Hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện đăng ký hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú
Ngày 16/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017- 2024.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nhâm Ngọc Hiển cho biết, Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 là Chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, thách thức như: Hệ thống pháp luật về hộ tịch, quốc tịch tuy đã được ban hành đầy đủ, nhưng vẫn còn các quy định pháp luật trong lĩnh vực khác có liên quan chưa đồng bộ; chưa có các chính sách, quy định phù hợp dành riêng cho việc đăng ký hộ tịch, xác định quốc tịch đối với nhóm dân cư khó tiếp cận, dễ bị tổn thương...
Đặc biệt, trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 mà chúng ta đã trải qua đã cho thấy khả năng ứng phó trong công tác đăng ký hộ tịch thông qua phương thức trực tuyến còn có hạn chế.
Hội nghị này là dịp quan trọng để các bộ, ngành, địa phương đánh giá lại một cách khách quan các kết quả của việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 trên toàn quốc.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho hay, hệ thống cơ quan đăng ký, thống kê hộ tịch, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cấp xã được củng cố, kiện toàn; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hộ tịch, các mục tiêu, nội dung của Chương trình hành động được quan tâm, nhận thức của người dân về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch được nâng cao, tỷ lệ đăng ký hộ tịch tăng; công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan ở Trung ương và giữa các cơ quan, ban ngành ở địa phương trong công tác đăng ký, thống kê hộ tịch được duy trì thường xuyên, bảo đảm hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng tồn tại những vấn đề mà Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp cần nỗ lực ưu tiên giải quyết trong thời gian tới như:
Việc xác định tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử theo Chương trình hành động vẫn còn là thách thức không nhỏ do việc quản lý dữ liệu sinh, tử, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử vẫn chưa có sự phối hợp.
Đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch còn thiếu ổn định, thường xuyên phải kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng bổ sung; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã không đồng đều; hạn chế về nguồn kinh phí triển khai Chương trình hành động; việc tra cứu, báo cáo thống kê, thu thập số liệu hộ tịch còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Mai Lương Khôi, tại Hội nghị này, đã có nhiều ý kiến, tham luận đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đăng ký và thống kê hộ tịch, trong đó tập trung vào các vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tiếp tục cải cách, phân cấp mạnh mẽ, tiến tới tăng mạnh tỷ lệ đăng ký hộ tịch trực tuyến, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện đăng ký hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú...
Để tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc, tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, ông Mai Lương Khôi cho rằng, cần củng cố, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan, đồng thời các cấp chính quyền cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch ở cấp huyện và cấp xã; đảm bảo phân bổ ngân sách phù hợp cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương.