Hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc

Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được xem là ưu tiên số một để phục vụ phát triển. Trong đó, việc nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc được xem là một trong những đột phá chiến lược.

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua H.Long Thành. Ảnh: Quỳnh Nhi

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua H.Long Thành. Ảnh: Quỳnh Nhi

* Phối hợp để đẩy nhanh tiến độ

Đồng Nai có vị trí địa lý quan trọng, nằm ở cửa ngõ phía Đông của đô thị lớn nhất cả nước - TP.HCM. Do đó, tỉnh có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông, nhất là các tuyến đường cao tốc ở khu vực phía Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GT-VT triển khai nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với quy mô lớn, mang tính đột phá qua địa bàn tỉnh như các đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng với các tuyến đường cao tốc là cơ hội cho Đồng Nai "cất cánh".

Đồng Nai cũng đã có kiến nghị đến Chính phủ sớm thực hiện đầu tư, xây dựng các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Đà Lạt. Đồng Nai cam kết thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, trong đó có các dự án xây dựng đường cao tốc.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng cho biết sẽ chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công các dự án đường cao tốc đang triển khai trên địa bàn có đủ nguồn vật liệu để thi công xây dựng dự án.

Với mong muốn nhanh chóng hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc trên địa bàn, Đồng Nai đã kiến nghị với Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để triển khai đầu tư, xây dựng các tuyến đường cao tốc. “Các dự án hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực mới để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

* Tăng kết nối, thúc đẩy phát triển

Năm 2015, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã giúp các phương tiện từ TP.HCM đi ngã tư Dầu Giây rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn 1 giờ, giảm hơn 2 giờ so với đi theo lộ trình cũ.

Tương tự, các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch như: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết; Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Đà Lạt khi hoàn thành xây dựng cũng sẽ gia tăng sự kết nối, rút ngắn thời gian lưu thông giữa Đồng Nai với các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như khu vực Đông Nam bộ với Tây Nam bộ, Tây nguyên và Nam Trung bộ. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng và khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào ngày 30-9 vừa qua, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và là một trong 3 đột phá chiến lược của đất nước. Thời gian qua, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc đã có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, trở thành động lực đánh thức tiềm năng của nhiều vùng, miền. Đường cao tốc mở đến đâu, kinh tế phát triển đến đó và người dân được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển này.

Đơn cử như đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, việc triển khai dự án sẽ kết nối, phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ cao tốc đã và đang được đầu tư trên địa bàn 2 địa phương Đồng Nai và Bình Thuận. Dự án rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch, mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ. Khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trong khu vực, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ cũng như từ Bắc vào Nam. “Tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành sẽ là cú hích cho các tỉnh và khu vực dự án đi qua mà trực tiếp là tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và góp phần khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương” - Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Quỳnh Nhi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202010/hoan-thien-mang-luoi-duong-cao-toc-3028576/