Hoàn toàn có thể bỏ thuốc lá trong 5 ngày, bí quyết tuyệt vời.
Nghiện thuốc là một bệnh mạn tính cũng như là bệnh tăng huyết áp hay bệnh đái đường, cần phải có thái độ nghiêm túc và có cách chữa trị đúng mới thành công. Nhưng điều quan trọng là: Gia đình, bạn bè và những người xung quanh có vai trò quan trọng trong việc giúp bạn bỏ thuốc. Để bỏ thuốc thì quyết tâm cũng là yếu tố quyết định.
Có 4 giai đoạn của cai nghiện cần phải vượt qua:
- Nghĩ về việc bỏ thuốc
- Chuẩn bị các yếu tố cần thiết để bỏ thuốc
- Bỏ hẳn thuốc
-Duy trì thời gian hoàn toàn không lệ thuộc vào thuốc lá
Hàng năm, trên toàn thế giới có khoảng 5 triệu trường hợp tử vong do các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tức là thuốc lá giết chết xấp xỉ 10.000 người mỗi ngày, tương đương với 10 máy bay loại lớn chở khách bị tai nạn mỗi ngày hay nói cách khác cứ mỗi 8 giây có một người chết do thuốc lá... Ước tính đến năm 2030, số người tử vong hàng năm do các bệnh liên quan với thuốc lá sẽ tăng lên 10 triệu người, nhiều hơn cả các trường hợp tử vong do nhiễm HIV, bệnh lao, tai nạn giao thông, tự tử và giết người cộng lại.
Trước hết bạn cần chọn ngày bỏ thuốc
Chọn ngày hợp lý rất quan trọng: Ngày mà không có quá nhiều vấn đề phải giải quyết để có thể chỉ tập trung vào việc bỏ thuốc. Ngày có thể có nhiều việc bận rộn nhưng chỉ là việc thông thường, không căng thẳng.
Tốt nhất là ngày thứ 7, có thể dậy muộn hoặc sắp xếp công việc và nghỉ ngõi chủ động theo ý của mình.
5 ngày trước ngày cai thuốc
Liệt kê các lý do đi đến quyết định cai thuốc! Nghĩ trong đầu hoặc viết ra giấy. Thuốc lá có hại cho sức khỏe và tốn tiền, Hút thuốc bất tiện. Ảnh hưởng người khác, Gương xấu cho con cái mắc các tệ nạn khác...
Tuyên bố với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp rằng bạn đang tiến hành bỏ thuốc. Dừng mua thuốc lá!
4 ngày trước ngày cai thuốc
Để ý một cách nghiêm túc khi nào và tại sao bạn lại hút thuốc. Buồn, căng thẳng, thèm thuốc, không có việc gì làm, bạn bè rủ rê …
Hãy suy nghĩ xem có cái gì khác thay thế điếu thuốc trong tay bạn. Tăm xỉa răng sau bữa ăn, Hạt dưa, hạt bí, kẹo cao su; Hai quả cầu lăn trên tay, bút chì ... Hãy nghĩ đến những thói quen sinh hoạt và làm việc thường ngày khác thay thế cho hút thuốc.
3 ngày trước ngày cai thuốc
Tìm xem ai mà bạn có thể hỏi và chia sẻ khi bạn cần sự giúp đỡ. Bác sĩ gia đình, hoặc bạn bè, nếu là người đã cai thuốc là tốt nhất. Người yêu, vợ, con, đồng nghiệp…
Bạn sẽ làm gì với số tiền tiết kiệm được khi không phải mua thuốc lá. Thưởng cho mình vật gì đó mang tính kỷ niệm. Thưởng cho con, cháu vì thành tích học tập… Làm các việc có ích khác …
2 ngày trước ngày cai thuốc
Xem lại: khi nào và tại sao bạn hút thuốc và tìm cách khắc phục vượt qua những thử thách đó. Sự lôi kéo của các bạn nghiện rủ rê. Sức ép của công việc (stress).
Các triệu chứng của “đói” thuốc (xảy ra trong vòng 1-3 tuần đầu): Chóng mặt và nhức đầu; Tâm trạng ức chế, dễ nổi cáu, tức giận, bồn chồn; Khó tập trung tư tưởng. Thèm thuốc; Rối loạn tiêu hóa; Tăng cân sau cai nghiện
Mua một số thứ thay thế cho thuốc lá như: Hạt dưa, tăm, kẹo cao su, hai quả cầu nhỏ, bút chì...
Cách vượt qua cơn thèm thuốc: Uống nhiều nước. Hít thở sâu. Không ngồi lại bàn ăn lâu, làm việc khác: đánh răng, đi bộ, hạt dưa…
Nói chuyện với người khác. Trì hoãn, đếm đến 100 hoặc nhẩm bài thơ bài hát mình thích…
1 ngày trước ngày cai thuốc
Bỏ hết diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc. Bỏ hết diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc. Giặt toàn bộ quần áo để không còn mùi thuốc lá.
Buổi tối hút điếu thuốc cuối cùng để chia tay với kẻ thù của mình!
