Hoàn thành 2 'mũi chủ công' giúp thành phố Hà Nội cơ bản khống chế được dịch bệnh

Với 8 ngày 'thần tốc' cùng sự nỗ lực đêm ngày của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, Hà Nội đã về đích một cách ấn tượng khi hoàn thành 2 'mũi chủ công' được xem là quan trọng nhất trong phòng, chống đại dịch Covid-19 là xét nghiệm diện rộng và tiêm phủ vắc xin. Việc hoàn thành hai mục tiêu quan trọng trên đã giúp Thủ đô cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Người dân được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại quận Bắc Từ Liêm.

Đã tiêm phòng cho 100% người dân có đủ điều kiện

Đầu tháng 3-2021, Hà Nội được Bộ Y tế cấp khoảng 8.000 liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca trong đợt phân bổ vắc xin đầu tiên. Ngày 9-3, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, ngành Y tế Thủ đô đã triển khai tiêm những mũi tiêm đầu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Bốn tháng sau đó, vào ngày 21-7, thành phố ban hành phương án tiêm vắc xin diện rộng với mục tiêu tiêm 200.000 mũi/ngày. Tại thời điểm này, toàn thành phố tiêm được trên 210.000 mũi, chủ yếu là cho lực lượng tuyến đầu, công nhân và nhóm ưu tiên khác.

Trước diễn biến dịch phức tạp, từ 6h ngày 24-7, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Sau 47 ngày giãn cách xã hội, ngày 8-9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND triển khai thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố, tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15-9 trên cơ sở số vắc xin được Bộ Y tế phân bổ và giao.

Mục tiêu này từng có nhiều người hoài nghi về tính khả thi. Bởi, tại thời điểm đó, ngành Y tế Hà Nội mới chỉ tiêm được hơn 2,8 triệu mũi vắc xin, gồm 2,5 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 317.000 người tiêm mũi 2. Hơn nữa, dù công suất tiêm tối đa của Hà Nội trước đó là 200.000 mũi tiêm, nhưng thời điểm cao nhất trong tháng 8 và những ngày đầu tháng 9-2021 mới chỉ đạt hơn 100.000 mũi/ngày.

Thế nhưng, từ ngày 9-9, tốc độ tiêm của Hà Nội đã tăng rất nhanh. Từ thời điểm này trở đi, Hà Nội bắt đầu bước vào tuần tiêm chủng "thần tốc" với 1.600 dây chuyền tiêm trên địa bàn thành phố hoạt động liên tục, các điểm tiêm chủng đều mở tối đa công suất. Làm nên bước chuyển đột phá này, ngoài lực lượng y tế Thủ đô, đã có hơn 3.000 nhân lực y tế của các tỉnh, thành phố bạn hỗ trợ Hà Nội thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm chủng.

Người dân đến tiêm vắc xin phòng Covid-19 được phân bổ thời gian, giãn cách đúng quy định nhằm tránh lây nhiễm chéo.

Trong hơn một tuần qua, trung bình mỗi ngày, thành phố triển khai tiêm được từ 300.000-400.000 mũi/ngày, gấp khoảng 5 lần so với ngày tiêm cao điểm nhất trong tháng 8-2021 (hơn 72.000 mũi). Thậm chí, trong ngày 12-9, Hà Nội đã đạt mức kỷ lục, với 573.829 mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Như vậy, tính riêng số người tiêm vắc xin mũi 1 được tiêm bởi ngành Y tế Thủ đô, trong 8 ngày qua (từ ngày 9 đến 16-9), số mũi tiêm đạt hơn 2,3 triệu, gần bằng 6 tháng trước đó (trên 2,5 triệu).

Theo dữ liệu được cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 vào ngày 17-9, Hà Nội đã tiêm được hơn 6,25 triệu liều vắc xin Covid-19, trong đó có 5,57 triệu mũi 1 và gần 682.000 mũi 2. Số liệu này bao gồm vắc xin được tiêm bởi các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương trên địa bàn thành phố và ngành Y tế Hà Nội.

Như vậy, với dân số từ 18 tuổi trở lên là khoảng 5,75 triệu người (như công bố trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19), đến nay đã có gần 97% người dân Hà Nội đã được tiêm vắc xin Covid-19 ít nhất 1 mũi.

