Hoàn thành và vượt kế hoạch các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Phong đề ra

Còn một năm nữa mới kết thúc Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2015-2020 của huyện Triệu Phong như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XIX đã đề ra, song tại thời điểm này huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo thêm niềm tin của người dân vào các chủ trương, chính sách mà tỉnh và huyện đề ra. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong PHAN VĂN LINH.

- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết kết quả kinh tế- xã hội của huyện đã đạt được tính đến thời điểm hiện nay?

- Năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng khá, các chỉ tiêu kinh tế đều tăng so với 9 tháng đầu năm 2018, nhiều khả năng đạt và vượt kế hoạch (KH) năm 2019.

Cụ thể tổng giá trị các ngành sản xuất 9 tháng ước đạt hơn 3.728 tỉ đồng, tăng hơn 14,9%, đạt 80% KH. Trong đó sản xuất nông - lâm - thủy sản tiếp tục phát triển, tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 1.087 tỉ đồng, tăng 7,4%, đạt hơn 87% KH. Sản xuất Công nghiệp-TTCN có nhiều chuyển biến tích cực, tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 594 tỉ đồng, tăng 15,17%, đạt gần 77% KH. Công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư luôn được chú trọng. Có 11 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 669 tỉ đồng; 2 đề án được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ khuyến công đợt 1/2019 với số tiền 105 triệu đồng. Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển, tổng giá trị ước đạt hơn 1.395 tỉ đồng, tăng hơn 15%, đạt gần 78% KH. Kết cấu hạ tầng nông thôn, thị trấn, đồng bằng, gò đồi tiếp tục được huyện quan tâm đầu tư với tổng giá trị xây dựng cơ bản thực hiện trên địa bàn ước đạt hơn 650 tỉ đồng, tăng gần 15%, đạt hơn 68% KH.

Các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền, thể dục - thể thao được chú trọng. Huyện đã tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước và kỉ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, nhất là kỉ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9… mang lại hiệu quả thiết thực, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần cổ vũ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Giáo dục - đào tạo, y tế, chính sách an sinh xã hội được tập trung quan tâm. Công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện; mở 43 lớp đào tạo nghề với 1.205 học viên (trong đó 24 lớp, 697 học viên là lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển), tạo việc làm mới cho 1.102 lao động, đạt 223% KH (trong đó có 268 người xuất khẩu lao động).

Các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được quan tâm, triển khai kịp thời, đúng kế hoạch. Duy trì nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không phát sinh điểm nóng. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, duy trì có hiệu quả các hoạt động của các mô hình đoàn kết trong vùng đồng bào có đạo.

- Trong những kết quả đạt được trên, ông có thể cho biết đâu là những điểm nhấn vượt trội?

- Trong những kết quả đã đạt được, điểm nổi bật đó là công tác tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tiếp tục được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Triệu Phong là huyện thuần nông, vì vậy muốn phát triển mạnh trước hết phải lo cho dân phát triển kinh tế để từng bước no đủ rồi tiến lên làm giàu, trong đó tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo thương hiệu tốt, gia tăng giá trị và phát triển theo chuỗi sản phẩm được huyện xác định là trụ cột quan trọng.

 Khảo nghiệm giống lúa mới tại xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong. Ảnh: TTL

Khảo nghiệm giống lúa mới tại xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong. Ảnh: TTL

Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kĩ thuật và luôn đưa vào sản xuất những giống mới chất lượng nên năng suất lúa bình quân đạt cao, 56,3 tạ/ha. Huyện chủ động triển khai xây dựng cánh đồng lớn ở 47 HTX với diện tích 1.605 ha, tăng hiệu quả kinh tế 5-7% so với sản xuất thông thường; phát triển thêm gần 10 ha lúa canh tác tự nhiên, nâng diện tích lúa canh tác tự nhiên lên hơn 42 ha, đã tạo ra thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng sử dụng, qua đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập từ sản xuất lúa gạo sạch. Ngoài ra huyện còn liên kết với Công ty cổ phẩn Nông sản hữu cơ Quảng Trị triển khai sản xuất thêm 20 ha lúa hữu cơ có sự liên kết và bao tiêu sản phẩm; xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với diện tích gần 337 ha.

