HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP: VIỆT NAM CÓ THỂ HỌC HỎI, RÚT KINH NGHIỆM TỪ CÁC QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI
Đề cập về việc sửa đổi Luật phá sản, tại Hội thảo Hội thảo 'Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay' sáng 26/5, nhiều chuyên gia cho rằng, việc học hỏi, rút ra kinh nghiệm từ Luật Phá sản của các quốc gia trên thế giới là cần thiết để có thể sửa đổi sao cho phù hợp với doanh nghiệp, tình hình kinh tế của nước ta hiện nay…
Sáng 26/5, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội thảo.
Luật Phá sản năm 2014 được ban hành đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đang trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường một cách có trật tự.
Trước sự phát triển của tình hình thực tế và yêu cầu hội nhập quốc tế, trong những năm gần đây, khuôn khổ pháp lý về phá sản doanh nghiệp ở nước ta đã bộc lộ những thiếu sót, lạc hậu, chưa đồng bộ, toàn diện. Số lượng văn bản còn nhiều, nội dung không ít quy định đã không còn theo kịp với sự phát triển của thực tiễn, đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp khắc phục kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, không ít các doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam đã và đang gặp những khó khăn và nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia trình bày các vấn đề lý luận chung và thực trạng pháp luật về phá sản doanh nghiệp, những yếu tố tác động việc hoàn thiện pháp luật về phá sản doanh nghiệp ở nước ta.
Thông qua việc xác định doanh nghiệp, hợp tác xã có mất khả năng thanh toán hay không để Tòa án ra quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản, TS.Nguyễn Hải An, Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Theo quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Việc doanh nghiệp, hợp tác xã có khoản nợ quá hạn 03 tháng là khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc không thanh toán các khoản nợ quá hạn như: Tình trạng khó khăn, mắt cân đối tài chính tạm thời cùa doanh nghiệp, các bên có tranh chấp về chính khoản nợ đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể cố tình không chịu thanh toán nợ nhằm mục đích chiếm dụng vốn của chù nợ. Do đó, tổng hợp ý kiến rà soát về Luật Phá sản, VCCI có ý kiến: “Quy định này được hiểu, căn cứ để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản dựa vào khoảng thời gian không thanh toán được khoản nợ đến hạn. Căn cứ này vẫn chưa rõ ràng và chính xác để xác định một doanh nghiệp, hợp tác xã thực sự lâm vào tình trạng “mất khả năng thanh toán” và khó để phân biệt với tình huống “không chịu thanh toán”. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp có đầy đủ khả năng thanh toán nhưng do nhiều nguyên nhân không chịu thanh toán hoặc không thể thanh toán tại thời điểm bị đòi nợ (do chưa thu hồi được nợ…). Căn cứ này có khả năng trở thành “công cụ” để cho các đối tác “đòi nợ” lẫn nhau. Điều này có thể dẫn tới hậu quả là doanh nghiệp bị đòi nợ bị thiệt hại về uy tín và thiệt hại trên thực tế”.
Từ thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, Tòa án các cấp vẫn có sự không thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật khi đánh giá, xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Để khắc phục thực trạng nêu trên, có ý kiến cho rằng: “Đề nghị sửa Điều 4 Luật Phá sản 2014 theo hướng tăng thời hạn không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 6 tháng hoặc 01 năm, tức là chỉ được yêu câu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời gian 6 tháng hoặc 01 năm kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Ý kiến khác cũng cho rằng: “Cần xem xét quy định lại tiêu chí để đánh giá “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán” theo hướng tăng lên thời gian để doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ thời gian cần thiết thực hiện nghĩa vụ thanh toán đã đến hạn theo yêu cầu của chủ nợ cũng như thực hiện việc xoay vòng vốn nhằm phục vụ cho kế hoạch kinh doanh. Theo đó, TS.Nguyễn Hải An kiến nghị sửa đổi: “doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán” là hoàn toàn phù hợp.
Như trên đã phân tích, quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán vẫn chưa cụ thể, dẫn đến việc Tòa án các cấp đánh giá doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán có phải do làm ăn thua lỗ hay không để từ đó ra quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản còn chưa thống nhất. Do đó, theo TS.Nguyễn Hải An, cần quy định về tiêu chí xác định thật rõ ràng, cụ thể mất khả năng thanh toán là xác định các khoản nợ đến hạn và giá trị cụ thể của khoản nợ mà không phụ thuộc vào nhiều khoản nợ hay ít khoản nợ, cũng như xác định thời hạn quá hạn phù hợp với thực tế là bao nhiêu để xác đinh doanh nghiệp, hợp tác xã có bị coi là lâm vào tình trạng phá sản hay không. Vì vậy, căn cứ xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 có thể được sửa đổi, bổ sung như sau: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán bất kỳ khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần có giá trị lớn hơn tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp và bị chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần đòi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán hoặc đến thời điểm Tòa án quyết định việc mở thủ tục phá sản.
