Hoàn thiện chính sách để thị trường trái phiếu DN tăng trưởng lành mạnh
Lũy kế cả năm 2020, tổng giá trị trái phiếu DN (TPDN) phát hành đạt mức 437.689 tỷ đồng, tăng 38,8% so với mức 315.441 tỷ đồng năm ngoái. Các chuyên gia kỳ vọng, với việc Chính phủ đang nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, thị trường sẽ phát triển nhanh và lành mạnh.
Đây là một thông tin trong Báo cáo Thị trường TPDN tháng 1/2021 các chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT vừa qua.
35 DN phát hành riêng lẻ trong tháng cuối năm 2020
Theo các chuyên gia của VNDIRECT, trong tháng 12/2020, có 35 DN phát hành riêng lẻ 34.470 tỷ đồng trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành giảm 19,8% so với tháng 11 (số liệu điều chỉnh). Tỷ lệ phát hành thành công đạt 45,7%. Những DN có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong tháng 12 là NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (5.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Đông-OCB (3.900 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank (3.200 tỷ đồng).
Trong khi đó giá trị TPDN phát hành ra công chúng đạt 7.019 tỷ đồng, bao gồm 5 đợt phát hành từ Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt - LienVietPostBank (701,1 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phát Triển nhà TP.HCM - HDBank (200 tỷ đồng), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank (4.618 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Tập Đoàn Masan (1.000 tỷ đồng), và Công ty Cổ phần Đầu Tư Hạ Tầng Kỹ Thuật TPHCM (500 tỷ đồng).
Lũy kế cả năm 2020, tổng giá trị TPDN phát hành đạt mức 437.689 tỷ đồng, tăng 38,8% so với mức 315.441 tỷ đồng năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 403.468 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ) và phát hành ra công chúng đạt 34.221 tỷ đồng (tăng 82,7% so với cùng kỳ).
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng (Bộ Tài chính) cho hay, thị trường TPDN trong những năm gần đây đã trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các DN, từng bước cho thấy sự dịch chuyển vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu theo đúng định hướng của Chính phủ về phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng, giảm áp lực cung ứng vốn cho kênh tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ tốt. Vẫn có các DN, trong đó có không ít DN quy mô nhỏ, DN bất động sản đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án. Nếu hoạt động của DN gặp khó khăn, DN sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu gây bất ổn cho thị trường.
“Nếu nhà đầu tư trái phiếu nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro mất vốn khi DN không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, ông Nguyễn Hoàng Dương cảnh báo.
Trước sự tăng trưởng và phát triển nhanh của thị trường TPDN, các cơ quan quản lý đã cố gắng dùng các biện pháp giám sát để hạn chế, giảm thiểu những rủi ro cho thị trường.
Do đó, trong những tháng qua, có giai đoạn thị trường TPDN có dấu hiệu giảm nhiệt do tác động từ việc nhà điều hành thắt chặt các quy định về điều kiện phát hành TPDN.
Cởi trói thị trường, hỗ trợ các DN minh bạch
Trong bối cảnh đó, Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế ra đời nhằm “cởi trói” cho thị trường TPDN, quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ và rủi ro của nhà đầu tư cũng như tổ chức phát hành. Cụ thể, trách nhiệm của nhà đầu tư bao gồm: tiếp cận và hiểu rõ đầy đủ nội dung, điều khoản trước khi quyết định mua hoặc giao dịch trái phiếu; tự đánh giá và chịu trách nhiệm về các rủi ro phát sinh; tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan về đối tượng nhà đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ. Nghị định 153 cũng đã bãi bỏ một số quy định về điều kiện phát hành trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền.
Trước đây, Nghị định 81 đã giới hạn quy mô phát hành TPDN, dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 6 tháng. DN phát hành phải ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu, trừ trường hợp DN phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến Nghị định 153, các quy định trên đều được gỡ bỏ.
Thay vào đó, Nghị định 153 chỉ yêu cầu DN phát hành là: Công ty cổ phần hoặc công ty TNHH; thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong ba năm liên tiếp; đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận; có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Các chuyên gia cho rằng, điều này tạo cơ hội cho thị trường TPDN sôi động trở lại trong năm 2021, nhờ một số vướng mắc về quy định được Nhà nước tháo gỡ.
Theo chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức, khác với gửi ngân hàng, trái phiếu DN thường có lãi suất cao hơn. Nhưng người mua trái phiếu cũng cần xác định lợi nhuận lớn thì rủi ro cao, không thể an toàn như gửi ngân hàng. Tuy nhiên, không thể vì thế mà siết quá chặt, DN nhỏ sẽ phải tìm đến huy động vốn phi chính thức, thậm chí tín dụng đen.
Các cơ quan xây dựng chính sách cũng không nên hạn chế việc phát hành mà thay vào đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, minh bạch thông tin và tạo cơ hội công bằng giữa các nhà đầu tư.
Về mặt dài hạn, các chuyên gia cho rằng, giải pháp tốt quan trọng vẫn là cải thiện việc xếp hạng tín nhiệm cho DN. Đây chính là điểm còn hạn chế trong thời gian qua ở Việt Nam vì chưa có quy định về bắt buộc sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu ra thị trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng chưa có thói quen lựa chọn đầu tư vào TPDN có xếp hạng tín nhiệm.
Các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định, sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp, thị trường TPDN của Việt Nam đã nở rộ và tương đối vững chắc. Thị trường TPDN của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng và lượng phát hành đã lớn hơn so với con số của Indonesia và Philippines. Nhưng ADB cũng khuyến nghị, thị trường Việt Nam chưa chặt chẽ bằng một số thị trường ASEAN khác nơi quy định bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm đối với các trái phiếu phát hành ra công chúng và thường là cả phát hành riêng lẻ trong suốt những năm hình thành trái phiếu.
Để sớm khắc phục bất cập trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đã có quy định bắt buộc việc xếp hạng tín nhiệm “Tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh” với các quy định cụ thể.
Ví dụ như, tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo tài chính được kiểm toán… Hay quy định về tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán…
Quy định mới sẽ tạo nhu cầu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, từng bước hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm đối với cả trái phiếu phát hành riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng không thuộc trường hợp bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm. Qua đó, giúp tăng cường tính minh bạch của thị trường và là căn cứ để nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư.
Như vậy, riêng trong ngày cuối năm 2020, Chính phủ khẩn trương ban hành liên tiếp các Nghị định để gỡ vướng cho DN, đi đôi với bảo đảm thị trường TPDN phát triển lành mạnh.
Các cơ chế “cứng” đã tương đối chặt chẽ, nhưng không có nghĩa là đã xong. Để thực thi hiệu quả nhưng không có nghĩa là các cơ quan liên quan cũng cần tích cực vào cuộc, cụ thể là cần có cơ chế giám sát việc luân chuyển các dòng vốn sau khi DN huy động từ TPDN.