Hoàn thiện quy định từ giám sát cải cách thủ tục hành chính

Ngoài phát hiện hạn chế, kiến nghị giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định liên quan công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật như: sửa đổi quy định về thời hạn thực hiện TTHC liên quan cấp giấy chứng nhận quyển sử dụng đất lần đầu; kịp thời ban hành quy định quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ đo đạc; sửa đổi quy định về chuyển giao bưu chính công ích tiếp nhận, trả kết quả TTHC… được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện.

Hạn chế việc giải quyết hồ sơ trễ hạn tại các địa phương

Đất đai là một trong ba lĩnh vực Ban Pháp chế lựa chọn giám sát, bởi đây là lĩnh vực cử tri có nhiều ý kiến phản ánh; kết quả giám sát cho thấy, hồ sơ trễ hạn ở lĩnh vực này là một thực tế không dễ khắc phục được dù đã triển khai nhiều giải pháp, bởi một số quy định về thời gian giải quyết TTHC liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) lần đầu chưa hợp lý.

Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam làm việc với Sở Tư pháp. Ảnh: T. Hiền

Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam làm việc với Sở Tư pháp. Ảnh: T. Hiền

Đơn cử về thủ tục liên quan cấp giấy chứng nhận QSDĐ, theo quy định hiện hành tại Quyết định 1389/QĐ-UBND ngày 24.5.2021 của UBND tỉnh, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu là 30 ngày. Trong 30 ngày đó, UBND cấp xã có 15,5 ngày thực hiện niêm yết, xác nhận hồ sơ. Tuy nhiên, theo Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thi hành, chỉ riêng thủ tục niêm yết đã hết 15 ngày, các công việc còn lại không thể thực hiện đúng như thời hạn quy định, dẫn đến tình trạng giải quyết hồ sơ liên quan cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu trễ hạn, gây bức xúc, phiền hà cho nhân dân.

Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá lại để điều chỉnh quy trình nội bộ tại Quyết định số 1389/QĐ-UBND đối với các thủ tục có quy định thời gian chưa hợp lý, nhất là TTHC phức tạp, cần có đủ thời gian xác minh, thẩm định. Tiếp thu kiến nghị này, ngày 22.6.2023, tại Công văn 3923/UBND-NCKS, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu chuẩn hóa bộ TTHC liên quan; xem xét tham mưu tách riêng thủ tục về xác nhận nguồn gốc đất trong quy trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu để hạn chế việc giải quyết hồ sơ trễ hạn tại các địa phương.

Quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ đo đạc

Đo đạc, lập bản đồ địa chính là một trong các hoạt động dịch vụ ở lĩnh vực đất đai được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ, do Văn phòng Đăng ký đất đai, các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc đơn vị đo đạc thực hiện. Mặc dù đây không phải là một TTHC nhưng liên quan mật thiết đến quy trình thực hiện và quyết định việc thực hiện TTHC đúng hạn hay trễ hạn. Đa số các trường hợp trễ hạn được thống kê đều do kết quả đo đạc chậm trễ hoặc thiếu chính xác.

Theo phản ánh của địa phương thì nhân lực, máy móc, trang thiết bị của Văn phòng Đăng ký đất đai, các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chưa đáp ứng đủ nhu cầu đo đạc, nhất là ở các địa phương có nhu cầu lớn. Do vậy, phần lớn việc đo đạc do các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện nhưng hiện chưa có các quy định rõ ràng, cụ thể để quản lý, kiểm soát hoạt động các đơn vị cung cấp dịch vụ này khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Đơn cử như quy định thời hạn trả kết quả đo đạc, trong khi tỉnh quy định Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh phải trả kết quả trong thời hạn 45 ngày; đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ vẫn chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm về chất lượng, thời hạn cung cấp kết quả đo đạc khiến người dân - chủ thể được cung cấp dịch vụ chỉ biết chờ đợi. Theo nhiều địa phương, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bức xúc và kéo giảm chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Qua giám sát, Ban Pháp chế kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu ban hành quy định quản lý dịch vụ đo đạc theo hướng tăng cường trách nhiệm các đơn vị cung cấp dịch vụ, quy định rõ các điều kiện được phép hoạt động, địa bàn hoạt động để bảo đảm quyền lợi của người dân, bảo đảm tính minh bạch trong cung cấp các dịch vụ liên quan ở lĩnh vực được đánh giá phức tạp và nhạy cảm.

Điều chỉnh lĩnh vực chuyển giao bưu chính công ích

Mặc dù việc chuyển giao bưu chính công ích (BCCI) tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giảm tải khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC. Tuy nhiên, giám sát trực tiếp việc chuyển giao BCCI lĩnh vực tư pháp, hộ tịch lại cho thấy việc chuyển giao BCCI đối với một số thủ tục chưa mang lại kết quả như kỳ vọng và cần điều chỉnh. Việc chuyển giao TTHC này không mang lại hiệu quả và tiềm ẩn rủi ro pháp lý khi người yêu cầu nhận kết quả phải chờ lâu hơn, mất thời gian đi lại giữa bộ phận một cửa và Phòng Tư pháp để thực hiện các thủ tục chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Giải quyết bất hợp lý này, Đoàn Giám sát kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2114/QĐ-UBND ngày 12.8.2022 phù hợp với pháp luật chuyên ngành của từng lĩnh vực. Riêng đối với việc tiếp nhận các TTHC thuộc lĩnh vực chứng thực phải do công chức tư pháp cấp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã thực hiện nhằm bảo đảm quy định pháp luật, giúp quản lý nhà nước về công tác chứng thực đạt hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người dân khi tham gia giao dịch. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu thực hiện. Hiện, Sở đang phối hợp với Sở Tư pháp tổng hợp các vướng mắc phát sinh để điều chỉnh Quyết định 2114 theo kiến nghị qua giám sát.

THÀNH NHÂN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/hoan-thien-quy-dinh-tu-giam-sat-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-i334245/