Hoàn thiện quy định pháp lý giúp người lao động tiếp cận nhà ở xã hội

Chia sẻ quan điểm về vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân bên lề Quốc hội ngày 8/6, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này và cho rằng, cần bổ sung các quy định cụ thể trong việc xác định chủ đầu tư, làm rõ hơn các hình thức tổ chức quản lý, giúp người lao động sớm tiếp cận được nhà ở xã hội.

Hai tòa nhà thuộc Dự án nhà ở xã hội N01, N02 nằm trong khu dân cư số 3, thành phố Bắc Giang. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Hai tòa nhà thuộc Dự án nhà ở xã hội N01, N02 nằm trong khu dân cư số 3, thành phố Bắc Giang. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Quy định về xây nhà ở xã hội còn nhiều bất cập

Nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ luôn lắng nghe, kịp thời có động thái tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chương trình, dự án phát triển nhà ở hiện nay. Qua thực tiễn công tác quản lý nhà nước ở địa phương về nhà ở, đại biểu thấy có nhiều vấn đề đang vướng do quy định của luật hiện hành. Theo khảo sát, 70% các dự án nhà ở đang gặp vướng mắc về mặt pháp lý. Việc sửa đổi Luật Nhà ở có liên quan đến nhiều luật khác như: Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư… Do đó, cần phải có sự rà soát, đối chiếu để đảm bảo các quy định thống nhất, đồng bộ, sát thực tế, từ đó mới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.

Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre), việc bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đô thị cần phải tách bạch trong các dự án đô thị. Luật hiện hành chỉ quy định nhà ở xã hội đối với dự án thuộc các đô thị loại III trở lên, còn ở đô thị loại IV, loại V vẫn chưa có quy định. Do đó, địa phương lúng túng không biết áp dụng tỷ lệ bao nhiêu phần trăm (%). Trong khi đó, các nhà máy, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có khuynh hướng dịch chuyển về các đô thị loại IV, loại V để thuận lợi trong việc tuyển dụng lao động. Cho rằng, các doanh nghiệp này cần phải có chỗ ở cho công nhân nhưng đang gặp nhiều vướng mắc về quy định, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị bổ sung quy định về xây dựng nhà ở xã hội, khu lưu trú cho công nhân ở các đô thị loại IV, loại V.

Về công tác quy hoạch phát triển nhà ở, từ thực tế địa phương cũng như qua theo dõi lĩnh vực xây dựng trên cả nước, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, vấn đề vướng lớn nhất là pháp lý liên quan đến quy hoạch. Theo quy định hiện hành, một dự án phải có đủ 4 loại quy hoạch theo thứ tự: Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết và Dự án, nhưng quá trình phê duyệt các dự án đầu tư nhà ở không đơn giản. Trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này, đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy trình phê duyệt dự án sao cho ngắn gọn, cơ bản là phải tuân thủ quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, còn quy hoạch chi tiết và dự án sẽ cân nhắc quy định cho phù hợp.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) phân tích thêm: Việc dự thảo Luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội như Luật Nhà ở hiện hành là chưa phù hợp. Vì ngoài việc bố trí 20% quỹ đất, chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội.

Cần bao quát các đối tượng thụ hưởng

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay, trên địa bàn các tỉnh, bên cạnh các khu công nghiệp, còn có khu kinh tế và có rất nhiều các cụm công nghiệp đang thu hút số lượng lớn công nhân lao động. Do vậy, nếu dự thảo luật chỉ ưu tiên công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp mới được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là chưa bao quát hết các đối tượng khó khăn. Trong khối lực lượng công nhân lao động, một số lực lượng công nhân lao động chất lượng cao, được hưởng mức lương, thu nhập cao, họ có đủ điều kiện để chăm lo cuộc sống cho bản thân và gia đình. Đối tượng này chưa nhất thiết phải thực hiện chính sách hỗ trợ.

Để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, đại biểu cho rằng cần sửa quy định thành: “Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”.

Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, hiện nay, nhiều địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị, không bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành, việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Việc chưa thực hiện nghiêm việc bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Do vậy, cần có chế tài cụ thể trong việc trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Làm rõ hơn các hình thức quản lý

Đại biểu Võ Mạnh Sơn đồng tình với nhiều ý kiến ủng hộ và thống nhất với việc dự thảo quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, đối tượng được hưởng chính sách xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một chủ thể có vai trò quan trọng, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn trong việc đầu tư, vận hành thiết chế của Công đoàn hiện nay.

Việc chăm lo nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Do vậy, nguồn lực để thực hiện đầu tư cần có sự chung tay của cả nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách công đoàn và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.

Đồng tình với quan điểm này nhưng theo đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa), cần làm rõ việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư, nguồn vốn đầu tư ở đâu, nằm trong kế hoạch đầu tư công hay nguồn vốn hợp pháp nào. Đại biểu cho rằng, bên cạnh hình thức bán cho công nhân, nên mở rộng thêm hình thức “cho thuê” sẽ phù hợp hơn đồng thời mở rộng đối tượng tiếp cận đến các gia đình chính sách, người thu nhập thấp, người nghèo, cận nghèo…

Phân tích sâu hơn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Hà Nội) cho rằng, việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở cho công nhân là phù hợp nhưng cần được quy định rõ trong luật: Nếu đầu tư, việc quản lý và giao sử dụng như nào. Mặt khác, việc xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng (Điều 84) chưa thống nhất với Luật Giá (sửa đổi) cần được đề cập kỹ lưỡng hơn trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định rõ chất lượng xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo các tiêu chí theo yêu cầu mới. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người dân muốn bán khi không còn nhu cầu sở hữu nhà ở xã hội, chủ đầu tư không nên có sự phân biệt khi ghi tên ở từng khu như: Khu nhà ở dành cho công nhân, khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp...

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/hoan-thien-quy-dinh-phap-ly-giup-nguoi-lao-dong-tiep-can-nha-o-xa-hoi-20230608162028790.htm