Hoàn thành công tác giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng, chống dịch, có thêm nguồn lực tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh đảm bảo an sinh xã hội, đời sống và sức khỏe của Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã ra lời kêu gọi và huy động được 11,252 tỉ đồng, trong đó 5,813 tỉ đồng tiền mặt và các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá trên 5,439 tỉ đồng. Nghị quyết 42-NQ/CP ra đời thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19 sớm ổn định cuộc sống, được các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do COVID-19 với tổng số tiền (đợt I) là: 137.711.250.000 đồng cho 139.220 đối tượng thuộc 4 nhóm: Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.

 Người dân huyện Đakrông nhận hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Ảnh: PN

Người dân huyện Đakrông nhận hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Ảnh: PN

Dưới sự hướng dẫn kịp thời của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sự quan tâm của cấp ủy và sự vào cuộc của chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và đặc biệt là sự ủng hộ, chia sẻ của Nhân dân các địa phương, Nghị quyết 42-NQ/CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg được triển khai sâu rộng, chính quyền địa phương thực hiện niêm yết công khai, thông báo rộng rãi danh sách người được hỗ trợ trên các phương tiện truyền thanh tại địa bàn khu dân cư; quá trình thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã bám sát nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên; nhóm đối tượng được chi trả trong đợt I là những đối tượng đã có trong hệ thống, danh sách quản lý chặt chẽ, thực hiện chi trả hằng tháng của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện, cấp xã nên việc tổ chức rà soát, giám sát thuận lợi và ít xảy ra sai sót.

Tại các xã, các thành viên tổ giám sát đã bám sát nhiệm vụ được phân công, chủ động nắm bắt các ý kiến, kiến nghị của người dân nên nhiều trường hợp sai sót đã kịp thời phản ánh và sửa đổi. Vì vậy không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nào liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do COVID-19.

Qua quá trình giám sát cho thấy có những khó khăn, vướng mắc nhất định đó là: Việc chi trả hỗ trợ đợt I cho các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người cận nghèo thuận lợi, dễ rà soát. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng trùng đối tượng nên quá trình kiểm tra, giám sát cần phải đối chiếu, rà soát để phát hiện. Việc giám sát, kiểm tra được thực hiện mang tính thời điểm, thời gian kê khai, lập danh sách và chi trả hỗ trợ diễn ra nhanh, trong khi đó các đối tượng quy định tại Nghị quyết 42-NQ/CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg còn chung chung, địa bàn kiểm tra, giám sát rộng nên cơ sở còn lúng túng, ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp.

Bên cạnh đó, việc xác định các đối tượng bị giảm sâu thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội còn khó khăn, nhất là các đối tượng làm nghề phi nông nghiệp. Mặc dù các đối tượng thuộc nhóm I là những đối tượng đã có trong hệ thống, danh sách quản lý chặt chẽ của địa phương nhưng do thời gian rà soát, lập danh sách và chi trả kinh phí quá gấp nên vẫn còn tình trạng trùng lặp đối tượng, đối tượng chuyển khỏi nơi cư trú, đối tượng chết trước khi nhận hỗ trợ, đối tượng phát sinh do sinh trước thời điểm 31/12/2019 nhưng làm giấy khai sinh chậm ... còn diễn ra.

Sau quá trình kiểm tra thực tế ở các địa phương, có rất nhiều lao động bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định 15/QĐ-TTg như: Thợ xây, thợ mộc, thợ hàn, sơn tít, cho thuê rạp cưới, âm thanh, bán hàng rong, thợ cắt tóc, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cụ thể, cố định; nhân viên dinh dưỡng trong các trường công lập, giáo viên hợp đồng trong các trường dân lập; thu gom rác, phế liệu, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống (tại tỉnh Quảng Trị, đã lập danh sách 25.684 đối tượng cần được hỗ trợ).

Một số địa phương, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa do nhận thức còn hạn chế nên việc thực hiện niêm yết công khai danh sách các đối tượng hưởng lợi tại trụ sở UBND xã và nhà sinh hoạt cộng đồng thôn có triển khai nhưng chưa kịp thời. Đặc biệt ở 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, rà roát, cập nhật danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo còn nhiều sai sót. Có địa phương chỉ đạo chưa sâu sát, để xảy ra tình trạng thu tiền các đối tượng được hỗ trợ sai mục đích. Nguồn ngân sách của địa phương không chủ động do chủ yếu dựa vào phân bổ của cấp trên, trong khi đó ngân sách trung ương chuyển về chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ chi trả hỗ trợ cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh...

Với sự vào cuộc của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19 diễn ra bảo đảm tính khách quan, trách nhiệm, không có các biểu hiện tiêu cực, thiếu công khai minh bạch và các biểu hiện lợi dụng, trục lợi chính sách ở cơ sở khi thực hiện chi hỗ trợ kinh phí, tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.

Phúc Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=149448