Hoàn thuế đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đẩy nhanh hoàn thuế cho doanh nghiệp, cơ quan thuế các cấp đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh hoàn thuế cũng phải trên cơ sở kiểm duyệt chặt chẽ để không gây rủi ro thất thu ngân sách nhà nước.
Kiểm tra trước, hoàn thuế sau nếu có rủi ro
Tổng cục Thuế cho biết, tính từ ngày 1/1/2023 đến 21/6/2023, tổng số doanh nghiệp (DN) tham gia hoàn thuế điện tử là 5.247 trên tổng số 5.280 DN hoàn thuế, đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận hoàn điện tử là 8.523 hồ sơ trên tổng số 8.561 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%. Nhìn vào những con số trên cho thấy bước tiến vượt bậc của ngành Thuế trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, đặc biệt là hỗ trợ cho DN thực hiện pháp luật thuế được nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, quy định hiện hành về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) rất rõ ràng, dễ hiểu. DN chỉ cần đáp ứng những điều kiện cụ thể như hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng… Nếu các tiêu chí trên đảm bảo yêu cầu thì sau khi xét duyệt cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn thuế. Thời gian quy định cho hoàn trước kiểm tra sau là 6 ngày làm việc, còn kiểm tra trước hoàn sau là 40 ngày làm việc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, nhiều DN phản ánh bị cơ quan thuế giam tiền hoàn thuế, khiến DN đang đứng trên bờ vực phá sản. Vậy thực hư câu chuyện này ra sao? Cơ quan thuế có cố tình làm chậm để giam tiền hoàn thuế của DN? Nếu giam tiền hoàn thuế của DN, cơ quan thuế được lợi gì?... Đó là hàng loạt câu hỏi cần được giải đáp.
Trao đổi nhanh với phóng viên TBTCVN về những câu hỏi trên, PGS. TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, hoàn thuế không chỉ là mong muốn chính đáng, mà vấn đề hoàn thuế còn được luật hóa qua Luật Quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật khác, do đó cơ quan thuế đương nhiên phải thực thi.
Nếu DN đã nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và tuân thủ đầy đủ pháp luật thuế mà cơ quan thuế vẫn không giải quyết hồ sơ hoàn thuế hoặc giải quyết chậm thời hạn, thì đó là lỗi của cơ quan thuế. Còn nếu DN không nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế hoặc vi phạm pháp luật thì cơ quan thuế không giải quyết hoàn thuế là đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế vừa phải giải quyết nhanh chóng hồ sơ hoàn thuế để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của DN, vừa phải thực hiện các giải pháp nghiệp vụ để phòng chống gian lận hoàn thuế.
Những trường hợp có rủi ro cao về thuế thì cơ quan thuế phải xếp hồ sơ hoàn thuế vào diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, để có thời gian kiểm tra kỹ lưỡng thực chất các giao dịch kinh tế của DN và phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của DN nhằm mục đích gian lận, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Nhiều chiêu trò gian lận hoàn thuế bị vạch trần
Thông thoáng nhưng phải chặt chẽ
Giai đoạn 2011-2020, hệ thống pháp luật thuế đã được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại, tương thích với các thông lệ quốc tế…, điều này góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư, kinh doanh, đổi mới công nghệ, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho người nộp thuế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế...
Tuy nhiên, khi giải quyết hoàn thuế, nếu chủ quan, lơ là chính cán bộ thuế sẽ chịu trách nhiệm buông lỏng quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà điển hình nhìn từ vụ Thuduc House vừa qua.
Tổng cục Thuế cho biết, DN sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào để lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT là thủ đoạn đã được ngành Thuế nhận diện và đấu tranh quyết liệt trong thời gian vừa qua. Qua thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế vạch ra nhiều dấu hiệu, chiêu trò vi phạm trong hoàn thuế GTGT trọng tâm tập trung ở 3 dấu hiệu.
Thứ nhất, thủ đoạn, hành vi của các đối tượng gian lận hoàn thuế chủ yếu xảy ra tại khâu trung gian (F1, F2) mua bán hàng hóa. Các DN trong khâu trung gian sau khi xuất hóa đơn cho DN F1 thì tạm dừng kinh doanh hoặc bỏ trốn, việc kê khai doanh thu và thuế giữa các DN trung gian không khớp đúng, DN bán (F2) kê khai doanh thu nhỏ nhưng DN mua (F1) kê khai khấu trừ lớn.
