Hoàn thành dứt điểm 25 dự án giao thông cấp bách trong năm 2022
Dự kiến hoàn thành 95% trong tổng vốn đầu tư công hơn 43 nghìn tỷ đồng của năm 2021, công tác giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải triển khai quyết liệt, tập trung vào các dự án trọng điểm. Năm 2022, vốn đầu tư công được giao của ngành giao thông vào khoảng 50 nghìn tỷ đồng và sẽ phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch này.
Được đánh giá là một trong những bộ, ngành có kết quả giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng đạt tỷ lệ cao so với bình quân chung cả nước, ngay từ đầu năm 2021, Bộ GTVT đã tập trung, chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân các dự án, đặc biệt đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm của ngành, như: đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cải tạo đường hạ cất cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách...
Thông tin tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ giao thông vận tải (GTVT) vào sáng 25/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Danh Huy- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Đầu tư cho biết, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 67 dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư của Bộ GTVT khoảng 43.401 tỷ đồng (42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài), và đã thực hiện phân bổ chi tiết toàn bộ 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định. Dự kiến đến hết tháng 1/2022 (thời hạn giải ngân kế hoạch năm), Bộ GTVT phấn đấu giải ngân kế hoạch cả năm đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao. Công tác quyết toán dự án hoàn thành cũng được thực hiện sát sao, đến nay các cơ quan đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 45 dự án với tổng giá trị 16.043 tỷ đồng.
Bên cạnh công tác giải ngân, chất lượng công trình là ưu tiên hàng đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán. Bộ GTVT đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc tiến độ thi công, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án. Đến nay, đã có 18 dự án được khởi công, 14 dự án được hoàn thành đưa vào khai thác, điển hình như dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cho TP. Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác; khởi công dự án tuyến tránh Quốc lộ 91 qua Long Xuyên, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc...
Năm 2022, ngành GTVT được giao kế hoạch đầu tư công dự kiến 50.000 tỷ đồng. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch của năm 2022, theo lãnh đạo Bộ GTVT, cơ quan này sẽ tập trung giao kế hoạch năm cho các dự án ngay sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư; xây dựng và theo dõi chặt chẽ kế hoạch thực hiện, giải ngân hàng tháng của từng dự án trong năm 2022; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, Ban QLDA về tiến độ thực hiện, giải ngân...
Bộ GTVT cũng sẽ đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021-2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Đẩy mạnh triển khai thủ tục thiết kế, dự toán, đấu thầu để phấn đấu sớm khởi công được các dự án quy mô nhóm B, C ngay trong năm 2022; rút ngắn thời gian thực hiện dự án để vừa sớm phát huy hiệu quả đầu tư, vừa giảm sức ép về cân đối nguồn vốn cho kế hoạch các năm cuối kỳ trung hạn khi triển khai đồng loạt nhiều dự án đường bộ cao tốc lớn.
Đặc biệt, ưu tiên bố trí vốn, chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thi công dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các dự án quan trọng, động lực (cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách; giai đoạn 2 Kênh Chợ Gạo, Luồng sông Hậu, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Giẽ - Ninh Bình...) tạo cơ sở sớm hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm 25 dự án giao thông trong năm 2022, gồm 2 dự án khẩn cấp chuyên ngành hàng không, 2 dự án cấp bách chuyên ngành đường sắt, 21 dự án quốc lộ.