Hoàn thiện chính sách, pháp luật về di cư
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho rằng, việc Việt Nam tham gia Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự; là dịp để rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến di cư; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Những việc này nhằm đẩy mạnh triển khai giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của di cư, nhất là di cư trái phép; thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn; bảo vệ quyền của người di cư.
Năm 2019 kỷ niệm một năm ngày thông qua Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự (gọi tắt là Thỏa thuận GCM). Thứ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Thỏa thuận? Liệu Thỏa thuận GCM có thực sự mang lại di cư hợp pháp, an toàn và trật tự cho toàn cầu?
- Thỏa thuận GCM ra đời trên cơ sở Tuyên bố New York về người tị nạn và người di cư (gọi tắt là Tuyên bố New York) được Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua ngày 19/9/2016.
Tuyên bố New York bao gồm một loạt các cam kết bảo vệ quyền của người tị nạn và người di cư nhằm ứng phó kịp thời trước khủng hoảng di cư diễn ra trong năm 2015 với hơn 1 triệu người di cư đến châu Âu và 3.800 người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải.
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tại Tuyên bố New York, các quốc gia đã nhất trí cho rằng việc thiết lập cách tiếp cận toàn diện đối với di cư là cần thiết, theo đó, các bên liên quan cần cùng nhau đàm phán, xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này.
Thỏa thuận GCM được thông qua tại Hội nghị liên chính phủ về di cư ngày 10/12/2018 tại Morocco và sau đó được chính thức thông qua tại kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 73 ngày 19/12/2018 với 152 nước tán thành.
Có thể nói, đây là một sự kiện mang tính lịch sử do vấn đề di cư thường được nhìn nhận dưới góc độ an ninh, bắt nguồn từ những quan ngại về hệ lụy của tình trạng nhập cư trái phép. Việc thông qua Thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư là bước tiến mới trong hợp tác toàn cầu về di cư, hướng tới mục tiêu quản trị nền di cư toàn cầu có lợi cho các bên liên quan, tôn trọng và bảo vệ an toàn và nhân phẩm của người di cư. Quá trình đi đến đồng thuận xây dựng và thông qua Thỏa thuận trên thực tế không hề dễ dàng; đây là kết quả của tinh thần trách nhiệm và nỗ lực hợp tác rất lớn của các quốc gia.
Từ nhận thức chung đó, tôi cho rằng Thỏa thuận GCM là cơ sở để các bên liên quan thực hiện cam kết và trách nhiệm của mình đối với các vấn đề của di cư, giải quyết các thách thức của di cư, để thực sự tạo ra môi trường di cư minh bạch, an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người di cư.
Việt Nam kỳ vọng điều gì khi tham gia Thỏa thuận GCM? Ngành Ngoại giao đã thúc đẩy việc triển khai Thỏa thuận GCM như thế nào?
- Việt Nam là một trong số 152 nước thông qua Thỏa thuận GCM tại kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 73 ngày 19/12/2018. Trước đó, tại Hội nghị liên chính phủ từ ngày 10-11/12/2018 tại Marrakesh, Morocco, Việt Nam cũng là một trong 164 nước thông qua Thỏa thuận.
Thỏa thuận GCM gồm 23 mục tiêu với 54 cam kết hành động tập trung vào các lĩnh vực thu thập và sử dụng thông tin; thúc đẩy các kênh di cư hợp pháp; bảo vệ người di cư lao động; phòng chống mua bán người và đưa người di cư trái phép; tăng cường hợp tác quốc tế vì di cư hợp pháp, an toàn và trật tự.
Là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề chung của thế giới, Việt Nam đã tích cực tham gia ngay từ đầu Tuyên bố New York cũng như quá trình đàm phán, xây dựng nội dung Thỏa thuận GCM.
