Hoàn thiện công tác kiểm tra văn bản lĩnh vực tài chính
Công tác kiểm tra văn bản là một trong những hoạt động nhằm kịp thời phát hiện, những văn bản về tài chính có chưa phù hợp với quy định pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, từ đó có giải pháp xử lý góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về tài chính nói riêng. Công tác này trong thời gian qua đã được Bộ Tài chính quyết liệt triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính.
Kết quả kiểm tra văn bản thuộc lĩnh vực tài chính
Trong những năm qua, nhằm đáp ứng các yêu cầu của quá trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành một số lượng lớn văn bản về tài chính, góp phần hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc đổi mới đất nước.
Tuy nhiên, do văn bản trong lĩnh vực tài chính có phạm vi, đối tượng điều chỉnh rộng, liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp; nội dung thường phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau; hệ thống văn bản (chủ yếu là các Luật) giữa lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực khác vẫn có điểm chưa thực sự thống nhất (ví dụ như Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Quản lý thuế) dẫn đến sự thiếu thống nhất của văn bản hướng dẫn; nội dung của các văn bản vẫn còn có một số quy định mang tính đa nghĩa dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Vì vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hệ thống pháp luật về tài chính hiện nay vẫn còn một số tồn tại và hạn chế.
Nhằm khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng và kỹ thuật lập pháp, việc kịp thời phát hiện, từ đó có giải pháp xử lý những văn bản về tài chính có dấu hiệu trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo là hết sức cần thiết. Một trong những hoạt động quan trọng được đặt ra nhằm thực hiện trọng trách đó chính là công tác kiểm tra văn bản. Công tác kiểm tra văn bản thuộc lĩnh vực tài chính trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính.
Có thể khái quát một số kết quả như sau:
Nguồn: Tổng hợp từ Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính
Một là, Bộ Tài chính đã kiểm tra một số lượng lớn văn bản về tài chính từ Trung ương đến địa phương, phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời, xác đáng nhiều văn bản có nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Từ năm 2016 đến năm 2022, Bộ Tài chính đã tự kiểm tra 906/906 thông tư, thông tư liên tịch do Bộ Tài chính ban hành. Ngoài ra, hàng năm, Vụ Pháp chế tham mưu, trình Bộ ban hành công văn đề nghị các bộ, ngành tự kiểm tra văn bản do mình ban hành có nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính và gửi kết quả về Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế) để tổng hợp. Trên cơ sở kết quả tự kiểm tra của các bộ, ngành gửi, Vụ Pháp chế làm đầu mối tổ chức kiểm tra; khi phát hiện văn bản được kiểm tra chưa phù hợp với quy định pháp luật, Vụ Pháp chế lấy ý kiến các đơn vị liên quan để trình Bộ kiến nghị phương án xử lý. Theo kết quả thống kê từ năm 2017 đến năm 2022, các Bộ, ngành đã tự kiểm tra và gửi Danh mục về Bộ Tài chính 236 văn bản có nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính.
Hai là, hoạt động kiểm tra văn bản trong lĩnh vực tài chính được thực hiện cơ bản đúng nguyên tắc, nội dung, trình tự, thủ tục; việc phát hiện, xử lý nhiều văn bản chưa phù hợp quy định pháp luật về tài chính đã góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan ban hành văn bản về chấp hành kỷ luật ban hành văn bản.
Ba là, hoạt động kiểm tra văn bản về tài chính đã kết nối nhất định với các hoạt động xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, bước đầu hình thành cơ chế đồng bộ trong việc theo dõi, phát hiện, xử lý và kiến nghị hoàn thiện văn bản trong lĩnh vực tài chính.