Việc học hỏi, rút ra kinh nghiệm từ Luật Phá sản của các quốc gia trên thế giới là hoàn toàn cần thiết
Trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp thì Luật Phá sản 2014 của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa sát với thực tiễn, tạo ra nhiều lỗ hổng trong công tác xử lý hậu quả và tịch thu tài sản… Để có thể đưa luật đi sát vào với thực tiễn trong hoạt động phá sản tại Việt Nam thì việc học hỏi, rút ra kinh nghiệm từ Luật Phá sản của các quốc gia trên thế giới là hoàn toàn cần thiết, qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
Theo Ths.Trần Trọng Đại - Giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, qua việc tìm hiểu pháp luật phá sản của một số nước trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay như: Việc quản lý tài sản và thanh lý tài sản trong quá trình phá sản nên nghiên cứu chỉ giao cho các cá nhân hành nghề độc lập (quản tài viên), chứ không nên trao thẩm quyền cho nhiều chủ thể như quy định của Luật Phá sản năm 2014 hiện nay. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ quản tài viên theo các tiêu chí và chuẩn mực nhất định để phù hợp với hoạt động của họ.
Mặt khác, thủ tục giải quyết phá sản, kể cả thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản chỉ nên trao thẩm quyền cho một đại diện của nhà nước tham gia, quyết định đó là thẩm phán của Tòa án. Có thể thấy pháp luật phá sản của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định thẩm phán là người trực tiếp giải quyết phá sản kể từ khi thụ lý cho đến khi chấm dứt thủ tục phá sản. Về vấn đề này Luật Phá sản năm 2014 của chúng ta đang có sự cắt khúc gián đoạn. Theo đó, trước khi có quyết định tuyên bố phá sản thì thẩm phán là người giải quyết việc phá sản. Còn sau khi có quyết định tuyên bố phá sản thì cơ quan thi hành án, chấp hành viên lại được trao quyền thi hành quyết định này. Điều này đã gây ra không ít khó khăn, bất cập cho cả quá trình giải quyết việc phá sản.
Ngoài ra, trình tự, thủ tục thanh lý tài sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản cần được quy định và áp dụng thống nhất bằng những quy định mang tính đặc thù của thủ tục phá sản để đảm bảo hiệu quả của việc giải quyết phá sản nói chung và việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản nói riêng.
Đề cập về việc hoàn thiện pháp luật phá sản phải bảo đảm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhất có thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, Ths.Hoàng Thị Kim Nhung (Bộ Tư pháp) cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) (ký kết vào 30/6/2019)..., các yêu cầu đối với cải cách thể chế nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập được đặt ra ngày càng cấp thiết. Một trong những yêu cầu của cải cách là đảm bảo sự tương thích của pháp luật Việt Nam với các thông lệ quốc tế, trong đó có những quy tắc liên quan đến phá sản doanh nghiệp.
Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự hiện diện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng sẽ khiến các vấn đề pháp lý phát sinh từ các trường hợp phá sản ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Các trường hợp phá sản liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi phải áp dụng các quy định mà các vụ việc thông thường không phát sinh như vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án, trọng tài nước ngoài, xác định người phải thi hành trong nước, nước ngoài, xác định pháp luật áp dụng, xác định thẩm quyền của quản tài viên trong việc quản lý giám sát tài sản của doanh nghiệp bị phá sản khi doanh nghiệp bị phá sản ở nước ngoài có công ty con tại Việt Nam...
Theo Ths.Hoàng Thị Kim Nhung, những vấn đề pháp lý trên vừa đòi phải nâng cao năng lực của thẩm phán, vừa đòi hỏi pháp luật về phá sản phải có những hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng về những vấn đề có thể phát sinh, đồng thời phải tăng cường việc ký kết các hiệp định về hỗ trợ và tương trợ tư pháp, thực hiện phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các cơ quan nhà nước trong và ngoài nước để đảm bảo giải quyết một cách thích hợp các tình huống giải thể, phá sản doanh nghiệp. Việc hoàn thiện pháp luật về phá sản doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả thực thi các quy định này trên thực tề cần đảm bảo các yêu cầu này.
Với tư cách là một thành phần quan trọng của thể chế kinh tế thị trường, việc hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định về phá sản doanh nghiệp cần được xem là yêu cầu quan trọng góp phần đảm bảo sự vận hành lành mạnh và bền vững của thị trường, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cụ thể, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 đã được thực hiện, từ đó đặt ra yêu cầu khắc phục các vướng mắc, bất cập phát sinh trong các quy định của Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành để nâng cao chỉ số phá sản doanh nghiệp, thu hút đầu tư và tạo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế nước ta.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, luật sư xung quanh việc hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Khẳng định việc hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay có ý nghĩa quan trọng và thực sự đang là những đòi hỏi ngày càng cấp thiết, TS.Lê Hải Đường cho rằng, trên cơ sở kết quả Hội thảo, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban chủ nhiệm đề tài sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến, đề xuất xác đáng của các đại biểu, chuyên gia, luật sư trong quá trình hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp cũng như sửa đổi Luật Phá sản./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76251