Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Nhanh chóng triển khai các quyết sách

Ngay sau những thảo luận tại hội trường, kiến nghị của cử tri, Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc. Nhiều đại biểu, cử tri đánh giá sự mạnh dạn thay đổi, nhanh chóng triển khai các quyết sách vào cuộc sống, tháo những điểm nghẽn trong những vấn đề đặt ra, địa phương thêm quyết tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ngay sau những thảo luận tại hội trường về những nội dung đại biểu và cử tri quan tâm, Chính phủ đã nhanh chóng vào cuộc. Nhiều đại biểu, cử tri đánh giá sự mạnh dạn thay đổi, nhanh chóng triển khai các quyết sách vào cuộc sống, tháo những điểm nghẽn trong những vấn đề tồn tại, thúc đẩy các địa phương thêm quyết tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Sau những điều chỉnh, bổ sung, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách phù hợp, sát thực tiễn, cụ thể, khả thi để khắc phục các tồn tại, hạn chế và tổ chức thực hiện quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường vàng; bảo đảm thị trường vàng ổn định, lành mạnh; đẩy mạnh hỗ trợ, phục hồi thị trường du lịch; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, có giải pháp phù hợp, bảo vệ và bảo đảm số lượng tàu bay, năng lực khai thác của các hãng hàng không trong nước; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; hoàn thiện thể chế, các quy định về chế độ, chính sách, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; tập trung hoàn thiện thể chế để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; nâng cao đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp ở cơ sở năm 2025.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ cần tập trung triển khai đồng bộ 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề xuất trong Báo cáo số 248/BC-CP của Chính phủ về kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính do Chính phủ ban hành. Trong đó, chú ý khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật và chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo Phụ lục VI, Phụ lục VII kèm theo Báo cáo số 248/BC-CP của Chính phủ.

Chiều 25/6/2024, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Chiều 25/6/2024, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Nghị quyết nêu rõ, căn cứ Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21/6/2024 của Chính phủ, Quốc hội thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7 tới.

Quốc hội cũng thống nhất từ ngày 1/7, điều chỉnh tăng mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024).

Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định tiền lương, chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc Văn phòng Quốc hội và các đối tượng khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Cũng tại Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan liên quan và Tổng công ty Hàng không Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển toàn diện; khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty để sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Với những vấn đề về lương tăng bắt đầu từ 1/7/2024, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn khi triển khai mà cần có sự hướng dẫn cụ thể từ phía Chính phủ, các ngành liên quan.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH Bạc Liêu: Về cơ bản đánh giá cao sự nỗ lực của chính phủ trong việc cố gắng cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương. Tôi cơ bản thống nhất cao 4/6 nội dung trong tiến độ giải pháp nâng cao tiến độ cải cách tiền lương lần này.
Tuy nhiên, Đại biểu Hoa Ry cũng quan tâm 4 vấn đề khi triển khai thực tế ở địa phương liên quan đến khu vực công.

“Thứ nhất, đảm bảo thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, trong đó Chính Phủ có đề xuất 5 nguồn triển khai tổ chức thực hiện. Tôi Băn khoăn nguồn tiết kiệm của các địa phương, bởi khả năng đá pứng ngan such mỗi địa phương khác nhau. Hơn nữa mỗi địa phương không đảm bảo cân đối ngân sách nguồn này. Để đảm bảo thực hiện lộ trình chung, Chính phủ cần tính toán; Thứ hai, lương ở các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị tự chủ, đặc biệt là y tế và giáo dục cần phải làm rõ. Hiện nay, cơ chế các đơn vị sự nghiệp, chưa tính đến yếu tố thu đúng, thu đủ, ảnh hưởng rất nhiều và tác động lớn đến an sinh xã hội. Tiến trình thực hiện phải tính toán hai lĩnh vực này để cân đối. Mỗi vùng miền cũng có mức thu khác nhau”, Đại biểu Hoa Ry cho biết.