Với cây trồng cạn và con nuôi, huyện duy trì và phát triển có hiệu quả các mô hình có thu nhập cao; tạo sinh kế bền vững cho bà con nông dân vùng biển, như trồng dứa, cây ăn quả có múi; phát triển một số mô hình mới như trồng cam sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng na Thái Lan, trồng chanh dây ở các xã vùng gò đồi; nuôi gà thương phẩm, nuôi lợn công nghệ cao, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm công nghệ cao trong nhà màng. Có thể nói những kết quả mang lại trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã tạo thêm niềm tin của người nông dân vào chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước không ngừng quan tâm tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng trên quê hương của mình.

- Còn mấy tháng nữa là bước sang năm 2020, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội huyện Triệu Phong giai đoạn 2015-2020. Vậy nhìn lại thời gian qua huyện Triệu Phong đã đạt được những kết quả như thế nào về kinh tế- xã hội so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra, thưa ông?

- Với nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, có thể khẳng định, đến thời điểm này các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Triệu Phong khóa XIX đề ra cơ bản đạt và vượt KH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm ( 2015-2020) ước đạt 11,4%, Công nghiệp - xây dựng tăng 16,8%, Thương mại - dịch vụ tăng 13,8%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 50 triệu đồng trên năm. Đến năm 2020, toàn huyện có 12/18 xã đạt tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chiếm 67%. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,77% (chỉ tiêu 90%). Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tỉ lệ hộ nghèo đến năm 2020 ước giảm còn 3,62%, mức giảm 1,5%/năm. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn thường xuyên được quan tâm. Dự tính đến năm 2020 tạo việc làm mới cho hơn 10.300 lao động (chỉ tiêu 1.800 lao động/năm), xuất khẩu lao động đạt 1.257 người (chỉ tiêu 250 người).

- Tuy thời gian qua huyện đạt được nhiều kết quả về phát triển kinh tế- xã hội nhưng chưa phải là đã hết khó khăn. Vậy đâu là những khó khăn, thách thức và giải pháp để đưa huyện Triệu Phong phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng là quê hương của Tổng Bí thư Lê Duẩn?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, Triệu Phong còn gặp những khó khăn, thách thức như: Một số địa phương chưa mạnh dạn chuyển đổi, quy hoạch phát triển cánh đồng lớn; các mô hình cánh đồng lớn, trang trại, gia trại chưa thực hiện được việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. CN-TTCN quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng do ảnh hưởng của giá cả và thị trường tiêu thụ. Việc thu hút các dự án đầu tư được chú trọng, nhưng kết quả chưa tương xứng. Nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư song chưa triển khai hoặc chậm triển khai vì nguồn vốn đầu tư rất khó khăn. Thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp...

Xác định rõ những khó khăn, thách thức như trên nên huyện Triệu Phong luôn bám sát nghị quyết đại hội Đảng các cấp để đề ra giải pháp phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, gồm: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng suất lao động. Đặc biệt tiếp tục dồn điền đổi thửa, khuyến khích tích tụ ruộng đất, chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, khai thác có hiệu quả vùng gò đồi và kinh tế biển; chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản cũng như quảng bá hình ảnh huyện Triệu Phong. Kêu gọi liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án vào các Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đang hoạt động. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp để lấp đầy Cụm công nghiệp Ái Tử, Cụm công nghiệp Đông Ái Tử và đón đầu các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đa ngành.

Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa- xã hội, giáo dục toàn diện, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Quan tâm hơn nữa chất lượng phòng bệnh và chữa bệnh; nâng tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường kiểm tra công tác thực thi công vụ, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo công khai, minh bạch, đề cao vai trò giám sát của nhân dân và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

- Xin cảm ơn ông!

Trần Tú Linh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=144078