Hoàn thiện các quy định về vai trò của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử

Các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, nâng cao vị trí, vai trò, chế độ đãi ngộ của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử.

Ngày 30/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 3 theo hình thức trực tuyến để thẩm tra Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; giấy chứng minh Thẩm phán, giấy chứng minh Hội thẩm.

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du, với vai trò là người tiến hành tố tụng, độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, biểu quyết theo đa số, ngang quyền với Thẩm phán khi biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử, việc khoác lên mình trang phục xét xử là áo choàng sẽ giúp Hội thẩm nhận thức đúng và đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia xét xử. Điều này thể hiện rõ hơn vị trí, vai trò của cơ chế Nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử; đề cao sự tôn vinh của xã hội đối với Hội thẩm tham gia công tác xét xử, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thẩm trong việc tham gia xét xử tại Tòa án, qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án của Tòa án.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 3.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung của Tòa án nhân dân tối cao và cho rằng việc cấp trang phục áo choàng cho Hội thẩm nhân dân góp phần thực hiện việc đổi mới tổ chức phiên tòa theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Bày tỏ đồng tình cao với nội dung dự thảo Nghị quyết Ủy viên Ủy ban Tư pháp Mai Khanh cho rằng, vấn đề cấp trang phục cho Hội thẩm nhân dân để làm việc tại Tòa án và tham gia xét xử có sự đồng bộ thống nhất với Thẩm phán nên được đặt ra sớm hơn. Hội thẩm nhân dân có ngang quyền với Thẩm phán và cùng có trách nhiệm quyết định các vấn đề của vụ án nhưng khi tham gia xét xử Thẩm phán mặc áo choàng còn Hội thẩm nhân dân mặc trang phục theo mùa. Điều này tạo ra sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ và có thể tạo ra nhận thức không đúng về vị trí, vai trò của Hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử. Ngoài ra, đại biểu Mai Khanh cũng đề nghị trong thời gian tới cần quan tâm hơn đến các chế độ, chính sách hỗ trợ hoạt động của Hội thẩm nhân dân.

Cùng quan điểm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Dương Khắc Mai cho rằng sau khi thay trang phục xét xử của Thẩm phán là áo choàng thì cùng cần phải thay trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân để bảo đảm đồng bộ để phù hợp với thực tế và văn hóa pháp đình.

Ghi nhận những kết quả nổi bật của Tòa án nhân dân tối cao trong thực hiện cải cách tư pháp thời gian qua như bố trí phòng xét xử, đẩy mạnh tranh tụng, trạnh luận tại tòa hay quyết định trang phục thẩm phán để thể hiện sự uy nghi nghiêm trang, hiện đại, song trước đề xuất thay đổi trang phục tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng cần cân nhắc vấn đề này. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh làm rõ, trang phục của Hội thẩm phải phù hợp và gần gũi với nhân dân, mang tính nhân dân, hình thức phải thể hiện đúng bản chất nhân dân tham gia xét xử. Trang phục của các thành viên Hội đồng xét xử cần có sự khác biệt giúp cho việc phân biệt vị trí, vai trò của những người tiến hành tố tụng, tránh gây ra sự hiểu nhầm của đương sự khi tham gia phiên tòa đồng nhất giữa giữa Thẩm phán với Hội thẩm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận phiên họp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần quan tâm đến chế độ đãi ngộ đối với Hội thẩm nhân dân nhưng áo choàng chỉ là hình thức thể hiện mà điều quan trọng là bản chất đại diện cho Nhân dân tham gia xét xử, thực sự là nơi gửi gắm niềm tin công lý của Nhân dân trong xét xử, giám sát hoạt động xét xử, góp phần bảo đảm hoạt động xét xử tuân thủ đúng Hiến pháp, pháp luật, phù hợp với ý chí nguyện vọng của Nhân dân. Thời gian tới cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, nâng cao hơn về vị trí, vai trò, chế độ đãi ngộ, hoạt động của Hội thẩm nhân dân.

Một số ý kiến đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, có thêm giải trình làm rõ tính Nhân dân của Hội thẩm nhân dân, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tính toán kinh phí khi thay đổi trang phục của Hội thẩm nhân dân để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp; đồng thời đề nghị Tòa án nhân dân tối cáo tiếp tục bổ sung hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoan-thien-cac-quy-dinh-ve-vai-tro-cua-hoi-tham-nhan-dan-trong-hoat-dong-xet-xu-post175078.html