Đại biểu Hoa Ry cũng nhấn mạnh, kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua là khi triển khai tổ chức thực hiện, vấn đề lạm phát phải có giải pháp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Khi tăng lương đảm bảo thực chất đối tượng thụ hưởng, tiền lương chưa tới tay giá cả thực phẩm tăng trước, chưa kể mức tiền lương nhận được chưa cải hiện là bao. Lần này tăng lương cao nhất, Chính phủ cần quan tâm tới vấn đề này.

Với chế độ tăng lương liên quan lương hưu và bảo trợ xã hội, Đại biểu Hoa Ry cho rằng lần tăng này có chế độ chính sách tốt là một nỗ lực lớn: “Bình quân chung cao hơn bình quân chung của cán bộ công chức. Nhưng con số tuyệt đối là tăng từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng. Tôi cho rằng mức này thấp. Vì vậy, mong Chính phủ quan tâm, khi thực hiện thời gian tới cố gắng cân đối thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 của Trung ương và Nghị quyết 108 khi giám sát 3 chương trình mục tiêu Quốc gia mà Quốc hội nhấn mạnh”.

Vấn đề đặt ra nữa về lương mà Đại biểu Hoa Ry đặt ra là văn bản tổ chức riển khai thực hiện khi mức lương mới từ ngày 1/7/2024. Trong đó có nội dung chi lương thưởng, Chính phủ phải có hướng dẫn với người đứng đầu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ với cán bộ công chức để làm căn cứ cho việc việc chi trả này.

“Hiện nay, các đề án của Bộ, ngành, địa phương khi xây dựng vị trí việc làm chưa đảm bảo nên trong Ban chỉ đạo cũng chưa trình Bộ Chính trị để phê duyệt danh mục tổ chức triển khai thực hiện. Cơ sở nào để cho Chính phủ căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức làm cơ sở chi lương thưởng. Đây là một trong những vấn đề tính toán trong giải pháp để trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đạt được như mong muốn”, Đại biểu Hoa Ry nhấn mạnh.

Dự báo được những những khó khăn bất cập đặt ra với vấn đề tăng lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu giải pháp: Giữ nguyên hệ số lương cơ sở hiện nay, điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng lên 2.340.000 đồng, tăng 30%. Mức này tăng cao nhất từ trước đến nay. Trong khi mức tăng này của năm 2023 là 20,8%. Hiện nay có 34 cơ quan đơn vị có cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù. Do quá trình phát triển là cần thiết. Nhưng có cơ quan được hưởng rất cao, mức thấp nhất cũng cao hơn mặt bằng hiện nay là 1,8 lần, còn cao nhất là gấp 3 lần.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

"Mức này rất lớn, chúng tôi báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội, thống nhất phương án là một mặt rà soát lại để có cơ sở pháp lý điều chỉnh đề xuất cho phù hợp. Nhưng khi chưa thực hiện, vẫn giữ nguyên như bình thường đầy đủ các chính sách nhưng đi theo lộ trình là tịnh tiến. Có nghĩa, vừa bảo lưu với mức hiện hưởng, đợi điều chỉnh tiền lương đảm bảo công bằng tương quan chung", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ.

Làm thế nào để kiềm chế lạm phát khi tăng lương là vấn đề mà nhiều đại biểu, cử tri đặt ra. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2023, lương cơ sở đối với khu vực công đã được tăng lên mức 1,8 triệu đồng, tăng 20,8% cho thấy CPI tăng không đáng kể, chưa vượt quá ngưỡng của Quốc hội và khống chế từ 4 – 4,5%.

"Tôi cho rằng với nỗ lực của Chính phủ và kịch bản chi tiết, Nghị quyết số 93/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô sẽ vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa kiềm chế lạm phát. Để làm được điều này, sẽ có nhiệm vụ cụ thể cho địa phương đảm bảo giá trị tăng lương các đối tượng có liên quan... ", Bộ trưởng bày tỏ.

Liên quan đến việc triển khai các Luật ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết, tại thành phố Hải Phòng, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hàng lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả về đất đai.

