Hoàn thiện hệ thống PCCC nhà trọ - Không thể trì hoãn: Bài 2 - Quy định thay đổi, quản lý chưa chặt

Vì sao thị xã Việt Yên có tới 418 nhà trọ cao tầng chưa đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và thoát nạn nhưng vẫn hoạt động? Nguyên nhân một phần do các quy định của pháp luật liên tục có sự thay đổi. Trong khi đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chưa thể kiểm tra thường xuyên, xử phạt chưa nghiêm. Chủ cơ sở vì lợi nhuận trước mắt mà chần chừ việc khắc phục. Người thuê trọ cũng tặc lưỡi bỏ qua sự an toàn của chính mình.

Văn bản liên tục sửa đổi

Theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ thì nhà trọ không thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC. Tuy nhiên theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC thì nhà trọ lại thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, trong đó phân cấp cho UBND cấp xã quản lý nhà trọ cao dưới 3 tầng và có tổng khối tích dưới 1.000 m3. Mới đây nhất, Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định nhà trọ cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú dưới 2.500 m3 do UBND cấp xã quản lý.

 Đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã Việt Yên kiểm tra điều kiện an toàn PCCC tại nhà trọ trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã Việt Yên kiểm tra điều kiện an toàn PCCC tại nhà trọ trên địa bàn.

Theo ông Dương Minh Thắng, Phó trưởng Phòng Giám định và quản lý chất lượng xây dựng, Sở Xây dựng (thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành), qua kiểm tra vào cuối năm 2023 cho thấy, hầu hết các nhà trọ ở tổ dân phố Núi Hiểu, phường Quang Châu được xây dựng, hoàn thành từ năm 2019 trở về trước, lúc đó khu vực trên chưa có quy hoạch chi tiết. Các hộ dân xây dựng nhà ở riêng lẻ không quy định phải có giấy phép và Nghị định 136/2020/NĐ-CP cũng chưa có hiệu lực. Từ đó nhiều công trình xây dựng thời điểm trên chưa phù hợp với quy định tại thời điểm hiện nay (chiều cao các tầng, số tầng, lô gia, chiều rộng ban công…) và các yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC, lối thoát nạn theo Nghị định số 136 và QCVN 06:2022/BXD cũng chưa bảo đảm.

Từ ngày 1/2/2024, thị xã Việt Yên được thành lập, cùng đó có 9 xã lên phường. Theo quy định về quản lý đô thị thì việc xây dựng công trình phải có giấy phép. Khi lực lượng chức năng kiểm tra về PCCC, nhiều chủ cơ sở kinh doanh nhà trọ đưa ra vô vàn lý do. Lý do đầu tiên là do văn bản quy định có sự thay đổi nên chưa kịp bổ sung, hoàn thiện. Lý do thứ hai là khó khăn về kinh phí. Không ít công trình nhà trọ lâu nay chưa đạt yêu cầu PCCC, nay phải sửa lại, đầu tư hệ thống, trang thiết bị cho đúng với quy chuẩn sẽ tốn kém kinh phí và mất thời gian. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của họ và cuộc sống của người ở trọ. Lý do đưa ra nữa là nhà đã xây từ lâu, cải tạo, sửa chữa theo đúng quy định sẽ ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu thậm chí vi phạm quy định quản lý đô thị...

Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, nguyên nhân của việc tồn tại 418 nhà trọ cao tầng chưa bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và thoát nạn một phần là quy hoạch thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC liên tục điều chỉnh, sửa đổi song lại chưa đầy đủ gây khó khăn cho người dân, cơ sở trong tiếp cận, thực hiện. Một số nơi, chính quyền cấp phường, xã còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về xây dựng, về PCCC.

 Một nhà trọ ở phường Nếnh bịt kín sắt dạng "chuồng cọp".

Một nhà trọ ở phường Nếnh bịt kín sắt dạng "chuồng cọp".

Người đứng đầu địa phương chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa chú trọng công tác đầu tư, trang bị phương tiện cho hoạt động PCCC, tổ chức tập huấn cho lực lượng chữa cháy tại chỗ. Tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, PCCC còn phổ biến. Ví như ở một số nơi chủ nhà tự ý thiết kế nâng tầng, xây dựng, cải tạo, chuyển đổi công năng không bảo đảm điều kiện an toàn về thoát nạn, ngăn cháy. Trang bị thiếu hoặc chưa đầy đủ phương tiện chữa cháy; chưa thành lập hoặc chưa tập huấn cho công nhân, người thuê trọ kỹ năng kiến thức PCCC. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ chủ cơ sở kinh doanh, công nhân còn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác PCCC, còn chủ quan, coi nhẹ công tác này.

