Hoàn thiện hạ tầng giao thông cửa ngõ Tây Bắc Hà Nội
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang gấp rút triển khai thi công dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long để khớp nối đồng bộ với đường vành đai 3 dưới thấp (đường Phạm Văn Đồng), cũng như sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long...
Việc khẩn trương hoàn thành các dự án này để góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội... (hoàn thiện dự án vành đai 3 khép kín, kết nối sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận…).
Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thông xe vào dịp 10/10
Theo ông Phạm Anh Tú - Trưởng phòng quản lý dự án 1, Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long - đại diện chủ đầu tư) - Bộ GTVT đến nay, dự án đã hoàn thành công tác triển khai xây dựng bệ thân trụ, lao dầm. Hiện các nhà thầu đang thi công bản mặt cầu, gờ chắn, lan can... Tổng sản lượng hoàn thành đến nay đạt tới 90% (1.830/2.659 tỷ đồng). Hiện các nhà thầu đang tiến hành thảm bê tông nhựa trên tuyến, dự kiến trong 10 ngày tới sẽ hoàn thành thảm nhựa (dày 7cm gồm 2 lớp) toàn bộ mặt đường trên cầu cạn; lắp đặt hàng rào chống chói, thi công khe co giãn…
Dự án xây dựng vẫn đang đáp ứng tiến độ các gói thầu và chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu tập trung máy móc, nhân công, nguyên vật liệu thi công theo đúng kế hoạch hoàn thành đề ra (cuối tháng 9/2020) và đảm bảo chất lượng công trình; khớp nối đồng bộ với dự án xây dựng đường vành đai 3 dưới thấp (đường Phạm Văn Đồng), do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, để đưa vào khai thác đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 sắp tới.
Đề cập đến 6 nhánh lên xuống vẫn chưa thể triển khai thi công hoàn thiện dù “hạn chót” thông xe đã gần kề, ông Phạm Anh Tú cho biết, khi thiết kế ban đầu đã tính đến việc làm các nhánh lên xuống nhưng giai đoạn 1 dự án chưa đưa vào vì lo ngại vướng mặt bằng ở phía dưới. Tuy nhiên, với sự phối hợp của
TP. Hà Nội nên mặt bằng thuận lợi, các đơn vị đã triển khai làm luôn các nhánh lên xuống vào giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành vào quý I/2021. Trước đây, theo thiết kế cũ, 6 nhánh lên xuống sẽ dùng loại dầm Super T thế nhưng hiện dầm của các nhánh này đang được nghiên cứu lại theo hướng sử dụng dầm bản rỗng để bảo đảm gọn nhẹ, thanh mảnh và mỹ thuật.
Bên cạnh đó, việc thay đổi thiết kế của dự án cũng bảo đảm hiệu quả, bởi nếu như gầm của các đoạn cầu cạn đã đưa vào khai thác trước đây để trồng cỏ, làm dải phân cách thì tới đây sau khi hoàn thành phần cầu cạn, gầm từ Mai Dịch - Nam Thăng Long sẽ được làm đường đô thị, bố trí cho 2 - 3 làn xe phục vụ cho xe con và xe buýt lưu thông, vừa phát huy hiệu quả giao thông mà lại không lãng phí quỹ đất. Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được khởi công từ tháng 5/2018 và ấn định thời gian hoàn thành vào tháng 9/2020, thuộc đường vành đai 3 TP. Hà Nội có quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/giờ (đoạn cuối tuyến châm chước vận tốc 80km/giờ). Chiều dài cầu và đường dẫn 5,3km (riêng cầu cạn dài 4,8km). Tổng mức đầu tư dự án là 5.343 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Tư vấn thiết kế là liên danh NK-NE-NKV. Tư vấn giám sát gồm liên danh OCG, OC, KEI, TEDI liên kết với APECO.
Áp dụng công nghệ mới nhất sửa mặt cầu Thăng Long
Cũng theo Bộ GTVT, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn cơ để khai thác êm thuận, an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường vành đai 3 hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần quan trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội...; hoàn thiện dự án vành đai 3 khép kín, kết nối sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận…
Ông Nguyễn Trung Sỹ - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN - Bộ GTVT) cho biết, cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11/1974 và hoàn thành tháng 5/1985. Sau một thời gian khai thác phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng với đặc điểm kết cấu phức tạp. Để khắc phục triệt để các hư hỏng trên, các đơn vị nhà thầu sẽ gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ như cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép và lắp đặt lưới thép; lớp bê tông siêu tính năng có cường độ chịu nén bảo đảm bền vững; thảm bê tông nhựa polyme; thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng bằng khe co giãn ray dạng mô đun; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.
Lần sữa chữa này chắc chắn công trình tồn tại ít nhất trên 10 năm bởi kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất. Kết cấu dàn thép của 5 liên nhịp dàn thép đã được kiểm định 1 cách chắc chắn và bảo đảm khả năng chịu lực của cầu bền vững, kết cấu thép ở dưới ổn định và không biến dạng.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, dự kiến dự án được khởi công chậm nhất vào ngày 9/8/2020. Tổng mức đầu tư 269,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Thời gian triển khai thi công hoàn thành trong quý IV/2020. Tổng cục ĐBVN thực hiện cắm biển báo, công bố thông tin phân luồng đảm bảo giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 20/7 và tổ chức phân luồng giao thông thử từ ngày 28/7 - 8/8 và chính thức cấm cầu từ ngày 8/8/2020...