Bốn là, kết quả công tác kiểm tra văn bản về tài chính thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn của việc xác lập cơ chế này trong nội bộ hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần khẳng định vị thế của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Công tác kiểm tra, xử lý văn bản thời gian qua tại Bộ Tài chính về cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Hoạt động kiểm tra, xử lý đã tập trung vào các lĩnh vực phức tạp, những vấn đề kinh tế - xã hội được dư luận xã hội quan tâm; đã chú trọng việc kiểm tra văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn, do đó đã phát hiện được nhiều hơn các văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật…
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra văn bản trong lĩnh vực tài chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc đảm bảo một số điều kiện cho công tác kiểm tra văn bản ở một số đơn vị chưa được quan tâm, tạo điều kiện đúng mức như: Chưa bố trí công chức chuyên trách thực hiện tự kiểm tra văn bản, chủ yếu là công chức kiêm nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm, kĩ năng nghiệp vụ còn hạn chế, chưa thật sự chú ý đến công tác tự kiểm tra văn bản do chính đơn vị mình được giao chủ trì soạn thảo…
Việc triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản còn chưa gắn kết chặt chẽ với các hoạt động khác có liên quan trong chu trình xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành pháp luật; việc triển khai kiểm tra văn bản còn độc lập, cắt khúc với các hoạt động khác trong chu trình, chưa có sự phối hợp chặt chẽ để sử dụng tối đa kết quả của từng hoạt động vào quy trình chung về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác kiểm tra văn bản còn hạn chế, chưa đồng bộ; nhiều văn bản chưa cập nhật kịp thời để phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản; chưa xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật hoặc có xây dựng nhưng ở mức độ đơn giản, chưa được tin học hóa, cập nhật kịp thời. Chưa thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ; đôi khi các lớp tập huấn kết hợp nhiều nội dung quản lý nhà nước khác dẫn đến không tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Chưa thực hiện cơ chế cộng tác viên làm công tác kiểm tra văn bản.
Bên cạnh đó, một số ít đơn vị triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản còn chậm và chưa chủ động, còn hình thức và chưa đạt được hiệu quả tốt, đặc biệt là công tác tự kiểm tra, xử lý văn bản; nhiều văn bản đã ban hành nhưng chưa được kiểm tra, phát hiện kịp thời. Việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền của Bộ Tài chính đối với văn bản quy phạm pháp luật do bộ, ngành, địa phương ban hành có nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính chưa được kiểm tra toàn diện do khối lượng văn bản quy phạm pháp luật do các địa phương ban hành có liên quan đến lĩnh vực tài chính là rất lớn.
Giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra văn bản trong lĩnh vực tài chính
Các nội dung khó khăn, vướng mắc nêu trên đã được nghiên cứu tại đề tài “Hoàn thiện công tác kiểm tra văn bản trong lĩnh vực Tài chính”nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp cần thực hiện, trong đó đã tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm tra, xử lý văn bản
Nguồn: Tổng hợp từ Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính
Để nâng cao hiệu quả cũng như tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật nói chung, công tác kiểm tra văn bản nói riêng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) theo hướng: bổ sung quy định về Bộ tiêu chí thống nhất để xác định văn bản trái pháp luật theo các nội dung kiểm tra văn bản (căn cứ, thẩm quyền, nội dung, thể thức, kỹ thuật và trình tự, thủ tục ban hành văn bản); bổ sung quy định về Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương; bổ sung quy định về việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản trái pháp luật và các hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật tại Thông tư số 79/2015/TT-BTC để phù hợp với quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Hoàn thiện quy trình, hoạt động kiểm tra văn bản
- Đổi mới quy trình nghiệp vụ kiểm tra văn bản.
Trong thời gian tới, cần sửa đổi Quyết định số 72/QĐ-BTC ngày 19/01/2022 về quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tài chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính, trong đó cần tách bạch rõ: Quy trình kiểm tra đối với Thông tư, Thông tư liên tịch do Bộ Tài chính chủ trì ban hành; Quy trình kiểm tra đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành, địa phương ban hành. Theo đó, cần quy định cụ thể các bước từ việc tiếp nhận văn bản, tiến hành kiểm tra văn bản, xử lý kết quả kiểm tra, thẩm quyền, trách nhiệm (từ chuyên viên đến lãnh đạo) trong kiểm tra văn bản, từ phát hiện, kết luận tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản đến thông báo, xử lý, kiến nghị xử lý và theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản; có biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong kiểm tra, xử lý văn bản; Quy định rõ trách nhiệm, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan kiểm tra văn bản với các đơn vị .
- Xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính.
