Hoàn thiện hồ sơ để bảo tồn, phát huy giá trị 'Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ'
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 11/3 cho biết: UBND tỉnh Bắc Ninh vừa hoàn thiện Hồ sơ 'Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ' đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, gửi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xét đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn số 1918/BVHTTDL-DSVH đồng ý xây dựng hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam triển khai thực hiện xây dựng Hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" theo quy định và hướng dẫn của Công ước 2003, UNESCO; đưa Hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, bổ sung, chỉnh sửa, đến ngày 3/3/2020, hồ sơ đã hoàn thiện theo theo quy định và nộp về cơ quan Thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Theo các nhà nghiên cứu, Tranh dân gian Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt. Người xem có thể tìm thấy những hình ảnh quen thuộc trong tranh Đông Hồ như: Đám cưới chuột, những đàn lợn, đàn gà, những cô thiếu nữ hứng dừa hay cả cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ…
Tranh Đông Hồ là loại hình nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời, được cộng đồng người dân nơi đây sáng tạo, kết tinh, phát triển và tồn tại cho đến ngày nay. Trước đây, làng tranh Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh. Sau năm 1945, các dòng tranh dân gian Đông Hồ cùng với Hàng Trống, Kim Hoàng bị suy thoái dần, đứng trước nguy cơ mai một, làng Đông Hồ chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân duy trì nghề làm tranh. Đến năm 1990, một số nghệ nhân như Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam... đã sưu tầm tranh và các bản khắc chế để khôi phục lại dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Đến nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được quan tâm khôi phục, bảo vệ và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại. Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (đợt 1 - tháng 12/2012) ở loại hình nghề thủ công truyền thống.
Ngay từ tháng 7/2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến 2030” nhằm khẳng định, gìn giữ và phát huy giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ. Đồng thời, tỉnh xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này, nâng cao nhận thức, hành động của chính quyền, nhân dân địa phương trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của tranh dân gian Đông Hồ...