấy mình “tay trắng” giữa cuộc đời đầy rẫy những kim tiền.
Nữ thi sỹ trong phút giây cô độc trong ngôi nhà quạnh quẽ chỉ có tiếng thạch sùng trong đêm hoang lạnh, chị từng “nói chuyện” với chú thạch sùng: “Sùng thấy đấy đời chị nghèo không một mống đàn ông/ cả cái bóng người tình trên vách” (Hai cái bóng trên tường vôi trắng). Phận người đến thế là cùng. Nỗi buồn của người thơ giãi bày như cứa vào tâm can người đọc. Vì sự bạc phận ấy mà người cô phụ gửi tình vào thơ, dốc cạn nỗi đau vào con chữ:“Người đàn bà say mà làm thơ/ dốc cạn nghiêng tràn những giấc mơ.../ Người đàn bà đau mà làm thơ/ trái tim nứt nẻ ứa cơn mơ/ uống cạn hoàng hôn lòng vẫn hận/ đau đến tận cùng tâm can thơ”. (Người đàn bà làm thơ).
Tuy nhiên có điều lạ là thơ Hoàn Nguyễn viết nhiều về nỗi đau, sự cô đơn nhưng không bao giờ thể hiện sự hờn trách hay bi lụy. Nhà thơ đã đối diện với số phận bằng sự kiên cường rất đáng kinh ngạc. Trước tác giả Hoàn Nguyễn có không ít nhà thơ nữ đã viết về nỗi đau của những cuộc tình duyên không viên mãn, tuy nhiên ít tác giả thơ nào viết nhưng câu thơ giàu sức chiêm cảm như Hoàn Nguyễn. Chỉ riêng sự chân thực của cảm xúc đã đưa thơ Hoàn Nguyễn chạm đến trái tim của người đọc. Do vậy, dù đến với thơ muộn, những thi phẩm của Hoàn Nguyễn vẫn tìm được chỗ đứng trong lòng người yêu thơ Ninh Bình. Tác giả một trong số ít những nhà thơ nữ đã tạo giọng điệu riêng mới lạ cho thi phẩm của mình.
Nếu như thơ là một cách giúp người thơ dãi bày tâm trạng thì nhạc lại là một cuộcphiêu liêu mới trong thế giới nghệ thuật của Hoàn Nguyễn. Lý do nhiều bài thơ của Hoàn Nguyễn được các nhạc sỹ chọn phổ nhạc có lẽ một phần bởi phần nhiều những bài thơ của chị là những bài thơ chất chứa những tâm sự. Chính điều đó khiến thơ Hoàn Nguyễn đi vào nhạc một cách tự nhiên.
Rất nhiều nhạc phẩm phổ thơ chị như: Thương người góa phụ, Tình mưa Phương Bắc, Bức thư không gửi (Dũng Khanh), Anh ở đâu (Lê Xuân Hoan), Hát với hoa hồng, Rơi, Yêu dấu gửi vào đêm (Quang Hiển)...được các ca sỹ hát trên nhiều sân khấu chiếm sự yêu thích của người nghe. Hoàn Nguyễn căn bản không phải là một nhạc sỹ, nhưng những bài thơ của chị được phổ nhạc tự thân đã rất giàu nhạc tính và rất gần gũi với âm nhạc. Thơ đi vào các bản nhạc chính là sự hóa thân khác của thơ Hoàn Nguyễn, giúp thế giới thơ chị thêm rộng mở. Và dù là các thi phẩm hay nhạc phẩm thì sự đóng góp của Hoàn Nguyễn cũng rất có giá trị, đáng được ghi nhận.
Mai Phương