Việc đánh giá hiệu quả xử lý văn bản trái pháp luật trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có thể được thực hiện với các tiêu chí cơ bản như: Tiêu chí về tỷ lệ văn bản trái pháp luật (nội dung, thẩm quyền) được xử lý kịp thời theo quy định so với tổng số văn bản trái pháp luật được phát hiện thông qua tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền; Tiêu chí về tỷ lệ văn bản trái pháp luật (nội dung, thẩm quyền) được xử lý đúng hình thức so với tổng số văn bản trái pháp luật được phát hiện qua tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền; Tiêu chí về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, người ban hành văn bản trái pháp luật hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra theo Điều 108 và Điều 134 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (nếu có); Tiêu chí về công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật theo Điều 109 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Tiêu chí về việc cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật không thông báo kết quả xử lý văn bản trái pháp luật cho cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản theo quy định tại Khoản 5 Điều 131 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP...
- Xây dựng Đề án cộng tác viên kiểm tra văn bản.
Cộng tác viên kiểm tra văn bản được lựa chọn là những người có kinh nghiệm xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra văn bản, đang công tác hoặc mới nghỉ hưu tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Tư Pháp, Văn Phòng Chính phủ và một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo như Học viện Tài chính, Học viện Hành chính quốc gia, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội… Các cộng tác viên sẽ là lực lượng hỗ trợ thực hiện việc kiểm tra các văn bản trong một số trường hợp như: Văn bản của các bộ, ngành, địa phương ban hành có nội dung kỹ thuật chuyên ngành; Văn bản được kiểm tra liên quan đến nhiều đơn vị; Văn bản được kiểm tra có nhiều ý kiến khác nhau về kết luận kiểm tra hoặc phương hướng xử lý.
Xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tăng cường năng lực đội ngũ công chức thực hiện kiểm tra, xử lý văn bản
Bộ máy và nhân lực thực hiện đóng vai trò quyết định hàng đầu để đảm bảo chất lượng, hiệu quả của hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên tổ chức bộ máy và nhân lực tại các cơ quan, đơn vị kiểm tra văn bản trong ngành Tài chính còn thiếu, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên việc thực hiện công tác này còn nhiều khó khăn. Theo đó, yêu cầu về việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đang là một yêu cầu cấp thiết.
Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các chủ thể có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý văn bản
Nghiên cứu, đổi mới cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ và giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành, nhất là Bộ Tư pháp trong hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, cần xác định rõ nội dung, phương thức phối hợp bảo đảm tăng cường kết nối giữa hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật với hoạt động soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, hình thành cơ chế đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả, liên thông chặt chẽ trong phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật. Cơ chế này sẽ khắc phục được sự “chia đoạn”, “cắt khúc” trong triển khai nhiệm vụ của các cơ quan, tăng cường hiệu quả của công tác phối hợp, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật nói riêng và chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong thời gian tới cần nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm Phần mềm hỗ trợ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để đảm bảo khai thác thuận lợi, hiệu quả tiện ích của Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Công báo điện tử phục vụ cho “đầu vào” (nguồn văn bản) của hoạt động kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo nhanh chóng, đầy đủ, chính xác; nghiên cứu xây dựng Chuyên mục thông tin về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật tại Trang thông tin pháp luật tài chính trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính theo hướng tinh gọn, hợp lý các nội dung, đề mục và dễ tiếp cận, thuận tiện cho việc sử dụng, khai thác thông tin.
Đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác kiểm tra văn bản
Cơ chế, chính sách về kinh phí cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và người làm công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có nhưng trong thời gian tới, tại cơ quan, đơn vị cần quan tâm, bố trí đúng, đủ để đảm bảo phù hợp, tương xứng với tính chất đặc thù, yêu cầu, nhiệm vụ, động viên tinh thần, đề cao trách nhiệm, chuyên tâm, yêu nghề, gắn bó lâu dài với công việc của cán bộ làm công tác kiểm tra văn bản.
Tài liệu tham khảo:
Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010;Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa;Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020;Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật;Nghị định số 99/2006/NĐ-CP ngày 15/9/2006 của Chính phủ về công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật;Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;Thông tư số 79/2015/TT-BTC ngày 25/5/2015 quy định về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính;Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 08/02/2023 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.