Tuy nhiên, quá trình thực thi các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, xử lý vi phạm hành chính, thiết lập và quản trị cơ sở dữ liệu về đất đai... Việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành là nội dung được thành phố Hải Phòng hết sức quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam mong muốn thành viên Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, quận, huyện; báo cáo viên pháp luật các cấp sẽ tập trung lĩnh hội để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Đất đai tại cơ sở, góp phần đưa các quy định của Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống

Còn tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh đã trình bày các nội dung kiến nghị, đề xuất, góp ý của thành phố nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai và góp ý các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, thời gian qua, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và triển khai Luật Đất đai năm 2024, UBND TP Hồ Chí Minh đã góp ý kiến các dự thảo Nghị định gửi Bộ TN&MT với tổng cộng 129 nội dung góp ý, đã được Bộ TN&MT quan tâm, xem xét tiếp thu 102 nội dung góp ý. Tiếp tục rà soát dự thảo các Nghị định, TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ TN&MT quan tâm xem xét, giải quyết với 36 nội dung góp ý kiến, gồm: Dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất 15 nội dung; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai 04 nội dung; Dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai 12 nội dung; Dự thảo Nghị định quy định về giá đất 5 nội dung.

Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang khẳng định, công tác lập pháp trong kỳ họp lần thứ 7 là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV này. Bởi vì, với khối lượng công việc lập pháp rất lớn, thông qua 10 dự án luật và 3 nghị quyết, cho ý kiến 11 dự án luật là khối lượng công việc rất lớn. Chúng tôi cũng đánh giá và ghi nhận rất cao đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã rất tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ, thời gian trình các hồ sơ dự án luật đã đảm bảo được theo đúng quy định định của pháp luật.

Đối với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã chuẩn bị rất tích cực, khẩn trương, bắt tay ngay vào công tác thẩm tra, tổ chức các cuộc họp của Ủy ban thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội thường xuyên, liên tục. Đồng thời, các cơ quan thẩm tra đã có sự thay đổi, điều chỉnh liên tục các cuộc họp để làm sao để đáp ứng được theo đúng thời gian để hoàn chỉnh về các dự án luật.

Còn các đại biểu Quốc hội, với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm và thẳng thắn, dành nhiều thời gian, trí tuệ để nghiên cứu từng dự án luật và góp ý, phát biểu thẳng thắn tại thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường. Những góp ý này góp phần để nâng cao chất lượng của dự án luật.

Đặc biệt, việc tiếp thu các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại hội trường, công tác tổng hợp của thư ký rất nhanh và kịp thời. Ngay sau buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã có thể đọc lại được các ý kiến của mình. Các cơ quan soạn thảo có thể tổng hợp và khẩn trương có tiếp thu, giải trình, để cung cấp lại cho cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội những nội dung tiếp thu và những nội dung còn băn khoăn để đại biểu Quốc hội tiếp tục có những kênh để phản ánh.

“Tôi thấy rất vui mừng khi kỳ họp này, nội dung xây dựng pháp luật đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là làm sao để tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống xây dựng pháp luật và đáp ứng được đúng theo yêu cầu thực tiễn đang đòi hỏi”, Đại biểu Lý Thị Lan nói.

Còn Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Tại Kỳ họp này, các thành viên Chính phủ, các cơ quan đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, ngay cả quá trình xây dựng lập pháp các cơ quan có sự đồng hành rất sớm”.

Cụ thể, các cơ quan đã nhìn lại quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Điều đó có nghĩa là đã nhận thấy bất cập, khó khăn, từ đó trực tiếp đưa ra giải pháp triển khai ngay. Từ trước đến nay, bên cạnh khoảng trống pháp lý thì phần lớn vấn đề đặt ra ở câu chuyện còn nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, cần hiểu để áp dụng chính sách pháp luật, tổ chức triển khai theo người đứng đầu cơ quan thực hiện là rất quan trọng.