Đồng thời, việc thanh toán qua ngân hàng được cục thuế xác minh thì thanh toán tiền đều được thực hiện qua ngân hàng, tuy nhiên việc thanh toán tiền hàng và rút tiền từ ngân hàng đều diễn ra trong cùng 1 ngày và cùng tên một người rút tiền.
Thứ hai, DN hoàn thuế GTGT sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (mua của các DN không có hoạt động sản xuất kinh doanh) hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh, thay đổi trạng thái hoạt động liên tục tại nhiều địa phương khác nhau để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT.
Thứ ba, DN hoàn thuế lập chứng từ, hồ sơ xin hoàn thuế nhưng không có hàng hóa mua vào, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, mua hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào hoặc sử dụng hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh (từ 1/7/2022 trở về trước).
Ngoài các dấu hiệu chung nêu trên, đối với mỗi nhóm ngành hàng, lĩnh vực hàng xuất khẩu lại phát sinh những dấu hiệu vi phạm tinh vi hơn. Cụ thể, các DN có hàng hóa nhập khẩu là linh kiện điện tử nâng khống giá trị lô hàng xuất khẩu, khi nhập khẩu các DN nhập khẩu khai báo giá trị nhập khẩu rất thấp, nhưng khi DN khác xuất khẩu thì khai báo giá trị rất cao so với giá nhập khẩu và chênh lệch nhau trên 50 lần, nguồn gốc hàng hóa thì không rõ ràng...
Ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng:
Công tác hoàn thuế luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
Công tác hoàn thuế GTGT vẫn luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Cục Thuế TP. Hải Phòng, góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn vốn để tái sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế về việc đẩy nhanh hoàn thuế cho doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Cục Thuế TP. Hải Phòng đã quán triệt, triển khai nhiệm vụ đến từng cá nhân, đơn vị để tiến hành công tác hoàn thuế GTGT trên địa bàn. Tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng pháp luật quy định, không để tồn đọng kéo dài, bảo đảm giải quyết hồ sơ hoàn thuế của NNT đúng thời hạn quy định, đúng đối tượng và trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế.
Đức Việt (ghi)
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh:
Đã hoàn hơn 3 nghìn tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp
Trong tháng 7/2023, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 53 quyết định hoàn thuế cho DN trên địa bàn, tương ứng với số tiền thuế hoàn là 662 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết hoàn thuế GTGT được 498 trường hợp, với tổng số tiền thuế hoàn cho DN lên đến 3.079 tỷ đồng.
Trong thời gian còn lại của năm, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giảm 30% tiền thuê đất năm 2022 cho các DN để đảm bảo giải quyết kịp thời và tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nguồn lực giúp DN.
Đỗ Doãn (ghi)
Ông Trương Công Khoái - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Đà Nẵng:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế
Cục Thuế TP. Đà Nẵng thực hiện đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Tính đến ngày 31/7/2023, cục thuế đã giải quyết 102 hồ sơ hoàn thuế GTGT với số tiền đã hoàn 465,810 tỷ đồng; 8.154 hồ sơ hoàn thuế TNCN và các thuế phí nộp thừa khác với tổng số tiền hoàn là 106,581 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Cục Thuế TP. Đà Nẵng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với quyết định hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế nhằm chiếm đoạt NSNN, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Văn Nam (ghi)
Ông Đậu Đức Anh - Phó Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai:
Giám sát, đảm bảo hoàn thuế đúng quy định
Tính đến hết tháng 7/2023, Cục Thuế Đồng Nai đã tiếp nhận 1.222 hồ sơ hoàn, với tổng số tiền thuế GTGT đề nghị hoàn là 8.503,6 tỷ đồng. Lũy kế năm trước chuyển sang và số giải quyết đến 31/7/2023 gồm 1.238 hồ sơ, với số tiền thuế GTGT thực hoàn là 8.318,2 tỷ đồng.
Nhằm giảm thiểu tình trạng gian lận trong hoàn thuế, Cục Thuế Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh rà soát, đối chiếu, xác định chính xác số doanh nghiệp đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích... để đưa vào quản lý đối với 100% số doanh nghiệp thực chất hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát và theo dõi các hành vi, thủ đoạn gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật.
Đỗ Doãn (ghi)