Hoàn thiện cơ sở pháp lý để Sàn Giao dịch Công nghệ Hà Nội phát huy vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Ngày 18-7, tại Hà Nội, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua Đề án 'Thành lập Sàn Giao dịch Công nghệ Hà Nội' (Điều chỉnh Đề án 1442).

Tháng 4-2022, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1442/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội” (Đề án 1442).

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đặc biệt là khung pháp lý đặc thù do Luật Thủ đô (2024) mang lại, mô hình Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội được phê duyệt tại Quyết định số 1442/QĐ-UBND đã được nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu thực tiễn. Phóng viên báo Hànôịmới đã ghi lại ý kiến của các đại biểu.

GS. Vũ Hào Quang: Cần cụ thể hóa mục tiêu, cơ chế vận hành và bảo đảm cơ sở pháp lý cho mô hình “đầu tư công - quản trị tư”

GS. Vũ Hào Quang

GS. Vũ Hào Quang

GS. Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Khoa học, Giáo dục, Môi trường và Văn hóa - Xã hội (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội) khẳng định sự đồng tình cao với việc ban hành Nghị quyết thành lập Sàn Giao dịch Công nghệ Hà Nội, coi đây là bước hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong phát triển thị trường khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo ông, thị trường khoa học và công nghệ trong nước còn yếu, rất thiếu các thiết chế trung gian như sàn giao dịch. Tỷ lệ thương mại hóa kết quả nghiên cứu hiện nay chỉ đạt khoảng 10%, trong khi Hà Nội, với tiềm lực khoa học mạnh, hoàn toàn có khả năng xây dựng một sàn công nghệ có quy mô quốc gia, thậm chí khu vực.

GS Quang đánh giá dự thảo Nghị quyết có cơ sở pháp lý đầy đủ, song mô hình “đầu tư công - quản trị tư” theo hình thức hợp đồng O&M (vận hành - bảo trì) vẫn thiếu hành lang pháp lý cụ thể từ Trung ương. Việc này có thể gây lúng túng trong phân định trách nhiệm giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp vận hành, tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích hoặc buông lỏng giám sát.

Ngoài ra, ông lưu ý, mục tiêu đề án đặt ra như trở thành sàn giao dịch công nghệ hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2030, đạt 1.000 giao dịch/năm với giá trị 500 tỷ đồng là rất tham vọng, song cần được cụ thể hóa bằng lộ trình rõ ràng, có các chỉ tiêu trung gian định kỳ để đánh giá.

Ông cũng chỉ ra, Dự thảo chưa nêu rõ các nội dung quan trọng như: Cơ cấu vốn góp, quy trình lựa chọn đối tác tư nhân, đấu thầu hợp đồng O&M, cũng như cơ chế phối hợp giám sát giữa các bên. Thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý. Đặc biệt, khả năng kết nối quốc tế và bảo hộ sở hữu trí tuệ trong môi trường số hiện còn mơ hồ, chưa có kế hoạch thể chế hóa các tiêu chuẩn quốc tế hay nền tảng giao dịch đa ngôn ngữ.

GS Quang cho rằng mô hình kết hợp “Sàn công lập - quản trị tư nhân” là hợp lý, nhưng cần làm rõ cơ chế quản trị độc lập, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo mật dữ liệu và quy chế vận hành minh bạch. Ông đề xuất bổ sung vai trò của Sàn trong đánh giá công nghệ, hỗ trợ chuyển giao xuyên biên giới, kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của toàn vùng Đồng bằng sông Hồng.

Về tài chính, ông đồng tình với phương án đầu tư ngân sách kết hợp xã hội hóa nhưng cho rằng cần nêu rõ định mức đầu tư ban đầu, các nguồn thu và ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp tham gia. Đồng thời, cần chỉ định đơn vị chủ trì triển khai, đưa hoạt động của Sàn vào chương trình giám sát 3–5 năm của HĐND và sớm thiết lập quan hệ hợp tác với các sàn công nghệ quốc tế như Singapore, Hàn Quốc, Israel...

