HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM
Sáng 31/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ (ĐTCB.2021-01) tổ chức hội thảo 'Pháp luật về hoạt động của chính quyền đô thị ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp'. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.
SỬA ĐỔI, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH CỦA LUẬT NHÀ Ở ĐẢM BẢO PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN, THỐNG NHẤT TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT
VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP PHỐI HỢP TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Tham dự hội thảo có: đại diện các cơ quan liên quan, các chuyên gia nhà khoa học đến từ Bộ Nội vụ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội,... ; lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, trên thế giới hiện nay có nhiều đô thị lớn có tốc độ phát triển rất nhanh. Chính phủ nhiều nước đã lựa chọn đúng đắn mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với hoàn cảnh, tình hình kinh tế - xã hội của đô thị, quốc gia; nhờ đó đã khai thác được những thế mạnh của đô thị, đưa ra được những chính sách, phương án quy hoạch đô thị hợp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đô thị nói riêng cũng như sự phát triển của vùng, quốc gia nói chung.
Ở Việt Nam, từ Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua, trong các văn kiện, phát triển đô thị được coi là “chiến lược” và đặc biệt coi trọng chiến lược, tư duy, tầm nhìn, công cụ và chính sách để phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Đây là cơ sở quan trọng để các đô thị trong toàn quốc có nhiều cơ hội phát triển một cách cách bài bản, đồng bộ hơn.
Nhấn mạnh xây dựng mô hình chính quyền đô thị là một quá trình lâu dài và phức tạp, TS. Lê Hải Đường cho rằng, Đề tài khoa học cấp bộ “Hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay” sẽ góp phần xây dựng luận cứ khoa học phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH và các cơ quan hữu quan trong việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở Việt Nam phù hợp với đặc điểm của chính quyền đô thị ở các cấp và các loại đơn vị hành chính lãnh thổ, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, vùng miền trong cả nước.
Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung đánh giá, làm rõ thực trạng pháp luật, thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị tại Việt Nam hiện nay, từ những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập, luận giải các nguyên nhân. Đồng thời, cho ý kiến về lộ trình, điều kiện để tiếp tục triển khai hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0. Từ đó, đề xuất các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị; kiến nghị phương hướng, giải pháp cụ thể góp phần hoàn thiện pháp luật về hoạt động của chính quyền đô thị.
Theo các chuyên gia, sự phát triển nhanh về số lượng, quy mô cùng với xu hướng liên kết giữa các đô thị trong sự phát triển đất nước đang đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu giải quyết về chiến lược, chính sách phát triển; về nội dung, phương thức quản lý đô thị cũng như về mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy các đô thị phát triển nhanh, bền vững.
Nhận định mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương đã từng bước đổi mới, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho sự phát triển chung của các đô thị. Tuy nhiên, so với những yêu cầu đô thị hóa và phát triển đô thị ở nước ta hiện nay, hệ thống pháp luật về chính quyền đô thị vẫn còn những hạn chế, bất cập, cụ thể như: Chưa phân biệt rõ ràng, cụ thể về tổ chức, hoạt động giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn; Chức năng, thẩm quyền của các cấp chính quyền đô thị còn chưa thật sự sát hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị và của quản lý nhà nước ở đô thị;…
Cũng theo các chuyên gia, pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị còn thiếu hệ thống, cụ thể và chưa kịp thời. Mặt khác, các quy định về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị còn nằm rải rác tại nhiều văn bản khác nhau gây nên tình trạng khó áp dụng một cách thống nhất. Ngoài ra, quy định pháp luật trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước tại đô thị vẫn còn bất hợp lý như quy định về quy hoạch, đất đai, kết cấu hạ tầng đô thị, nhà ở,...
Đưa ra định hướng hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị, các chuyên gia nhấn mạnh, cần quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, cần hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Đổi mới quản lý công chức, công vụ tại cơ quan hành chính ở các đô thị; Nghiên cứu thiết lập chế độ tự quản địa phương; …
Bên cạnh đó các chuyên gia cũng lưu ý, cần phát huy được tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại, tạo sự công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ đô thị.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia còn cho ý kiến và đóng góp cụ thể vào Báo cáo tóm tắt của Đề tài khoa học. Đánh giá đây là đề tài khó, có tính mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, các chuyên gia cơ bản đồng tình với nhiều nội dung tại dự thảo Báo cáo tóm tắt. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện, khuyến nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài cần rà soát, làm rõ hơn khái niệm đô thị, các mô hình đô thị; phân tích kỹ nội dung liên quan đến tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị; tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế về chính quyền tự quản địa phương;... Đồng thời, quan tâm thêm những tiêu chí để làm cơ sở tổ chức bộ máy, chính quyền đô thị gọn nhẹ, đơn giản, không chia thành nhiều cấp hành chính để chính quyền đô thị quản lý thống nhất.
Liên quan đến tổ chức và hoạt động quản lý của chính quyền đô thị hiện nay đang làm thí điểm tại Tp. Hà Nội, Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá toàn diện, có hợp lý hay không hợp lý; Đô thị - thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần phải được nghiên cứu, tính toán không nên có tư duy là “cấp quận”....
Phát biểu tại hội thảo, Ths. Nguyễn Thị Hường, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội – Chủ nhiệm Đề tài nhấn mạnh sự cần thiết, phạm vi nghiên cứu cũng như kết cấu cơ bản và nội dung trọng tâm Đề tài đã triển khai. Tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, Ths. Nguyễn Thị Hường cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng nhằm hoàn thiện nội dung Đề tài đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra.
Kết luận hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý tại hội thảo. Đồng tình với nhiều nhận định đưa ra, TS. Lê Hải Đường đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý trên cơ sở bám sát đề Đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt. Đồng thời, cần tiếp tục làm rõ và nổi bật hơn về các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở Việt Nam đảm bảo tính khả thi và ứng dụng cao trên hoạt động thực tiễn.
Một số hình ảnh tại Hội thảo khoa học:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=74473