Hoàn thiện pháp lý để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo lần thứ 3 Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Vậy dự thảo lần này sẽ phải giải quyết được những bất cập nào trên thị trường xăng dầu hiện nay?

Có nhiều quy định mới

Hiện nay, giá xăng dầu do Nhà nước công bố mức tối đa định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở. Theo cơ chế này, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá, can thiệp quá sâu vào quyết định giá của doanh nghiệp. Kết luận Thanh tra Chính phủ gần đây đã chỉ ra rằng, việc xây dựng giá cơ sở có nhiều tồn tại, bất cập, dẫn đến chưa theo sát thị trường, ảnh hưởng đến việc tạo nguồn và phân phối xăng dầu. Do vậy, cần có cơ chế mới thay cho cơ chế điều hành giá hiện nay và cần được công khai, minh bạch để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo được và quyết định tự công bố giá theo quy định của pháp luật. Đây cũng là cơ chế điều hành mà nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đang áp dụng.

Theo Bộ Công Thương, xăng dầu là một trong 9 loại hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá nên cần có cơ chế quản lý. Do vậy, dự thảo Nghị định lần này quy định Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.

Cần có cơ chế điều hành giá xăng dầu mới

Cần có cơ chế điều hành giá xăng dầu mới

Chi phí kinh doanh định mức hiện hành được sử dụng làm gốc để tính toán chi phí kinh doanh định mức hàng năm. Khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính công bố chi phí kinh doanh định mức được sử dụng làm gốc. Chi phí kinh doanh định mức hàng năm được điều chỉnh tăng, giảm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI thực tế bình quân của năm trước do Tổng cục Thống kê công bố. Định kỳ 3 năm/lần, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan rà soát, công bố chi phí kinh doanh định mức được sử dụng làm gốc, phù hợp với tình hình thực tế để thương nhân thực hiện.

Trường hợp chi phí kinh doanh định mức biến động bất thường, tác động đến nguồn cung xăng dầu và có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát chi phí kinh doanh định mức được sử dụng làm gốc trước thời hạn định kỳ và công bố để thương nhân thực hiện…

Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, các thương nhân bán xăng dầu tại địa bàn này được quyết định giá bán lẻ xăng dầu tăng thêm tối đa không vượt quá 2% giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại Điều 34 Nghị định do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu công bố. Đây là cải cách giúp thương nhân kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí kinh doanh định mức như hiện nay. Doanh nghiệp phải công bố giá đúng theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc công bố giá này.

Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời gian qua, việc trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo từng kỳ điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có ý kiến về việc bình ổn giá xăng dầu hiện nay được thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời gian cụ thể là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.

Do vậy, Dự thảo Nghị định quy định rõ trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Giá, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

Trao quyền tự quyết cho doanh nghiệp nhưng vẫn cần quản lý

Bình luận về việc cho doanh nghiệp tự tính toán và quyết định giá bán lẻ dựa trên chi phí cố định đã được nhà nước công bố, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điều này là cần thiết và phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, cần cân nhắc, tính toán kỹ để tránh tình trạng độc quyền, đồng thời cân bằng lợi ích giữa các doanh nghiệp xăng dầu trong chuỗi cung ứng.

Về việc có nên tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết, có nhiều ý kiến trái chiều. Phía cơ quan nhà nước cho rằng vẫn nên tồn tại, còn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và nhiều chuyên gia kinh tế thì cho rằng không nên. Mỗi phía có những ý kiến lập luận riêng của mình. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ gần đây cho thấy, Bộ Công Thương chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung về phương pháp xác định mức trích, chi quỹ tính cho một đơn vị sản lượng, khi bình ổn giá theo Thông tư liên tịch số 39/2014/TT/BCT-BTC quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng quỹ và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Thông tư số 103/2021/TT-BCT, dẫn đến việc từ năm 2017 đến năm 2021, liên bộ Công thương - Tài chính quyết định mức trích, chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thiếu cơ sở pháp luật.

“Thực tế cũng cho thấy, có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý, gây bất ổn thị trường”, ông Long nói thêm.

Các doanh nghiệp xăng dầu thì cho rằng, quỹ bình ổn giá không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với doanh nghiệp. Để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh, doanh nghiệp không thể trông chờ, ỷ lại vào quỹ bình ổn, mà phải sử dụng các phương thức công cụ khác, thuế, đặc biệt là công cụ hedging. Do vậy, về lâu dài cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Trần Hương – Hoàng Quỳnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hoan-thien-phap-ly-de-xang-dau-van-hanh-theo-co-che-thi-truong-153863.html