Trong thời gian hơn 15 tháng đàm phán Thỏa thuận GCM (từ tháng 4/2017 đến tháng 7/2018), Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chủ trương đàm phán, trực tiếp tham gia các vòng đàm phán, rà soát các bản dự thảo Thỏa thuận để đưa vào các vấn đề ta quan tâm như đặt người di cư làm trung tâm trong các chính sách về di cư và phát triển; tăng cường hợp tác quản lý di cư vì mục tiêu phát triển; thúc đẩy di cư hợp pháp là biện pháp tốt nhất để hạn chế di cư trái phép; khuyến khích các quốc gia triển khai Thỏa thuận phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển, trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc gia.
Sau khi Việt Nam thông qua Thỏa thuận GCM, Bộ Ngoại giao tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận. Do Thỏa thuận GCM đề cập đến những vấn đề có tính chất bao trùm trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của nhiều bộ, ngành, Bộ Ngoại giao đã thành lập Ban soạn thảo liên ngành xây dựng Kế hoạch để đảm bảo tính khách quan, chính xác, khả thi, phù hợp với luật pháp, chính sách và điều kiện của Việt Nam.
Thông qua cuộc họp Ban soạn thảo ngày 28/8/2019, các Hội nghị phổ biến Thỏa thuận GCM tại ba miền trên cả nước (Hà Nội ngày 20/8/2019, Đà Lạt ngày 27/9/2018, TP HCM ngày 11/10/2019) và ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, đến nay, Bộ Ngoại giao đã cơ bản hoàn tất dự thảo Kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong bối cảnh công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài cũng như người nước ngoài đến Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau ngày càng nhiều, việc Việt Nam tham gia Thỏa thuận GCM sẽ mở ra những cơ hội thúc đẩy các kênh di cư hợp pháp dành cho công dân Việt Nam thông qua hợp tác về lao động, học tập…; tăng cường các biện pháp quản lý có hiệu quả các dòng di cư vào Việt Nam.
Và trên hết, đây chính là dịp để rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến di cư; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh triển khai giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của di cư, nhất là di cư trái phép; thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn; bảo vệ quyền của người di cư.
Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức thành công chuỗi các Hội nghị phổ biến Thỏa thuận GCM tại ba miền trên toàn quốc nhằm tham vấn đầy đủ các bộ, ngành, địa phương về Kế hoạch triển khai Thỏa thuận. Xin Thứ trưởng cho biết những trọng tâm mà ngành Ngoại giao cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện trong năm 2020 nhằm triển khai Thỏa thuận GCM?
- Có thể khẳng định rằng quá trình Việt Nam tham gia và triển khai Thỏa thuận GCM không chỉ thể hiện sự tích cực của Việt Nam trong ngoại giao đa phương mà còn khẳng định trách nhiệm của chúng ta trong lĩnh vực di cư nói riêng và các vấn đề quốc tế quan tâm nói chung. Đây cũng là vấn đề Bộ Ngoại giao tiếp tục thúc đẩy trong 2020 khi chúng ta đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Trong năm 2020, năm bản lề quan trọng, kết thúc chiến lược phát triển bền vững, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, để chuẩn bị bước sang giai đoạn chiến lược mới, hướng tới thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, ngành Ngoại giao sẽ tiếp tục cùng với các bộ, ngành và địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tuyên truyền rộng rãi và có chiều sâu Kế hoạch triển khai Thỏa thuận GCM sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng như các vấn đề di cư đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức và hành động đối với di cư hợp pháp, an toàn, từ đó giúp người dân lựa chọn, quyết định đúng đắn về di cư, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ ra nước ngoài qua các kênh di cư không chính thức.
Thứ hai, tăng cường cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương trong quản lý di cư bao gồm quản lý công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu, thông tin được chia sẻ và thường xuyên cập nhật nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực ứng phó đối với các vấn đề di cư, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để mở rộng, củng cố các kênh hợp tác về lao động, giáo dục…, qua đó tạo thuận lợi cho di cư hợp pháp, an toàn, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật của các nước, các tổ chức liên quan hướng đến mục tiêu chung là quản trị di cư toàn cầu hiệu quả và có lợi cho tất cả.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!