TS. Lê Văn Hoạt: Đề nghị đổi tên Đề án cho chính xác và làm rõ quy định về kiểm định, ưu đãi thuế, vốn góp

TS. Lê Văn Hoạt

TS. Lê Văn Hoạt

TS. Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, cho rằng, việc ban hành Nghị quyết thành lập Sàn Giao dịch Công nghệ Hà Nội là cần thiết và cấp bách nhằm cụ thể hóa các chủ trương lớn như Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 193/2025/QH15, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển thị trường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, theo ông, một số nội dung trong Dự thảo và Tờ trình còn thiếu rõ ràng, cần được rà soát kỹ lưỡng hơn. Ông đề nghị đổi tên đề án thành: “Đề án thành lập Sàn giao dịch sản phẩm khoa học, công nghệ Hà Nội”, tương ứng với tên Nghị quyết cần sửa là “Nghị quyết thông qua Đề án thành lập Sàn giao dịch sản phẩm khoa học, công nghệ Hà Nội”. Bởi theo ông, nội dung đề án không chỉ đề cập đến “công nghệ” mà còn bao gồm cả các sản phẩm khoa học, nhưng cách trình bày hiện tại chưa nhất quán, dễ gây hiểu nhầm về phạm vi hoạt động.

TS Hoạt cũng kiến nghị sửa lại mục tiêu chung trong Dự thảo theo hướng nhấn mạnh vai trò của Sàn là một hạ tầng khoa học và công nghệ hiện đại, trung tâm dữ liệu sản phẩm khoa học và công nghệ mang tính kết nối khu vực và quốc tế; đồng thời thực hiện định giá, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển tài sản trí tuệ. Việc này, theo ông, sẽ giúp phản ánh đúng chức năng toàn diện của Sàn, thay vì chỉ giới hạn vào “sản phẩm công nghệ”.

Về tổ chức bộ máy, ông lưu ý dự thảo nêu 6 phòng chức năng nhưng lại không thấy đề cập đến văn phòng, là đơn vị hành chính không thể thiếu trong một mô hình tổ chức hoàn chỉnh. Mặt khác, đề án có đề xuất thành lập công ty cổ phần với vốn góp từ Nhà nước, quỹ đầu tư, tổ chức nghiên cứu triển khai… nhưng cách trình bày khiến người đọc có thể hiểu nhầm rằng Nhà nước bắt buộc phải góp vốn. Điều này cần được làm rõ.

TS Hoạt đặc biệt nhấn mạnh vấn đề quản lý và bảo trì cơ sở vật chất, cả “phần cứng” và “phần mềm”, chưa được quy định rõ trong cơ chế hoạt động. Ông cho rằng các sản phẩm khoa học và công nghệ đưa lên Sàn cần được kiểm định, đánh giá đủ tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng và uy tín.

Về chính sách ưu đãi, ông đề nghị làm rõ phạm vi và điều kiện miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho đơn vị quản lý Sàn và các tổ chức hoạt động trên Sàn, tránh tạo ra cơ chế ưu đãi tràn lan hoặc thiếu minh bạch.

TS. Phạm Đức Nghiệm: Bổ sung giải pháp tài chính, bảo vệ sở hữu trí tuệ và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ

TS. Phạm Đức Nghiệm

TS. Phạm Đức Nghiệm

TS. Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, việc thành lập Sàn Giao dịch Công nghệ Hà Nội là cần thiết, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đặc biệt khi chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng.

Theo ông, Dự thảo Tờ trình và Nghị quyết đã đảm bảo cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn cần thiết, thể hiện sự nhất quán với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và định hướng phát triển thành phố. Tuy vậy, để bảo đảm hiệu quả trong thực tiễn, cần bổ sung thêm các giải pháp chặt chẽ về quản lý tài chính, cơ chế định giá công nghệ, hợp tác quốc tế và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng gặp nhiều rào cản trong tiếp cận, chuyển giao công nghệ.

TS Nghiệm cho rằng, các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra trong đề án là phù hợp, nhưng muốn đạt được cần đi kèm chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, nhất là về tài chính, công nghệ và pháp lý. Ông lưu ý rằng những mục tiêu như thực hiện 1.000 giao dịch/năm hay thu hút đối tác quốc tế sẽ gặp khó nếu không tháo gỡ các điểm nghẽn như năng lực tài chính hạn chế của doanh nghiệp nhỏ, khó khăn trong thương mại hóa công nghệ và những rào cản pháp lý trong bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Về cơ chế tài chính, ông đánh giá các quy định trong Dự thảo đã bước đầu thể hiện sự minh bạch và hợp lý. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả lâu dài, cần có cơ chế giám sát tài chính độc lập, minh bạch hóa báo cáo, đồng thời xây dựng các chính sách thu hút nguồn lực quốc tế, triển khai chương trình tài trợ cho doanh nghiệp nhỏ. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chiến lược dài hạn trong phát triển, hợp tác quốc tế, bảo hộ sở hữu trí tuệ và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Bài và ảnh: Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoan-thien-co-so-phap-ly-de-san-giao-dich-cong-nghe-ha-noi-phat-huy-vai-tro-thuc-day-doi-moi-sang-tao-709519.html