Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Yashiro Hiroaki - Cố vấn trưởng Dự án Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa và phát triển ngành công nghiệp, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho rằng, cần mở rộng và hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ. Đồng thời, tạo ra nhiều cơ hội kết nối kinh doanh hơn cho các doanh nghiệp với các đối tác mua hàng nước ngoài.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Văn Chung

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam hiện nay?

Ông Yashiro Hiroaki: Theo Sách trắng, có 650.000 DNNVV đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó tỷ lệ DN siêu nhỏ chiếm 70% và vẫn đang trong quá trình phát triển. So sánh với Nhật Bản, nơi có 3,5 triệu DNNVV đang hoạt động nhưng ngành chế biến, chế tạo chỉ chiếm 10% tổng số.

Xem xét quy mô dân số tương đương giữa Việt Nam và Nhật Bản, tôi tin rằng, các DNNVV ngành dịch vụ tại Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng.

Ông Yashiro Hiroaki

Ông Yashiro Hiroaki

PV: Về việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DNNVV Việt Nam, ông có nhận định gì? Liệu cơ hội nào cho các DN Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh thương mại đang gay gắt như hiện nay?

Ông Yashiro Hiroaki: Một thách thức lớn đối với các DNNVV ngành sản xuất, chế tạo là quy mô thị trường của Việt Nam còn nhỏ. Vì lý do này, việc mở rộng vốn đầu tư khó khăn và tôi cho rằng đây chính là trở ngại cho sự phát triển, ngăn cản việc cạnh tranh quốc tế.

Vì vậy, việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là cần thiết, nhưng để làm được điều này cần phải cải tiến công nghệ, tăng cường năng lực quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, khi DN phát triển, con người, tổ chức, cơ sở vật chất ngày càng phát triển về quy mô thì đòi hỏi phải có kỹ năng quản lý tương xứng với quy mô đó.

Tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản còn được hỗ trợ bởi việc mở rộng thị trường nội địa. Tương tự, tại Việt Nam, quốc gia có quy mô dân số ngang bằng Nhật Bản, các DNNVV có cơ hội lớn để phát triển tại thị trường nội địa. Thành công ở thị trường nội địa còn cho phép các công ty tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật

Ông Yashiro Hiroaki cho biết, hầu hết các DN lớn trong ngành sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam đều đang dịch chuyển nguyên trạng chuỗi cung ứng tại Nhật Bản sang Việt Nam. Điều đó là nhằm để đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng. Mặt khác, cũng ngày càng nhiều DN Việt Nam đáp ứng được những yêu cầu này để tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN Nhật Bản.

Vì vậy, cần phải tạo cơ hội học hỏi để xem DNNVV Việt Nam đó vì sao lại có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của DN Nhật Bản. Qua đó, giúp tăng cơ hội để các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong ngành sản xuất, hầu hết các hãng quốc tế như Toyota, Canon, Panasonic đều đang hoạt động tại Việt Nam và nếu các công ty này mở rộng sản xuất cho thị trường nội địa Việt Nam, chúng tôi tin rằng cơ hội kinh doanh cho các DNNVV tại Việt Nam sẽ còn mở rộng hơn nữa. . .

Tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét các sáng kiến nhằm phát triển các công ty Nhật Bản ở Việt Nam.

PV: Chúng ta nói nhiều về tăng cường năng lực cho các DNNVV tại Việt Nam từ rất nhiều năm nay. Nhưng có vẻ như đây vẫn là một thách thức để DN tham gia nhiều và sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Yashiro Hiroaki: Đây là quan điểm cá nhân của tôi, tuy nhiên tôi nghĩ là có 2 vấn đề chính.

Vấn đế thứ nhất là việc mở rộng và hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ. Cụ thể là cơ chế hỗ trợ tín dụng và cơ chế đảm bảo tín dụng bởi Chính phủ, cơ chế hỗ trợ tiền để cải tiến năng suất và mở rộng thực hiện hệ thống cơ chế đào tạo bao gồm cả việc cấp chứng chỉ.