Lợi ích kinh tế trước mắt

Dân số thị xã Việt Yên hơn 265 nghìn người, trong đó có gần 50 nghìn người tạm trú. Mật độ dân số trung bình là 1.440 người/km2, cao hơn nhiều so với mật độ dân số trung bình toàn tỉnh. Những năm qua, thị xã đã tập trung nguồn lực theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, nhiều diện tích đất được chuyển đổi, hình thành các khu, cụm công nghiệp. Người dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, thu nhập chính là từ buôn bán nhỏ, kinh doanh nhà trọ, nhà hàng…

 Phường Quang Châu có đông lao động ngoại tỉnh thuê trọ.

Phường Quang Châu có đông lao động ngoại tỉnh thuê trọ.

Quá trình đô thị hóa, thị xã xuất hiện nhiều “làng trong phố”. Làng lên phố nhưng vẫn giữ những đặc điểm đặc trưng của làng cổ với đường đi nhỏ hẹp. Những con ngõ nhỏ "gánh" hàng chục nhà trọ cao tầng. Đất chật, người đông, không ít người dân chiếm dụng không gian vỉa hè để buôn bán, kinh doanh. Nhằm tận dụng thêm không gian sử dụng, nhiều chủ nhà trọ đã cơi nới xung quanh, quây khung, hàn kín tôn, sắt, thép, tạo thành những “chuồng cọp” để chống trộm. Điều này đã vô tình biến nhà trọ trở thành lô cốt bất khả xâm phạm, nếu xảy ra cháy không khác gì “nhốt người” trong đám cháy.

Một số nhà trọ khác thì xây ban công vươn ra khỏi diện tích đất được cấp từ 0,6- 0,9 m, thậm chí có nơi từ 1-1,2 m. Ngôi nhà có diện tích hạn chế song lại xây cao tới 7, 8 tầng hoặc cao hơn. Với hiện trạng này, các chủ cơ sở không thể lắp đặt thêm cầu thang bộ thoát hiểm ở bên ngoài. Bà Nguyễn Thị Th, chủ nhà trọ Minh Quân 1, phường Nếnh cho biết: “Thời điểm xây nhà trọ, chúng tôi không cần xin cấp phép xây dựng, cũng không cần thiết kế phương án an toàn PCCC; cứ tham khảo những nhà khác rồi về làm theo, cố gắng làm hết diện tích đất được cấp để có thêm phòng”. Có không ít căn nhà khi xây chỉ nhằm để ở, sau đó vì lợi ích kinh tế nên ngăn phòng cho thuê. Thêm phòng, thêm người, lại thêm thiết bị dùng điện công suất lớn như điều hòa, tủ lạnh, bếp điện, lò vi sóng... dẫn đến không chịu nổi tải điện, rất dễ dẫn đến quá tải, chập cháy.

Không riêng phường Nếnh, ở một số tổ dân phố tại phường Quang Châu cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhà trọ 7 tầng, 1 tum của anh Trịnh Hoàng Đ. ở thôn Núi Hiểu được xây dựng trên diện tích 120 m2 từ năm 2019, hiện có 30 phòng cho thuê. Toàn bộ xe mô tô, xe máy điện của công nhân được chủ nhà bố trí ở tầng 1. Do xây dựng từ thời điểm trước khi Nghị định số 136 có hiệu lực nên không có thiết kế, có tiền đến đâu hoàn thiện đến đó. Cả khu nhà trọ 7 tầng song lại chỉ có một cầu thang bộ duy nhất vừa làm lối đi, vừa làm lối thoát nạn khi có sự cố.

Khi đoàn công tác kiểm tra, anh Đ cũng nhận ra nhiều chỗ mất an toàn PCCC và thoát nạn nhưng cũng không biết làm thế nào. Bên cạnh đó, nhiều công trình chưa được cấp có thẩm quyền nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng. Ngày 5/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 45 triệu đồng đối với chủ cơ sở kinh doanh Hà Chuẩn Ch. ở thôn Kép, xã Việt Tiến do đưa công trình vào sử dụng khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về PCCC. UBND thị xã cũng ra quyết định xử phạt đối với 3 chủ nhà trọ do không khắc phục tồn tại theo yêu cầu của cơ quan chức năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên mức xử phạt vẫn còn thấp, chỉ từ 400 nghìn đồng đến 4 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN NỘI CHÍNH

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hoan-thien-he-thong-pccc-nha-tro-khong-the-tri-hoan-bai-2-quy-dinh-thay-doi-quan-ly-chua-chat-084608.bbg