Hoàn thiện chính sách bảo vệ phụ nữ khuyết tật

Cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó khoảng 3,5 triệu phụ nữ. Quỹ dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) ước tính: Người khuyết tật gặp khó khăn cao gấp ba lần so với người không khuyết tật, phụ nữ khuyết tật gặp khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới cao gấp ba lần so nam giới khuyết tật. Ðây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử 'kép' vì lý do khuyết tật và lý do về giới. Do đó, họ cần được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời nhằm bảo đảm các quyền con người cơ bản.

Tuy nhiên, thực tế các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em đang có xu hướng gia tăng những năm gần đây với tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhất là các vụ xâm hại tình dục trẻ em gái vẫn chưa được xem xét giải quyết một cách đầy đủ. Các hành vi bạo lực tình dục như: quấy rối tình dục nơi công cộng, quấy rối tình dục nơi làm việc,bạo lực tình dục vẫn chưa được can thiệp và hỗ trợ kịp thời. Nghiên cứu thực tế của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có bốn người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Ðộ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng từ 24 đến 33 tuổi. Trong đó có những phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục lần đầu từ năm chín tuổi, cao nhất là hơn 50 tuổi. Nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao, chiếm hơn 35%. Nạn nhân bị xâm hại tình dục là phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật thường rơi vào nhóm khiếm thính, khuyết tật trí tuệ. Thông thường, hậu quả với nạn nhân sẽ trở nên rất nặng nề và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng về môi trường sống không an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng sống của họ.

Từ số liệu nêu trên cho thấy, thực tế vẫn còn nhiều phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tình dục nhưng không nhận thức được mình bị bạo lực tình dục và không dám lên tiếng. Do tâm lý mặc cảm, tự ti, một số người chỉ biết chia sẻ với người thân trong gia đình mà không dám chia sẻ với các cơ quan chức năng liên quan. Ðôi khi, họ chấp nhận bởi không có khả năng chống cự, trốn thoát hoặc có tâm lý là nếu có tố cáo thì thủ tục cũng phức tạp, nhiêu khê do các biện pháp can thiệp và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân đang có nhiều rào cản. Trên thực tế, vẫn tồn tại tình trạng thủ tục giải quyết phức tạp, hệ thống tư pháp hình sự chưa đáp ứng được quyền của phụ nữ là nạn nhân của tội phạm tình dục, thiếu các trung tâm trợ giúp phụ nữ bị bạo lực giới có hiệu quả cũng như kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ nạn nhân. Các đường dây nóng, các dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý, sức khỏe chưa hiệu quả, cho nên phụ nữ bị quấy rối hay bạo lực tình dục chưa tiếp cận được các dịch vụ này.

Ðể xây dựng được không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái nói chung, phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật nói riêng nhằm chia sẻ những thiệt thòi đối với đối tượng yếu thế "kép", thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bạo lực tình dục cho phụ nữ, trẻ em gái cũng như cán bộ cung cấp dịch vụ liên quan đến vấn đề này. Tiếp tục rà soát, lấp đầy các khoảng trống về pháp luật và chính sách liên quan đến bạo lực giới. Nhận diện đầy đủ, thống nhất những khái niệm liên quan đến bạo lực giới nói chung và bạo lực tình dục nói riêng. Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới; triển khai dịch vụ hỗ trợ người gây bạo lực thay đổi nhận thức, thu hút nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực tình dục.

Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định luật pháp chính sách liên quan đến bảo vệ phụ nữ khuyết tật: Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em nói chung và phụ nữ, trẻ em khuyết tật nói riêng; bổ sung quy định về các thủ tục điều tra thân thiện nhằm bảo vệ phụ nữ khuyết tật. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể có hành vi bạo lực tình dục chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng: Bổ sung những chế tài còn thiếu; tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, quy định riêng chế tài hành chính đối với chủ thể có hành vi bạo lực tình dục. Rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan đến giám định tư pháp. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần bổ sung các chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực tình dục.

Thanh Hương

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/42015102-hoan-thien-chinh-sach-bao-ve-phu-nu-khuyet-tat.html