Vấn đề thứ 2 là cần phải khuyến khích lãnh đạo của các DNNVV Việt Nam đối thoại tích cực hơn nữa với các lãnh đạo của DN Nhật Bản để học hỏi tư duy, quan điểm của DN Nhật Bản về thị trường Việt Nam.

PV: Theo ông, DNNVV tại Việt Nam đang cần nhất hỗ trợ trong vấn đề gì? Hỗ trợ từ Chính phủ và nhu cầu DN liệu đã phù hợp với nhau?

Ông Yashiro Hiroaki: Tại Nhật Bản có khoảng 3,5 triệu DNNVV. Trong đó, DN sản xuất chiếm 10%. Số còn lại là các DN thuộc ngành dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, vận tải, bán lẻ,… DNNVV đang cống hiến cho sự tăng trưởng kinh tế của các DN Nhật Bản. Ngoài ra, phần lớn các DNNVV của Nhật Bản đang nhận hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn được chứng nhận bởi Chính phủ Nhật Bản.

Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 650.000 DNNVV và cũng giống như Nhật Bản, phần lớn các DN thuộc ngành dịch vụ. Tôi nghĩ rằng, không chỉ DN ngành sản xuất mà DN thuộc ngành dịch vụ cũng cần phải nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh để đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Do đó, tôi cho rằng có hai vấn đề mà Chính phủ Việt Nam cần chú trọng trong cơ chế hỗ trợ hiện tại để phát triển các DNNVV tại Việt Nam. Đầu tiên, cần kích hoạt mạng lưới tư vấn viên để giúp DN siêu nhỏ có thể phát triển thành DN nhỏ và tiếp tục mở rộng quy mô.

Rất nhiều DNNVV có mong muốn nhận hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc hoàn thiện cơ chế hỗ trợ tư vấn thông qua mạng lưới chuyên gia tư vấn của Chính phủ cũng rất quan trọng. Chính phủ Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch hoàn thiện dịch vụ hỗ trợ chuyên gia tư vấn miễn phí với đối tượng là các DN ngành sản xuất và ngành dịch vụ.

Thứ hai, các cơ quan hỗ trợ của Chính phủ cần tạo ra nhiều cơ hội kết nối kinh doanh hơn cho các DNNVV với các đối tác mua hàng nước ngoài (buyer) hoặc đối tác kỹ thuật.

PV: Xin cảm ơn ông!

JICA tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh

Từ tháng 10/2020, JICA hỗ trợ thúc đẩy DNVVN Việt Nam kết nối tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sau hơn 3 năm triển khai, mặc dù gặp khó khăn trong giai đoạn đầu vì dịch Covid-19 nhưng dự án đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, hơn 1.100 lượt học viên đã tham gia các chương trình đào tạo cho tư vấn viên về lĩnh vực khởi nghiệp, kinh doanh mới và tiền đề Shindanshi - chẩn đoán viên doanh nghiệp ngành công nghiệp. Chương trình được thực hiện theo mô hình đào tạo của Nhật Bản với sự hợp tác của Tổ chức hỗ trợ DNNVV Nhật Bản (SMRJ).

Dự án cũng đã tiến hành đào tạo nâng cấp kỹ thuật tại chỗ cho 35 DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ở khắp các tỉnh, thành trong nước. Ngoài ra, đã có hơn 300 CEO của DNNVV được đào tạo theo định hướng “Lãnh đạo dẫn dắt sáng tạo” nhằm xây dựng các năng lực cần thiết để điều hành tổ chức đơn vị theo hướng đổi mới sáng tạo.

Đã có 12 DN Việt Nam thông qua hỗ trợ từ dự án đã ký được các hợp đồng cung ứng, với tổng giá trị 50 tỷ đồng với các nhà mua hàng nước ngoài. JICA cho biết, cơ quan này sẽ tích cực làm việc với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên quan để tăng cường hợp tác nhằm nâng cao năng lực và phát triển bền vững cho các DNNVV của Việt Nam.

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hoan-thien-co-che-ho-tro-de-doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau-141895.html