Hoàn thiện thể chế hướng đến lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp
Ngày 5/4, tại Quảng Ninh, Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp chí Pháp luật & Phát triển phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế 'Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp'.

Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nhấn mạnh, hội thảo với chủ đề có tính lý luận cao-nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" được phân tích, mổ xẻ từ nhiều góc độ khác nhau, áp dụng cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống và chủ đề của hội thảo được lựa chọn có ý nghĩa đối với Việt Nam.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có hoàn thiện pháp luật, lĩnh vực pháp luật có sự thay đổi, bổ sung và hoàn thiện nhiều nhất có lẽ là lĩnh vực pháp luật kinh tế, kinh doanh.
Điều này đem lại sự hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, với những số liệu, sự khẳng định từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, từ thực tiễn, có thể thấy vẫn còn một số vấn đề, tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho rằng, hội thảo có cách tiếp cận rất mới, rất sáng tạo đối với nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và nguyên tắc này càng trở nên hữu ích khi pháp luật sẽ không có quy định quá chi tiết và sẽ giành quyền cho địa phương theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh mong muốn các ý kiến tại hội thảo sẽ giúp cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế của Quảng Ninh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, phát biểu chào mừng hội thảo.
Các ý kiến thảo luận tại hội thảo đều chỉ rõ, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tạo lập một môi trường pháp lý công bằng, bền vững là yêu cầu cấp bách, nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ không chỉ là lẽ sống của mỗi người, mà còn là một cơ sở quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa các bên liên quan từ nhà đầu tư đến Chính phủ, nhà nước, xã hội, người dân cần được ghi nhận để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa nguyên tắc này trong pháp luật và tổ chức thi hành nguyên tắc là thách thức, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đây là lúc cần pháp luật để bảo đảm công bằng, minh bạch và áp dụng thống nhất.

Các đại biểu tham dự hội thảo.