Những vấn đề được Quốc hội đưa ra bàn thảo tại Kỳ họp, Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã nhận thức và đã thay đổi. Quốc hội thảo luận làm rõ hơn nhiều vấn đề và mở ra những vấn đề ngay bản thân tổ chức triển khai thực hiện hiểu chưa rõ, để nhận thức thêm vấn đề. Những vấn đề giám sát cũng vậy, vấn đề đã rõ, đã chín, đã được giải thích cụ thể tại Nghị trường Quốc hội thì không nên đưa vào nghị quyết. Những gì còn vướng mắc, bất cập, chưa làm hài lòng Đại biểu Quốc hội mới đưa vào Nghị quyết, yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện. Làm như vậy, Nghị quyết vừa gắn gọn, súc tích, vừa có chuyển biến rõ nét hơn sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành.

Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Quốc hội xem xét về việc Chính phủ trình về việc đẩy sớm thời hạn của dự án luật. Vấn đề này được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và cũng ủng hộ Chính phủ. Ở đây, Quốc hội đã thể hiện sự đồng hành, chia sẻ cùng với Chính phủ, tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội và Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin và dữ liệu, những đánh giá rất cụ thể về những mặt được, những vấn đề có thể xảy ra rủi ro khi đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các dự án luật.

Những nội dung này, Chính phủ và các bộ, ngành đã có giải trình rất kỹ lưỡng với đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường. Với phần giải trình này, các đại biểu Quốc hội hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào sự quyết liệt, điều hành, sự chuẩn bị của Chính phủ trong việc chuẩn bị các thông tư, nghị định hướng dẫn kèm theo các dự án luật, để khi Quốc hội bấm nút thông qua, luật có hiệu lực thi hành và không phải chờ văn bản hướng dẫn.

Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tôi ấn tượng bởi sự quyết tâm của Quốc hội trong việc thay đổi để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống theo kiến nghị của cử tri, doanh nghiệp, cũng như những tác động xã hội.

Chẳng hạn như với kiến nghị đưa Luật đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sớm hơn. Chính phủ đã trình Quốc hội, thay vì Luật có hiệu lực từ tháng 1/2025, đề nghị có hiệu lực từ tháng 7/2024 để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Nhưng khi thông qua Luật này, cần phải có văn bản, quy định kèm theo, phải có ít nhất 20 văn bản ban hành đáp ứng yêu cầu Luật này. Với thời gian như vậy, các địa phương sẽ không chuẩn bị kịp.

Bản thân Đại biểu Long cũng băn khoăn với những Nghị định quá gấp gáp, chất lượng có đảm bảo không? Vấn đề này cũng được đưa ra tại buổi thảo luận tổ. Khi Luật có hiệu lực từ 1/8/2024, mà Nghị định thông qua chưa đáp ứng đầy đủ, thì khó khăn đặt ra là: Luật hiện hành không hiệu lực nữa, mà Luật mới chưa thực hiện ngay được, dẫn đến khoảng trống. Như vậy, chưa thấy tác động mạnh mẽ của Luật mới như thế nào, mà khó khăn đã hiện hữu, không lường trước được.

“Tôi có đặt ra vấn đề này và nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cam kết phải có Nghị định trước ngày Luật có hiệu lực. Vấn đề quyết tâm cao, nếu quá gấp gáp chất lượng khó đảm bảo và đã chuyển quan ngại đó với Chính phủ. Trước những băn khoăn này, Quốc hội đã lùi thời gian Luật có hiệu lực sang tháng 8/2024. Điều này cho thấy những nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, địa phương để cụ thể hóa những điều luật được thông qua với khối lượng công việc cực kỳ lớn”, Đại biểu Long nói.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nam Định đánh giá, đứng trước những yêu cầu của cuộc sống, khó khăn, vướng mắc của pháp luật hiện hành trong kinh doanh bất động sản, các dự án đầu tư, sử dụng đất đai, Chính phủ đã phát hiện và cùng Quốc hội thông qua 4 luật và mong muốn các luật sớm có hiệu lực để doanh nghiệp và người dân thụ hưởng được những lợi ích từ 4 luật mang lại. Các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao sự nhạy bén của Chính phủ, sự quan tâm của Chính phủ với đội ngũ doanh nghiệp và người dân. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình thay đổi chương trình kỳ họp, đưa các luật thông qua tại kỳ họp, thể hiện Quốc hội đồng hành với Chính phủ về những vấn đề bức thiết của cuộc sống, mong muốn những chính sách đưa ra sớm được hiện thực hóa, đem lại giá trị cho người dân và doanh nghiệp.

