Hoàn thiện thể chế, chính sách về VHNT cần được xem là một nhiệm vụ quan trọng

Sau 50 năm thống nhất đất nước, VHNT Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, phản ánh sâu sắc hiện thực đời sống, giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số hiện nay, việc hoàn thiện thể chế, chính sách về VHNT càng trở nên cấp thiết.

Khát vọng đưa nền văn học, nghệ thuật nước nhà bước vào kỷ nguyên mới

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, trong 50 năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật đã thiết lập những chế định quan trọng, cơ bản nhất; khẳng định quyền văn hóa của tất cả công dân Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Hội nghị

Trong đó, có quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa, quyền được sáng tạo, trình diễn, thực hành văn hóa, nghệ thuật, quyền được tôn trọng biểu đạt đa dạng văn hóa theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với các nguyên tắc và các chuẩn mực quốc tế.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, đất nước ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách về VHNT cần được xem là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Để hiện thực hóa điều đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề xuất một số định hướng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về VHNT: Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực VHNT. Có chính sách đột phá phát triển nhân lực VHNT bảo đảm về chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên, đặc biệt quan trọng.

Đổi mới cơ chế đầu tư phát triển VHNT. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, lấy trọng tâm là phát triển đời sống văn hóa cơ sở và hạ tầng, thiết chế, không gian văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ưu tiên xây dựng chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, trọng tâm là các nhóm chính sách hoàn thiện thị trường văn hóa; chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành sản phẩm có giá trị cạnh tranh; khuyến khích hợp tác công tư để nâng cao năng lực khai thác kết cấu hạ tầng và huy động tài chính trên thị trường văn hóa…

Tập trung hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025), diễn ra cuối tuần vừa qua, vấn đề hoàn thiện thể chế, chính sách về văn học, nghệ thuật sau 50 năm thống nhất đất nước nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

“Sự nghiệp hoàn thiện thể chế, chính sách cho VHNT là trách nhiệm không chỉ của ngành văn hóa mà là sứ mệnh chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chỉ khi các nghệ sĩ được tạo điều kiện tự do sáng tạo, các tác phẩm có giá trị được tôn vinh, khán giả được giáo dục thẩm mỹ, xã hội có được một môi trường văn hóa lành mạnh - thì VHNT Việt Nam mới thật sự trở thành sức mạnh mềm quốc gia, dẫn bước cho đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định.

Chính sách cho VHNT cần được đặt ở vị trí trung tâm, như một động lực quan trọng góp phần định hình bản sắc dân tộc, nâng cao tầm vóc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế

Chính sách cho VHNT cần được đặt ở vị trí trung tâm, như một động lực quan trọng góp phần định hình bản sắc dân tộc, nâng cao tầm vóc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế

VHNT cần đặt ở vị trí trung tâm

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội chia sẻ, nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy rằng dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển VHNT, nhưng vẫn còn những khoảng trống cần được lấp đầy, những rào cản cần được tháo gỡ.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, chúng ta cần một chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn, không chỉ dừng lại ở hỗ trợ vật chất mà còn là sự đầu tư về tư duy, tầm nhìn, chiến lược phát triển dài hạn.

VHNT không thể bị xem như một lĩnh vực "bên lề" trong các chính sách phát triển quốc gia, mà cần được đặt ở vị trí trung tâm, như một động lực quan trọng góp phần định hình bản sắc dân tộc, nâng cao tầm vóc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Chính sách cho VHNT cần được đặt ở vị trí trung tâm, như một động lực quan trọng góp phần định hình bản sắc dân tộc, nâng cao tầm vóc văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Những nhà văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, đạo diễn… chính là những người "giữ lửa" cho nền văn hóa Việt Nam. Họ cần một môi trường sáng tạo thực sự cởi mở, nơi những ý tưởng táo bạo, những góc nhìn mới mẻ không bị kìm hãm bởi những rào cản vô hình.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chúng ta cần một cơ chế quản lý linh hoạt hơn, cởi mở hơn, đồng thời vẫn đảm bảo được tính định hướng, phù hợp với những giá trị văn hóa và đạo đức xã hội.

“Việc bảo vệ quyền lợi cho văn nghệ sĩ cũng là một vấn đề quan trọng, bởi nếu không có sự trân trọng dành cho những người làm nghệ thuật, nếu những tác phẩm tâm huyết bị sao chép, đánh cắp một cách dễ dàng mà không có biện pháp bảo vệ chặt chẽ, thì sẽ rất khó để khuyến khích sáng tạo phát triển”- ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số, VHNT không còn bó hẹp trong những khuôn khổ truyền thống mà đang mở ra những chân trời mới, nơi công nghệ có thể trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực để đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế.

Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, chúng ta cần có những chính sách phù hợp để tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ, từ việc số hóa di sản văn hóa, phát triển nền tảng xuất bản trực tuyến, hỗ trợ các nền tảng nghe nhìn trong nước, đến việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025)

Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025)

“Một nền VHNT phát triển mạnh mẽ không chỉ làm giàu thêm đời sống tinh thần của nhân dân, mà còn là một cách để khẳng định vị thế của Việt Nam trong bản đồ văn hóa thế giới.

Chúng ta từng tự hào với một nền văn học dân gian phong phú, với những áng thơ ca, tiểu thuyết đi vào lòng người, với những tác phẩm điện ảnh gây tiếng vang, với những giai điệu âm nhạc mang đậm hồn dân tộc… Nhưng để giữ vững niềm tự hào ấy trong thời đại mới, cần có một sự đổi mới mạnh mẽ, một chiến lược phát triển bài bản, một quyết tâm chính trị và sự chung tay của toàn xã hội”- ông Bùi Hoài Sơn nhìn nhận.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, VHNT Việt Nam sẽ không chỉ phát triển bền vững mà còn có cơ hội bứt phá mạnh mẽ, trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế sáng tạo toàn cầu, vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc, vừa hòa nhập sâu rộng vào dòng chảy văn hóa thế giới.

“Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng những người làm nghệ thuật, mà là nhiệm vụ chung của cả xã hội, của những nhà hoạch định chính sách, của các doanh nghiệp, và của mỗi công dân Việt Nam - những người đang thụ hưởng và gìn giữ những giá trị văn hóa vô giá của dân tộc”- PGS. TS. Bùi Hoài Sơn bày tỏ.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/hoan-thien-the-che-chinh-sach-ve-vhnt-can-duoc-xem-la-mot-nhiem-vu-quan-trong-129931.html