Hoàn thiện chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về: Yêu cầu cấp thiết
Nạn nhân bị mua, bán trở về cần được hỗ trợ về nhiều mặt. Vì thế, việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ các đối tượng này theo hướng lấy nạn nhân làm trung tâm trong các hoạt động trợ giúp đang là yêu cầu cấp thiết.
Các đại biểu cắt băng khai mạc chuỗi hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7) do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Bộ Công an tổ chức ngày 29-7 tại Hà Nội.
Kịp thời hỗ trợ nạn nhân
Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc đưa Luật Phòng, chống mua bán người vào đời sống đã góp phần tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người; hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị mua, bán trở về. Từ tháng 6-2013 đến nay, cả nước đã tiếp nhận, hỗ trợ cho hơn 3.000 nạn nhân bị mua, bán trở về (trung bình khoảng hơn 400 người/năm). Tùy tình hình thực tế và nhu cầu của nạn nhân, các ngành, đơn vị, địa phương sẽ hỗ trợ thiết yếu ban đầu, hỗ trợ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý hoặc hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân. Một số nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn sẽ được trợ cấp khó khăn ban đầu hoặc được vay vốn để tạo việc làm.
Đồng hành với nạn nhân trên chặng đường nỗ lực hòa nhập là 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập, 230 cơ sở ngoài công lập), phân bố đều khắp cả nước. Trên cơ sở đó, các địa phương giao nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về cho trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trung tâm công tác xã hội đóng trên địa bàn. Nhận được sự trợ giúp về nhiều mặt, cuộc sống của đa số nạn nhân dần ổn định.
Nạn nhân N.T.D. (18 tuổi, quê ở tỉnh Lào Cai, hiện đang làm việc tại một khách sạn ở Hà Nội) cho biết: “Tôi may mắn được Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation) - tổ chức từ thiện hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em đường phố, trẻ em khuyết tật, nạn nhân của nạn mua, bán người tại Việt Nam giải cứu, hỗ trợ. Sau thời gian ổn định tâm lý, tôi lựa chọn cho mình khóa học nghiệp vụ buồng, phòng khách sạn. Hoàn thành chương trình học, tôi được giới thiệu đi làm với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng”.
Không riêng trường hợp nêu trên, trong những năm vừa qua, Tổ chức trẻ em Rồng Xanh đã giải cứu, hỗ trợ kịp thời cho gần 1.000 nạn nhân (người trẻ nhất là 11 tuổi, người nhiều tuổi nhất là 65 tuổi, chủ yếu là nữ ở độ tuổi từ 16 đến 25 tuổi). Các cơ sở trợ giúp xã hội khác cũng đang hỗ trợ cho nhiều nạn nhân.
Tại Hà Nội, ngoài những giải pháp trợ giúp nạn nhân đã triển khai, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 “Quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân thành phố”. Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND quy định rõ nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân của hoạt động mua, bán người trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, từ ngày 1-8-2020, trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, thì nạn nhân của hoạt động mua, bán người trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ tiền ăn trong khoảng thời gian không quá 3 tháng. Mức hỗ trợ bằng mức chuẩn trợ cấp xã hội (hệ số 1) là 350.000 đồng/người/tháng, rồi nhân với hệ số tương ứng (trẻ em dưới 4 tuổi tính theo hệ số 5; trẻ em từ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em hoặc người cao tuổi tính theo hệ số 4; còn người từ 16 tuổi đến 60 tuổi và người khuyết tật đặc biệt nặng tính theo hệ số 3).
Ngoài tiền ăn, trong thời gian tạm trú, nạn nhân còn được cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt và các chi phí khác với số tiền 350.000 đồng/người/tháng. Đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo của thành phố Hà Nội, khi trở về nơi cư trú, mỗi người sẽ được trợ cấp khó khăn ban đầu với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Coi nạn nhân làm trung tâm
Kết quả trong việc trợ giúp nạn nhân là không thể phủ nhận; sự nỗ lực của các địa phương trong quá trình triển khai Luật Phòng, chống mua bán người rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nạn nhân của hoạt động mua, bán người là một trong những đối tượng yếu thế, có tính đặc thù do phải chịu tổn thất về thể chất, tinh thần, có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, xa gia đình, người thân, không có việc làm, thiếu định hướng trong cuộc sống... Vì thế, để họ sớm trở lại cuộc sống bình thường, nạn nhân rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng.
Trong khi đó, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc triển khai hỗ trợ nạn nhân đang bộc lộ những bất cập. Cụ thể, mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đã hình thành, nhưng chưa có cơ chế quản lý, vận hành rõ ràng, nên một số cơ sở hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Với nạn nhân bị mua, bán trở về, việc tư vấn, ổn định tâm lý cần thực hiện ngay trong thời gian lấy lời khai, lập hồ sơ tiếp nhận ban đầu. Tuy nhiên, hiện nay, các điểm tiếp nhận không có cán bộ chuyên môn về tư vấn tâm lý, thiếu cán bộ nữ để bảo đảm yếu tố nhạy cảm về giới, khi tiếp nhận nạn nhân phần lớn là nữ. Trình tự, thủ tục hỗ trợ nạn nhân khá phức tạp, nên nhiều nạn nhân không muốn làm thủ tục đề nghị hỗ trợ…
Nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp nạn nhân bị mua bán trở về, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người và các quy định khác liên quan cho phù hợp với thực tiễn, lấy nạn nhân làm trung tâm trong các hoạt động trợ giúp. Theo đó, các cơ quan chức năng đề xuất bổ sung đối tượng hỗ trợ là người nước ngoài bị mua, bán được trao trả qua Việt Nam. Trình tự, thủ tục, chế độ hỗ trợ nạn nhân được quy định cụ thể theo 3 giai đoạn: Hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ phục hồi, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, nhằm hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân. Việc bổ sung đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán qua điện thoại, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày cũng được tính đến…