Hoàn thiện pháp luật trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam
Sáng 15-7, tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế), Bộ Công an tổ chức Hội thảo 'Hoàn thiện pháp luật trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam (TGTG)'. Trung tướng Nguyễn Văn Long- Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan quản lý TGTG Bộ Công an chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các cục, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan TGTG và đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, TP khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đại tá Phan Văn Dũng- Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng dự và trình bày tham luận tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long cho biết, Luật Thi hành TGTG có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, qua 6 năm thi hành đã đạt được kết quả hết sức thiết thực, góp phần quan trọng phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập cần xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Theo báo cáo tóm tắt của Cục Cảnh sát Quản lý TGTG và Thi hành án hình sự tại cộng đồng, qua 6 năm thực hiện Luật Thi hành TGTG (2018-2023), công tác quản lý, thi hành TGTG đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhận thức của Thủ trưởng Công an các cấp cũng như cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý giam giữ được nâng cao. Chất lượng, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý, thi hành TGTG có sự chuyển biến tích cực; an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ được bảo đảm, tỷ lệ can phạm nhân trốn, tự thương, tự sát, chết do bệnh lý được kéo giảm rõ rệt. Các chế độ, chính sách đối với can phạm nhân được thực hiện đầy đủ, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ công tác giam giữ được quan tâm đầu tư, xây dựng đã góp phần cải thiện điều kiện giam giữ, bảo đảm tốt hơn quyền của người bị TGTG và phạm nhân.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Thi hành TGTG vẫn còn hạn chế, vướng mắc như công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn gặp khó khăn do quy mô giam giữ ở một số cơ sở giam giữ, đặc biệt là các nhà tạm giữ được xây dựng từ lâu, các hạng mục công trình giam giữ không phù hợp với thực tế, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải. Nhiều cơ sở giam giữ có hạng mục công trình xuống cấp, thiếu buồng kỷ luật, buồng giam người đang chờ chấp hành án phạt tù, không đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, giam giữ. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ sở giam giữ đôi lúc còn chưa kịp thời về các thông tin liên quan đến người bị TGTG dẫn đến khó khăn trong công tác phân loại, quản lý, thi hành TGTG cũng như thực hiện các chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số đối tượng đưa vào các cơ sở giam giữ tiếp tục gia tăng, nhất là số người bị kết án tử hình... sẽ tác động trực tiếp đến công tác quản lý, thi hành TGTG. Vì thế yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với công tác quản lý, thi hành TGTG rất nặng nề. Do đó cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về công tác TGTG bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo Công an các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên và lãnh đạo các đơn vị đã nêu thực tiễn công tác TGTG tại đơn vị, địa phương; thảo luận, đánh giá về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp có hiệu quả trong công tác thi hành TGTG. Đồng thời thảo luận, đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, những quy định mới cần bổ sung vào Luật Thi hành TGTGT.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an biểu dương lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương dự họp, phát biểu nhiều ý kiến trách nhiệm, tâm huyết. Thứ trưởng đánh giá cao vai trò, ý nghĩa và kết quả đạt được của hội thảo để phục vụ việc sửa đổi Luật Thi hành TGTG.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, công tác TGTG có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng, là bộ phận cấu thành, không thể tách rời của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, phục vụ điều tra, truy tố, xét xử, giáo dục, cải tạo người phạm tội. Hiện công tác TGTG còn những tồn tại do khách quan khi quy định pháp luật chưa đầy đủ. Do đó, Thứ trưởng đề nghị việc nghiên cứu, đề xuất các quy định để sửa Luật Thi hành TGTG phải đảm bảo chặt chẽ, đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo, phục vụ tốt cho hoạt động nghiệp vụ Công an; đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách đối với các đối tượng TGTG và cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Long yêu cầu Cục Cảnh sát Quản lý TGTG và Thi hành án hình sự tại cộng đồng và các đơn vị liên quan tập hợp, tiếp thu các ý kiến tại hội thảo để báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo công tác và phục vụ nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật để sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành TGTG.