Hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách
'Với hệ thống chính sách tín dụng khá bao phủ, toàn diện, liên tục đổi mới cùng sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của cấp ủy chính quyền các cấp đã làm thay đổi đáng kể đời sống của đồng bào các dân tộc. Song, trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách và tổ chức, quản lý để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi mới và phát triển chính sách xã hội bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' - TS. NGUYỄN LÂM THÀNH - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh.
Công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng
- Qua giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng đồng bào dân tộc, ông đánh giá thế nào về vai trò của tín dụng chính sách?
- Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và Luật, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm và thúc đẩy an sinh xã hội cho đồng bào DTTS thông qua các chương trình, chính sách. Trong hệ thống chính sách này, tín dụng chính sách có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong cấu thành hệ thống chính sách, nhất là các nội dung về cải thiện điều kiện sống, phát triển sản xuất và thương mại, giải quyết việc làm, hỗ trợ giáo dục… Đặc biệt, sự ra đời với mô hình tổ chức đặc thù của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) theo Nghị định 78 của Chính phủ với khoảng 20 chương trình tín dụng cho vùng đồng bào DTTS, miền núi hiện nay ở nước ta là rất phù hợp.
Có thể nói, trong quá trình chuyển đổi phát triển kinh tế hiện nay, tín dụng chính sách xã hội có vị trí quan trọng với vai trò là công cụ thúc đẩy, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều này thể hiện rõ trong Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10.6.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22.11.2014.
- Vậy mức độ tác động của tín dụng chính sách ra sao, thưa ông?
- Như trên đã nói, mô hình hoạt động của NHCSXH rất đặc thù; các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào DTTS được ban hành với mục tiêu rõ ràng, cơ bản phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội trong từng thời kỳ. Đối tượng cho vay ngoài hộ DTTS nghèo còn mở rộng đến đối tượng học sinh, sinh viên DTTS nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình kinh doanh tại vùng khó khăn... Mục đích vay cũng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của hộ nghèo nói chung và hộ nghèo DTTS nói riêng, kịp thời hỗ trợ người dân. Thời gian vay vốn cũng linh hoạt tùy thuộc vào mục đích, nội dung vay; lãi suất đa dạng được điều chỉnh theo từng thời kỳ tùy theo mục đích, đối tượng vay vốn; thời gian ân hạn ưu đãi phù hợp đã thúc đẩy nhu cầu vay vốn đầu tư của đồng bào DTTS.
Chính vì những đặc điểm trên, tín dụng chính sách đã trở thành một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, tạo điều kiện kích thích người nghèo sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Đến 30.6.2023, tổng doanh số cho vay đối với vùng DTTS và miền núi đạt 87,9 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt 107,97 nghìn tỷ đồng với 20,6 triệu lượt khách hàng vay vốn. Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nghèo, cận nghèo DTTS đã tăng rõ rệt, số lượng hộ nghèo DTTS được vay vốn ngày càng nhiều, dòng vốn luân chuyển cho vay ngày càng tăng.
Còn trùng lặp
- Thực tế giám sát cũng cho thấy, hoạt động tín dụng chính sách đang bộc lộ một số tồn tại hạn chế, thưa ông?
- Có nhiều yếu tố đang làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tín dụng chính sách và chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận để chính sách này phát huy hơn nữa tính hiệu quả cũng như tính nhân văn đã đạt được trong suốt hơn 20 năm thực hiện.
Trước hết, về mặt cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và chưa bảo đảm tính bền vững, nguồn vốn cho vay ngắn hạn đang chiếm tỷ lệ lớn trong khi mục đích sử dụng vốn của người dân chủ yếu là trung và dài hạn. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch vốn một số chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP do bộ, ngành xây dựng chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương.
Một số chính sách tín dụng áp dụng chung trên toàn quốc nên chưa phù hợp các loại đối tượng và đặc điểm vùng, miền, dẫn đến làm giảm hiệu quả chính sách. Chính sách tín dụng trong chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình DTTS còn trùng lặp về địa bàn, đối tượng nhưng chưa được phân tách một cách phù hợp.
Cơ chế, chính sách còn thiếu sự gắn kết giữa nhu cầu dài hạn cho phát triển với giải quyết các nhu cầu vay vốn cụ thể, trước mắt; thiếu sự lồng ghép, tích hợp các chính sách; thiếu sự đồng bộ, kịp thời trong thực hiện chính sách tín dụng kết hợp chính sách hỗ trợ đầu tư của nhà nước trong dạy nghề, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi nghề đối với các hộ vay vốn, nên hiệu quả sử dụng vốn vay còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính sách tín dụng hỗ trợ hộ gia đình sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp còn chưa đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào khu vực miền núi, dân tộc.
Nguồn lực thực hiện tín dụng ưu đãi cho người nghèo, hộ đồng bào DTTS, các đối tượng xã hội khác còn hạn chế nên mức độ bao phủ chưa toàn diện, chưa đáp ứng được nhu cầu, tiếp sức cho các hộ muốn thoát nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, tránh tái nghèo.
Xem xét, điều chỉnh, cơ cấu lại nguồn vốn
- Để giải quyết các tồn tại trên, theo ông cần phải làm gì?
Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã chỉ rõ yêu cầu nhiệm vụ đối với chính sách tín dụng "Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số". Đây là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện định hướng chính sách dân tộc trong giai đoạn mới "giảm cho không, tăng cho vay và cho vay có điều kiện" trong hoạt động tín dụng chính sách vùng đồng bào dân tộc.
Do đó, tôi cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng Đề án về lồng ghép việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội khác, bảo đảm cả tính trước mắt và lâu dài, tính kế hoạch, chủ động, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, thiếu sự kết nối như hiện nay. Rà soát, xác định lại các đối tượng, địa bàn rõ ràng, thống nhất để làm cơ sở xây dựng, điều chỉnh các chính sách tín dụng. Cơ cấu lại hệ thống chính sách tín dụng theo hướng tích hợp, tăng định mức chính sách và bảo đảm phù hợp vùng, miền…
Các bộ, ban, ngành cần xem xét, điều chỉnh, cơ cấu lại nguồn vốn để bảo đảm cho NHCSXH thực hiện. Đặc biệt, cần phải quy định rõ ràng hơn địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý của NHCSXH trong Luật Các tổ chức tín dụng sẽ trình ra Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới đây. Đây cũng là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 khi cho ý kiến lần đầu về dự thảo luật. Đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, NHCSXH tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện.
- Xin cảm ơn ông!