Với kết quả này, có thể nói, Hà Nội cũng đã "về đích" trong việc thực hiện mục tiêu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn bộ những người từ 18 tuổi trở lên vào ngày 15-9. Thậm chí, nhiều quận, như: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình... còn hoàn thành vượt chỉ tiêu tiêm mũi 1 trước 3 ngày so với đích là ngày 15-9.

Tại cuộc họp chiều 16-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố thời gian qua, nổi bật là đã tiêm phòng 100% cho người dân có đủ điều kiện. Hiện tại, chỉ còn lại những người nằm trong đối tượng chống chỉ định, người già có bệnh nền sức khỏe yếu... không đủ điều kiện tiêm chủng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn rà soát lại toàn bộ các đối tượng đã tiêm mũi 1, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tiêm phủ mũi 2, gửi Sở Y tế tổng hợp để tham mưu thành phố làm việc với Bộ Y tế để kịp thời được phân bổ vắc xin tiêm mũi 2. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021, thành phố sẽ hoàn thành, bảo đảm đúng thời gian theo quy định với từng loại vắc xin.

Hà Nội triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.

Tiền đề để thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội

Cùng với tiêm vắc xin, Hà Nội cũng hoàn thành mục tiêu xét nghiệm diện rộng cho những người ở các vùng có nguy cơ rất cao, vùng nguy cơ cao và những nhóm đối tượng nguy cơ cao với khoảng 4,3 triệu mẫu được lấy.

Trước đó, Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu đến ngày 15-9, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, hoàn thành xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (2-3 ngày/lần). Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất một lần (5-7 ngày/lần); xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp...

Kế hoạch xét nghiệm toàn dân của thành phố cũng từng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, có chuyên gia dịch tễ cho rằng, khó triển khai và khó khả thi. Thế nhưng, với tinh thần quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự tham gia của lực lượng tại chỗ và nhân viên y tế đến từ 12 tỉnh, thành phố phía Bắc, Hà Nội đã hoàn thành cả 2 nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là xét nghiệm - tiêm vắc xin.

Theo ông Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, vắc xin là liệu pháp quan trọng nhất chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả và bền vững. Tại Hà Nội, có thể nhìn thấy rất rõ việc tổ chức tiêm phòng vắc xin, xét nghiệm diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, bài bản. Hình ảnh cảm động về những điểm tiêm chủng sáng đèn xuyên đêm, những cán bộ y tế (công lập và tư nhân)... không ngại khổ, ngại khó tham gia vào công việc này... cho thấy sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và của nhân dân để thực hiện được một chiến dịch tiêm chủng vắc xin, xét nghiệm lớn, nhiều, nhanh chưa từng có như vậy.

Những người già, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền đều được khám sàng lọc kỹ trước khi vào tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong việc cùng lực lượng y tế các địa phương triển khai công tác xét nghiệm thần tốc, cũng như tiêm chủng vắc xin cho người dân. Tuy nhiên, do đặc điểm phức tạp của biến chủng Delta, nên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát của dịch luôn hiện hữu, vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là cơ bản và lâu dài.

Qua việc triển khai công tác tiêm chủng, xét nghiệm cùng với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, thành phố cơ bản đã kiểm soát được dịch. Đặc biệt, trong 3 ngày liên tiếp (ngày 15 đến 17-9), thành phố không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng. Những ca bệnh ghi nhận những ngày gần đây chủ yếu ở trong khu cách ly, khu phong tỏa với số lượng chỉ từ 12-16 ca/ngày, giảm 90-120 ca so với những ngày cao điểm trong tháng 8-2021.

Việc hoàn thành hai mục tiêu quan trọng trên là cơ sở, tiền đề để thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, dần đưa nhịp sống, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

"Những ngày qua, mọi người làm tốt rồi và tiếp tục cần làm tốt hơn nữa. Tôi có niềm tin, Hà Nội sẽ nhanh chóng ngăn cản được sự bùng phát của dịch bệnh và sẽ được an toàn trước đại dịch Covid-19", ông Nguyễn Anh Trí nói.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Xuân Lộc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1012318/hoan-thanh-2-mui-chu-cong-giup-thanh-pho-ha-noi-co-ban-khong-che-duoc-dich-benh