Hoàn thiện chính sách giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là chủ trương lớn, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong định hướng, chỉ đạo, bố trí nguồn lực. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, việc giảm nghèo cả nước nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đã đạt được nhiều thành tự to lớn, được quốc tế ghi nhận, là điểm sáng trong hệ thống các chính an sinh xã hội, góp phần tạo sự thay đổi tích cực diện mạo của vùng dân tộc thiểu số, miền núi và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
Kết quả trên là tiền đề quan trọng để đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiếp tục ổn định cuộc sống và sản xuất, an tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tăng cường đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Có thể khẳng định rằng, thành tựu to lớn đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay là thành quả của công cuộc đổi mới đất nước, thành quả của hơn 20 năm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi; là quá trình thực hiện kiên trì, bền bỉ trong thời gian dài, có tính kế thừa và phát triển về mặt chất lượng, từng bước tích hợp các chính sách giảm nghèo, chuyển từ thực hiện chuẩn nghèo đơn chiều sang chuẩn nghèo đa chiều, tiếp cận chuẩn nghèo quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn những hạn chế, bất cập cần được khắc phục.
Để khắc phục các hạn chế trên, Nghị quyết đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Đề án "Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030" tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Đảm bảo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Đối với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các chính sách đối vùng dân tộc thiểu số, miền núi đang còn hiệu lực thi hành bao gồm: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 và các chính sách khác đang còn hiệu lực, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết các khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người; bảo đảm mức sống của các dân tộc này tương đương với các dân tộc khác trong vùng theo mục tiêu Đề án đề ra đến năm 2025.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo, giải quyết những khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay như: tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt để đồng bào ổn định cuộc sống; tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi như: Hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực để sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào.
Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đổi mới hơn nữa nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, để đồng bào hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tin tưởng thực hiện chính sách giảm nghèo; nhân rộng điển hình tiên tiến, đồng thời khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm, lợi dụng chính sách, kể cả việc thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện chính sách; khẩn trương hoàn thiện Đề án "Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2030" gửi Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra Đề án báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV"; đi kèm với việc xây dựng Đề án trên cần tập trung xây dựng Đề án "Bộ Tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi" để thực hiện từ năm 2021 làm cơ sở áp dụng pháp luật và xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê, hệ thống biểu mẫu tổng hợp riêng vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo các chỉ tiêu cần thiết về giảm nghèo để thực hiện từ năm 2021, làm cơ sở xây dựng bộ công cụ đánh giá phát triển và giảm nghèo bền vững phù hợp với cam kết quốc tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý khi Chính phủ ban hành các chính sách mới về giảm nghèo phải bảo đảm cân đối được nguồn lực thực hiện cho từng chương trình, dự án, chính sách cụ thể; khắc phục triệt để tình trạng chính sách đã ban hành nhưng không bố trí đủ, kịp thời nguồn lực thực hiện như trong thời gian qua.