Hoàn thiện chính sách tài chính đất đai, tạo nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội
Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là tài sản quan trọng của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt cần thiết cho mọi hoạt động sản xuất và đời sống. Bởi vậy, hoạt động quản lý tài chính về đất đai không chỉ là quản lý các khoản thu từ đất để tăng thu cho ngân sách nhà nước, mà còn là công cụ để Nhà nước giám sát việc sử dụng đất một cách hợp lý, tiết kiệm và ngày càng hiệu quả.
Chủ trương, định hướng về quản lý tài chính đất đai
Đánh giá về vai trò, ý nghĩa của hoạt động quản lý tài chính về đất đai trong những năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng, về cơ bản các chính sách tài chính đất đai đã phù hợp với cơ chế thị trường, tạo nguồn lực tài chính quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã thống nhất chính sách tài chính đất đai với chính sách ưu đãi đầu tư; giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với đối tượng sử dụng đất, ổn định chi phí về đất đối với các doanh nghiệp.
Cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất được ban hành đã hạn chế tình trạng tiêu cực trong giao đất, đảm bảo công khai, minh bạch. Các chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã thể hiện được chủ trương ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước đối với đối tượng sử dụng đất cần ưu đãi hoặc khuyến khích đầu tư.
Việc chuyển đổi, chuyển nhượng đất, cho thuê đất diễn ra phổ biến và thuận lợi hơn. Chính sách thuế đã góp phần khắc phục bước đầu tình trạng sử dụng đất manh mún, tạo tiền đề cho việc sử dụng đất có hiệu quả. Quá trình vận động của đất đã được dịch chuyển theo hướng từ người sử dụng kém hiệu quả sang người sử dụng có hiệu quả hơn.
Giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với đối tượng sử dụng đất, ổn định chi phí về đất đối với các doanh nghiệp, người sử dụng đất, thu hút số lượng lớn vốn đầu tư của nhiều thành phần kinh tế, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Bước đầu xem xét và thu hẹp quỹ đất sử dụng phù hợp với khả năng và yêu cầu của mình, khắc phục tình trạng chiếm giữ quá nhiều và sử dụng lãng phí.
Cùng với đó, chính sách thuế và các khoản thu khác về đất đai đã từng bước phát huy tác dụng làm cho quan hệ đất đai tiệm cận với cơ chế thị trường, buộc người sử dụng đất phải tính toán hiệu quả, tạo nguồn lực tài chính quan trọng phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, đã thống nhất chính sách tài chính đất đai với chính sách đầu tư.
Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp để công tác định giá đất, giá thuê, tiền sử dụng đất, thu các loại phí, lệ hợp lý, sát với thực tế.
Ban hành nhiều chính sách ưu đãi về tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Phát huy vai trò, ý nghĩa của chính sách tài chính đối với đất đai, trong thời gian trong và sau đại dịch COVID-19 vừa qua, Bộ Tài chính đã luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để vượt qua đại dịch và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh bằng nhiều giải pháp về chính sách tài khóa; trong đó, đối với nghĩa vụ tài chính về đất đai với các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành 03 chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Cụ thể, trong năm 2020, 2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 02 nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, cho phép các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được gia hạn nộp tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu của năm 2020, 2021; thời gian gia hạn là 05 tháng (năm 2020) và 06 tháng (năm 2021).
Riêng năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2022/NĐ-CP cho phép gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với số tiền thuê đất, thuê mặt nước phát sinh phải nộp kỳ đầu của năm 2022, thời gian gia hạn là 06 tháng kể từ ngày 31/5/2022.
Đặc biệt, năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023. Theo đó, cho phép gia hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023. Thời gian gia hạn là 06 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023.
Về giảm tiền thuê đất, trong 02 năm 2020, 2021, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định về việc giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020, năm 2021 đối với người sử dụng đất thuê bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo Tổng cục Thuế, kết quả thực hiện giảm tiền thuê đất trong năm 2020 là khoảng 354 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất trong năm 2021 là khoảng 3.500 tỷ đồng.
Năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Năm 2023, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 175/TTr-BTC ngày 03/8/2023 trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định giảm tiền thuê đất của năm 2023. Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất cho các đối tượng đang thuê đất trực tiếp của Nhà nước dưới hình thức trả tiền thuê hàng năm; dự kiến giảm tiền thuê đất năm 2022 theo chính sách này là 3.500 tỷ đồng.
Về miễn tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Bộ Tài chính đã báo cáo Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Theo đó, cho phép miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách về cho phép miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2022 và năm 2023 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022.