Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số
Ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hội Truyền thông số Việt Nam, Cục Báo chí và Tạp chí VietTimes phối hợp tổ chức Hội thảo 'Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số'.

Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật để Báo chí phát triển trong kỷ nguyên số”. Ảnh: bvhttdl.gov.vn
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật, đề xuất các quy định cụ thể, góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhận định, trong bối cảnh truyền thông toàn cầu chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng số, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh hành lang pháp lý cho báo chí.
Xác định rõ vai trò của tổ hợp báo chí truyền thông
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.
Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
Tại Hội thảo, nội dung về mô hình "tổ hợp báo chí truyền thông" đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Các đại biểu cho rằng, đây là lần đầu tiên mô hình này được đưa vào dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hệ thống báo chí Việt Nam.
Theo khoản 16 và 17, Điều 2 của dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, "tổ hợp báo chí truyền thông" được định nghĩa là mô hình hoạt động của cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí, có các cơ quan báo chí trực thuộc, doanh nghiệp trực thuộc, đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ. Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện là tổ hợp báo chí truyền thông hoạt động nhiều loại hình, nhiều dịch vụ, có vai trò nòng cốt định hướng dư luận xã hội, được có cơ chế hoạt động đặc thù.
Tiến sỹ Lê Hải, Trưởng ban Tạp chí Cộng sản điện tử đánh giá cao mô hình này và cho rằng, trong bối cảnh báo chí cần truyền tải thông tin nhanh, mạnh và toàn diện, việc tích hợp báo viết, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội là điều không thể thiếu.
Nêu một số ví dụ về sự hình thành và phát triển các tập đoàn truyền thông của nước ngoài, Tiến sỹ Lê Hải cho rằng, việc hình thành các tổ hợp truyền thông hoạt động tương tự như các tập đoàn truyền thông của nước ngoài là nhu cầu phát triển khách quan nội tại của báo chí Việt Nam. Việc tổ chức các tổ hợp truyền thông tại Việt Nam hiện nay là cần thiết.
“Đối với báo chí Việt Nam, mặc dù có những bước phát triển lớn, song so với khu vực và thế giới, truyền thông của Việt Nam có quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh còn hạn chế. Chúng ta rất cần những tập đoàn truyền thông lớn, những đầu tàu kéo kích thích cả lĩnh vực truyền thông phát triển, đồng thời có khả năng cạnh tranh với bên ngoài”, Tiến sỹ Lê Hải chia sẻ.
Cũng theo Tiến sỹ Lê Hải, tổ hợp truyền thông báo chí ra đời sẽ là nhân tố góp phần hoàn thiện những vấn đề đang còn khuyết thiếu và yếu của nền truyền thông nước ta như về thể chế, điều kiện, môi trường báo chí, mô hình tổ chức cơ quan báo chí, chiến lược quy hoạch...
Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng cho rằng, mô hình tổ hợp truyền thông báo chí đã được triển khai tại nhiều quốc gia. Mô hình báo chí Việt Nam có nhiều điểm khá tương đồng với Trung Quốc nên có thể tham khảo thêm ở quốc gia này. Tuy nhiên, để báo chí Việt Nam phát triển, ông Phạm Mạnh Hùng cho rằng, cần bám sát bối cảnh kỷ nguyên mới, kèm theo đó là các chính sách để phát triển.
Đóng góp thêm đề xuất tại dự thảo Luật Báo chí sửa đổi, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng kiến nghị quy trình cấp thẻ nhà báo cần có quy định ràng buộc trách nhiệm, để làm sao cấp thẻ nhanh nhưng khi vi phạm cũng thu hồi nhanh hoặc khi chuyển đơn vị công tác thì phải cấp thẻ luôn, bởi đây là điều kiện hoạt động với phóng viên.
Nêu ý kiến về nội dung bản quyền tác phẩm báo chí, bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc TTXVN cho biết, tại Điều 39 dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí phải thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan khi đăng, phát tác phẩm báo chí”. Bà Nguyễn Thị Sự cho rằng, điều này mới chỉ quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc thực hiện quy định về quyền tác giả, trong khi đối tượng cần bảo vệ là bản quyền đối với tác phẩm báo chí. Tác phẩm báo chí khi được đăng tải bởi các cơ quan báo chí hay các nền tảng, nhà mạng thì những đơn vị này đều cần thực hiện nghĩa vụ về bản quyền đối với các tác phẩm báo chí đó. Bà Nguyễn Thị Sự đề nghị cần quy định rõ hơn trong dự thảo Luật về nội dung này cũng như có các điều khoản xử lý mạnh mẽ hơn đối với hành vi vi phạm bản quyền, cũng là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tác giả.
Tìm hướng giải quyết bài toán tài chính của báo chí
Một trong những nội dung được quan tâm tại hội thảo là bài toán tài chính của báo chí. Theo các đại biểu, mô hình kinh tế báo chí hiện nay đang mất cân đối nghiêm trọng. Quảng cáo, vốn là nguồn thu chủ lực, đang dần rời bỏ báo chí truyền thống để tìm đến các nền tảng xuyên biên giới.
Ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, chỉ rõ thực trạng, báo chí hiện nay chủ yếu sống bằng ngân sách nhà nước, trong khi bán nội dung gần như không còn khả thi, quảng cáo sụt giảm và các nguồn viện trợ, tài trợ thiếu ổn định.
“Muốn báo chí phát triển bền vững, phải có cơ chế pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ tài chính và khuyến khích phát triển hệ sinh thái báo chí số”, ông Phùng Công Sưởng cho biết.
Nhà báo Phùng Công Sưởng đã góp ý một số nội dung dự thảo Luật, về hành lang pháp lý và cơ quan chủ quản báo chí, cần nghiên cứu lại mô hình cơ quan chủ quản báo chí sao cho phù hợp. Trong Luật nên có quy định rõ, cơ quan chủ quản là ai, trách nhiệm đến đâu… để báo chí phát triển độc lập và chuyên nghiệp hơn. Về kinh tế báo chí và nguồn thu. Báo chí hoạt động hiện nay được định nghĩa là cơ quan sự nghiệp có thu, nhưng đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được bài toán kinh tế báo chí, báo chí không thể phát triển.
Góp ý hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị, trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) quy định, những đơn vị nào kinh doanh sản phẩm về báo chí thì phải thỏa thuận, làm việc với cơ quan báo chí. Như vậy, các tòa soạn báo chí mới thu được tiền từ báo chí, chứ không phải đọc miễn phí như hiện nay.