Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam
Nhân ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ VII, Trung ương Đoàn đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội tổ chức Hội thảo quốc tế 'Hoàn thiện khung pháp lý phát triển công tác xã hội tại Việt Nam' tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (Hà Nội) vào ngày 23/3/2023.
Hội thảo với mong muốn tiếp tục khẳng định vai trò của công tác xã hội và ghi nhận những đóng góp tích cực của những người làm công tác xã hội, đồng thời tiếp tục thúc đẩy công tác xã hội ở Việt Nam phát triển, góp phần xây dựng xã hội ngày càng dân chủ, công bằng, văn minh, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội thảo. Ảnh Cổng Thông tin Điện tử Trung ương Đoàn
Tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam...
Trên Thế giới, Công tác xã hội đã có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ và ngày nay đã trở thành một nghề chuyên nghiệp. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Công tác xã hội đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ những những nhóm người yếu thế.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; đồng chí Nguyễn Minh Triết - Bí thư Trung ương Đoàn và đồng chí Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tặng quà các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo. Ảnh Cổng Thông tin Điện tử Trung ương Đoàn
Với truyền thống của một dân tộc luôn biết đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành, đùm lá rách”, quan điểm “vừa quan tâm phát triển kinh tế, vừa quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh ngay trong quá trình phát triển. Các quy định của pháp luật và chính sách xã hội cũng được ban hành có bổ sung vai trò của Công tác xã hội như: Bộ luật Lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Nghị định Số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Từ năm 2010, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BNV ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội. Tiếp nối và thay thế Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV của Bộ trưởng Bộ LĐTB &XH và Bộ trưởng BNV quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH, năm 2022, Bộ LĐ-TB &XH ban hành TT số 26/2022/TT-BLĐTBXH quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành CTXH.
Hội thảo do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên, nghiên cứu viên ở trong nước và quốc tế.Ảnh Cổng Thông tin Điện tử Trung ương Đoàn
Ngày 25/03/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu điểm khởi đầu cho sự phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam. Tiếp nối Đề án 32, ngày 22/01/ 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định Số: 112/QĐ-TTg Ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Đặc biệt, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg về việc lấy ngày 25 tháng 3 hàng năm là “Ngày công tác xã hội Việt Nam”. Đây là dịp để tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời phần phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau; thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, nhiều vấn đề xã hội đang tiếp tục nảy sinh cần được quan tâm giải quyết, nhiều quy định pháp lý cần được quan tâm hoàn thiện.
Theo Ban tổ chức, hội thảo đã thu hút được hơn 70 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên, nghiên cứu viên ở trong nước và quốc tế. Khách mời tham dự hội thảo đến từ các Bộ, ngành, các tổ chức NGOs đang hoạt động tại Việt Nam, Hội, đoàn thể chính trị - xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở trợ giúp xã hội và các trường có đào tạo công tác xã hội trong nước và quốc tế; Các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế về công tác xã hội.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Định hướng phát triển Công tác xã hội tại Việt Nam thời gian tới; Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công tác xã hội và khuyến nghị đối với Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Khung pháp lý phát triển công tác xã hội.
Bên cạnh phiên toàn thể, hai phiên chuyên đề cũng được tổ chức. Trong đó, phiên chuyên đề 1 có chủ đề “Hoàn thiện khung pháp lý và dịch vụ công tác xã hội –Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam”. Nội dung tập trung vào các vấn đề: Tổng quan về phát triển công tác xã hội; Rà soát chính sách pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; Công tác xã hội trong lĩnh vực y tế; Công tác xã hội trong trường học; Khuyến nghị phát triển dịch vụ công tác xã hội ở Việt Nam; Tầm quan trọng sống còn của sự hợp tác với cộng đồng trong phát triển các dịch vụ bảo vệ trẻ em.
Phiên chuyên đề 2 có chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội”. Nội dung: Đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội; Xây dựng hệ thống kiểm huấn trong công tác thực hành công tác xã hội; Công tác xã hội với người lao động; Công tác xã hội với thanh thiếu niên; Nhu cầu và khuyến nghị phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội chuyên nghiệp; Kinh nghiệm về đào tạo thực hành công tác xã hội tại Mỹ; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nguồn nhân lực công tác xã hội.