Hoàn thiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp
Cục Việc làm - Bộ LĐTB&XH tìm cách nâng cao công tác truyền thông về việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cơ hội học nghề, xuất khẩu lao động.
Ngày 18/09 tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Tạp chí Lao động & Xã hội tổ chức hội nghị công tác truyền thông về việc làm khu vực phía Nam. Đại diện Bộ chủ quản tham dự có ông Phạm Anh Thắng – Trưởng Văn phòng Đại diện Bộ Lao động Thương binh & Xã hội tại TP.HCM, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm của Bộ LĐTB&XH. Các báo cáo viên đến từ Các Cục, Vụ, Viện, Trường Đại học, các Trung tâm dịch vụ việc làm phía Nam cùng nhiều cơ quan báo chí Trung ương, địa phương trú đóng ở địa bàn phía Nam tham dự đưa tin.
Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà báo đã đi tìm hiểu thực tế tại một số mô hình vay vốn giải quyết việc làm có hiệu quả tại Cần Thơ, phỏng vấn người sử dụng lao động, người lao động tại Trung tâm DVVL Thành phố Cần Thơ.
Tại hội nghị có hàng chục báo cáo bám sát thực tiễn về công tác truyền thông việc làm, thị trường lao động được các chuyên gia đến từ các cơ quan chuyên môn trình bày như “đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW”, “Chất lượng việc làm trong kỷ nguyên 4.0: Một số nhận định tổng quan từ nhóm doanh nghiệp FDI”. “Giải pháp đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền về lĩnh vực việc làm trên các cơ quan báo chí”, “Thị trường lao động - việc làm khu vực phía Nam - những thách thức và triển vọng”, “Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tổ chức dịch vụ việc làm và những vấn đề đặt ra cho tổ chức dịch vụ việc làm Việt Nam”, “Kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm và định hướng sửa đổi, bổ sung nghị định số 61/2015/NĐ-CP”, “Hiệu quả cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm ở thành phố Cần Thơ và một số kiến nghị”, “Nhu cầu Việc làm cho các tỉnh Nam Bộ – Thời cơ và thách thức”, “Kết quả thực hiện chính sách kết nối cung cầu lao động và bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội đi sâu phân tích thực trạng công tác truyền thông về việc làm trên các cơ quan báo chí hiện nay. Dưới tác động của hệ thống truyền thông đại chúng, vấn đề giải quyết việc làm, quản lý lao động (nhất là quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam), thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp đã nhanh chóng trở thành một vấn đề thời sự; một đề tài được nhiều người đặc biệt quan tâm trên hầu hết các loại hình báo chí.
Từ năm 2018 đến nay, dưới sự phối hợp, hỗ trợ của Cục Việc làm, các sở lao động, thương binh và xã hội, các trung tâm dịch vụ việc làm, hoạt động tuyên truyền về lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động đã được các cơ quan báo chí tăng cường hơn trước; số lượng, tần suất, chất lượng các bài viết về việc làm không ngừng tăng; nội dung đã định hướng, phản ánh được chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về việc làm; nhiều mô hình, điển hình, kinh nghiệm về việc làm được đăng tải, phổ biến, định hướng được dư luận. Các cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm từ Trung ương đến địa phương cũng đã chủ động kết nối với báo chí để cung cấp thông tin, thực hiện các tuyến bài, chuyên trang, chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về việc làm; sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng như truyền hình, phát thanh, báo viết, báo hình, báo mạng... cùng các hình thức truyền thông phong phú như chương trình, phóng sự, bài viết chuyên sâu, bài viết phản ánh, đưa tin, phỏng vấn, hỏi đáp chính sách, quy định pháp luật... nhằm tuyên truyền các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Cục Việc làm với phạm vi phản ánh từ Trung ương đến địa phương, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện các chính sách.
Đánh giá kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm – Bộ LĐTB&XH cho biết: tổng kết lại 10 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn năm 2009-2018, có 10 thành tựu nổi bật: chính sách bảo hiểm thất nghiệp liên tục được khẳng định trong văn bản Luật và được hướng dẫn đầy đủ, kịp thời; tính đến hết năm 2018, cả nước có gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 25,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt so với dự kiến; hỗ trợ cho gần 5 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng – hưởng và an toàn Quỹ; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường hiệu quả; việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo theo phương châm 3 đúng “Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn”; bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành điểm tựa của người lao động và người sử dụng lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính và hợp tác quốc tế trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm thất nghiệp được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.
Bên cạnh những mặt được, kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề chưa đạt được kết quả như mong muốn, chưa có người sử dụng lao động nào được hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các hạn chế trong đó có nguyên nhân về tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, cụ thể như sau:
Nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các trung tâm dịch vụ việc làm chưa được thống nhất, được chia làm 3 loại và được đảm bảo từ ba nguồn kinh phí khác nhau: Biên chế (viên chức) do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương giao, chi phí do ngân sách địa phương đảm bảo; định suất thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (hợp đồng lao động là 1.260 người, bình quân 20 người/tỉnh) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao và chi phí do Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo và nhân sự thực hiện thông qua việc ký hợp đồng lao động từ nguồn tự đảm bảo của các Trung tâm. Do đó, nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp không được hưởng các chế độ đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công của nhà nước (đào tạo, bổ nhiệm, chênh lệch về mức lương,…) nên nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các Trung tâm không yên tâm công tác, thường xuyên có sự thay đổi.
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chưa được sử dụng để hỗ trợ đầy đủ các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong khi hầu hết hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm (từ thu thập thông tin thị trường lao động, dữ liệu việc làm trống đến hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp) đều phục vụ cho người thất nghiệp nhưng kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho các hoạt động này, dẫn tới công tác thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống, tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.
Hiện nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp do 2 cơ quan thực hiện: Cơ quan bảo hiểm xã hội thu, chi và quản lý Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; cơ quan lao động (chủ yếu là trung tâm dịch vụ việc làm) tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cũng gây khó khăn cho người lao động khi phải đi lại hai cơ quan trong quá trình hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Mặt khác, việc kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu thu, chi với tiếp nhận giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp giữa hai ngành lao động-thương binh và xã hội với ngành bảo hiểm xã hội đang trong lộ trình thực hiện nên mất khâu trung gian làm phát sinh thời gian và chi phí thực hiện.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế cho biết: Trong 05 năm qua, giai đoạn 2013-2018, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Trong quá trình hội nhập kinh tế và tiến trình của cách mạng công nghiệp 4.0 (viết tắt là CMCN 4.0), thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa. Cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực nói chung và mỗi người lao động nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu. Vấn đề bắt buộc phải thay đổi là xây dựng kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, tư duy sáng tạo,... đang là yêu cầu cấp thiết.
Dự báo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (TP. Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) giai đoạn 2019 - 2025 nhu cầu nhân lực 500.000 người/năm, phát triển các ngành chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, cơ khí, tài chính, thương mại, ngân hàng, nông nghiệp, thủy sản...;
Vùng Đông Nam bộ (trong đó có vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 08 tỉnh, thành phố: thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) giai đoạn 2019 – 2025, tổng số nhu cầu nhân lực 735.000 người/năm, phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ xây dựng, cầu đường, giao thông, cấp thoát nước, công nghệ vật liệu, ...
Đến từ các ngân hàng chính sách, kiến nghị cần điều chỉnh các quy định pháp luật để người lao động được vay nhiều hơn, dài hơn và chặt hơn tăng hiệu quả đồng vốn, tạo việc làm ổn định cho người vay.