Lên dây cót một lần nữa. “Cai thuốc là chiến lược đúng, mình có thể làm được”.
Cứ 2 người hút thuốc lá thì sẽ có 1 người chết vì những bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó 50% chết ở tuổi trung niên và giảm đi 20 năm tuổi thọ. Mặc dù hiện nay số thuốc lá tiêu thụ hàng ngày ở các nước đang phát triển ít hơn ở các nước phát triển, nhưng con số này đang tăng lên đều đặn và nhanh chóng.
Ngày cai thuốc
Sáng: Nhắc lại với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp rằng hôm nay là ngày quan trọng của bạn – ngày bạn cai thuốc lá. Hãy tạo công việc bận rộn nhưng không căng thẳng.
Không uống rượu, cà phê hay những thứ bạn hay dùng với thuốc lá. Hãy tự làm cho đầu óc vui sướng hoặc cái gì đó đặc biệt làm phần thưởng cho thành công đầu tiên.
Hãy có chế độ ăn đúng và tập luyện để tránh tăng cân quá mức!
Nếu bạn không chịu nổi và hút lại thì cũng đừng bỏ cuộc! Hãy chuẩn bị làm lại từ đầu!Trước khi thành công có người đã phải làm đi làm lại một vài lần!
Hãy chia sẻ với bạn bè hoặc gọi cho phòng khám cai nghiện thuốc lá để có thêm kinh nghiệm. Duy trì cuộc sống thoải mái không lệ thuộc vào thuốc lá
• Tuần đầu tiên:
Hãy tính mỗi ngày một lần. Mỗi ngày là một thách thức, đã vượt qua ngày thứ nhất tại sao lại không tiếp tục ngày thứ hai.
Hãy sử dụng các kỹ thuật đã biết để vượt qua từng ngày một. Các thách thức sẽ giảm dần khoảng sau một tuần.
Có người phải mất 1 - 3 tháng để có cảm giác bình thường như một người không hút thuốc.
• Tuần thứ 2 – 6:
Bạn vẫn còn phải đấu tranh tư tưởng, luôn luôn tự nhủ là mình đã quyết tâm bỏ thuốc. Hãy nói là không hút hôm nay, ngày mai và từng ngày sau nữa.
Những điều nguy hiểm rất cần lưu ý tránh : Hút một điếu sẽ chẳng sao! Nếu hút lại là thất bại dù chỉ là một hơi.
Các buổi tiệc thường có bia rượu, hãy cẩn thận đừng cho phép mình hút thuốc mà hãy cho phép mình được khỏe mạnh.
Lúc căng thẳng: Mọi chuyện rồi cũng phải qua đi, và nếu lại hút thuốc bạn hãy tưởng tượng rằng lại phải bắt đầu cai nghiện từ đầu khi mọi chuyện qua đi.
• Từ tuần thứ 7 trở đi :
Tuyệt vời! Bạn đã cai được thuốc. Nhưng cai thuốc là một chuyện, còn sống thoải mái không lệ thuộc vào thuốc lá lại là một việc khác. Hãy đừng để cho nghị lực của mình bị mềm yếu đến khi bạn không còn đếm ngày đã không hút thuốc và không còn nghĩ đến thuốc lá nữa!
Khói thuốc lá và các độc chất
Khói thuốc lá tạo ra do sự đốt cháy không hoàn toàn các sợi thuốc lá. Khói thuốc là hỗn hợp của hai thành phần:
- Luồng khói chính xuất phát từ đầu ngậm của điếu thuốc mỗi khi người hút rít một hơi thuốc rồi sảng khoái thở ra không gian.
- Luồng khói phụ thoát ra từ đầu điếu thuốc đang âm ỉ cháy giữa các lần rít thuốc hoặc từ các mẩu thuốc đang cháy dở bị vứt đi.
Khói thuốc lá chứa trên 7000 chất khác nhau, trong đó có 69 chất gây ung thư, ngoài ra còn có các hoạt chất gây nghiện, gây độc tế bào, gây đột biến gen… Một người hút thuốc lá 1 gói mỗi ngày sẽ phải hít khói thuốc lá hơn 70000 lần trong 1 năm, và vì vậy niêm mạc miệng, mũi, họng và khí quản, phế quản sẽ phải tiếp xúc trường diễn với khói thuốc lá. Một số hoạt chất của khói thuốc lá tác động trực tiếp trên niêm mạc còn phần lớn còn lại được hấp thu vào máu hay hòa tan vào nước bọt rồi được nuốt vào. So với luồng khói chính, luồng khói phụ chứa nhựa thuốc và nicotine hai lần nhiều hơn; chứa chất gây ung thư ba lần nhiều hơn, chứa khí CO năm lần nhiều hơn và khí amnonia năm mươi lần nhiều hơn. Hai phần ba số khói từ đầu điếu thuốc đang cháy (luồng khói phụ) sẽ lan tỏa ra môi trường chứ không vào phổi người hút và gây ra bệnh cho người xung quanh (còn gọi là hút thuốc lá thụ động).
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoan-toan-co-the-bo-thuoc-la-trong-5-ngay-n191447.html