Trước những băn khoăn của đại biểu khi các luật bất động sản ban hành nhưng hướng dẫn ban hành dưới luật chưa kịp, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Thái Bình cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn để sớm đưa các chính sách và luật pháp vào cuộc sống.

Theo ông Hiếu, Chính phủ đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm trong việc sớm đưa các luật, các chính sách vào cuộc sống. Trong quá trình thảo luận dự luật này chỉ có một băn khoăn của một số ĐBQH là nếu đẩy sớm hiệu lực của Luật thì có đảm bảo tính khả thi, tức là có đảm bảo việc ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành, để đảm bảo luật có hiệu lực đúng vào thời điểm có hiệu lực sớm.

"Điều này chúng ta đã thảo luận rất nhiều. Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết về mặt tiến độ và thể hiện những cam kết, cũng như quyết tâm bằng những giải pháp. Thậm chí Chính phủ đã và đang hành động rất quyết liệt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan có liên quan hoàn thiện các dự thảo Nghị định cấp trung ương và địa phương, để đảm bảo Luật được ban hành và có hiệu lực theo thời điểm mới từ 1/8/ 2024", ông Hiếu cho biết.

"Về phía Quốc hội, để đảm bảo nhiệm vụ này được hoàn thành thì trong Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đến việc Quốc hội cần phải đảm bảo ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, để không xảy ra hiện tượng gọi là không có hoặc chậm ban hành văn bản, vốn dẫn đến tình trạng luật có hiệu lực nhưng không được thực thi trên thực tế", ông Hiếu nói.

Một điểm nhấn nữa là việc tạo cơ chế đặc thù cho địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới có quá nhiều yếu tố bất định, Quốc hội đã đề nghị với Chính phủ, Quốc hội thông qua nhiều cơ chế chính sách đặc thù dành cho địa phương, tăng phân cấp phân quyền. Có như vậy mới ứng phó được với biến động của tình hình kinh tế thế giới hiện nay.

Cụ thể, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Đồng thời, Quốc hội đồng thuận chia sẻ Chính phủ đưa ra giải pháp hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp; Tăng cường giảm thuế giá trị gia tăng, kéo dài thời gian giảm thuế. Cân nhắc áp dụng thuế giá trị gia tăng… Như vậy, người dân và doanh nghiệp đều được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

“Chúng ta có kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, giảm được chi phí đi lại, giảm thời gian để thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần nâng cao đời sống. Quốc hội tăng chi tiêu đầu tư công, tạo cơ chế thuận lợi cho việc thi công các tuyến đường cao tốc từ Bắc đến Nam thông suốt. Dù trước mắt còn có những thách thức, nhưng điểm nghẽn ở đâu sẽ cùng nhau tháo gỡ ở đó; giải quyết vấn đề đi lại của người dân. Làm sao để các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có tuyến đường một cách đồng bộ sẽ là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề tắc nghẽn hiện nay. Có như vậy, chúng ta đạt được đa mục tiêu, vừa là kinh tế phát triển, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, Đại biểu Ngân nói.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự báo trong thời gian tới, tình hình quốc tế có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.

“Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2021-2026; với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát sao, kịp thời của Đảng; sự chủ động, đồng hành, giám sát linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự quản lý, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào ta ở nước ngoài, nhất định đất nước ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” – Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kêu gọi.

Bài: Lê Vân - Thu Trang
Ảnh, video: Lê Vân, Thu Trang, TTXVN
Trình bày: Nguyễn Hà

01/07/2024 06:31

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-nhanh-chong-trien-khai-cac-quyet-sach-20240630204145704.htm