Hoàn trả mặt đường sau thi công: Thực hiện nghiêm, bảo đảm chất lượng
Sau khi thi công các tuyến đường sắt đô thị, hạ ngầm cáp điện, viễn thông… không ít đơn vị thi công đã không hoàn trả mặt đường hoặc làm chậm, kém chất lượng... Điều này vừa vi phạm các quy định hiện hành, vừa gây nguy hiểm với người tham gia giao thông.
Kiến nghị sớm khôi phục làn đường dành riêng cho xe buýt
Để khắc phục dứt điểm, các ngành chức năng của thành phố đang phối hợp, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng việc hoàn trả mặt bằng sau thi công công trình.
Mất mỹ quan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới ngày 27-6 cho thấy, các hạng mục trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, hoàn trả kết cấu hạ tầng cho trục đường Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung. Tuy nhiên, đến nay, nhiều vị trí trên mặt đường đã xuất hiện tình trạng lồi lõm, hố ga bị nứt vỡ... Dọc đường Nguyễn Trãi, đoạn trước cửa số nhà 330-350 Nguyễn Trãi, mặt đường chưa được thảm lại nên gồ ghề, có nhiều ổ gà, “sống trâu”.
Đặc biệt, theo chị Nguyễn Hồng Hạnh, đường Trần Phú (quận Hà Đông), việc chưa có vạch phân làn ở đoạn đường Nguyễn Trãi - Trần Phú tồn tại nhiều năm nay khiến giao thông lộn xộn, người đi xe máy, ô tô đan xen nhau rất nguy hiểm.
Tương tự, tại tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn qua các tuyến đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn, quốc lộ 32, đã hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông. Nhưng do việc hoàn trả không đạt yêu cầu nên nhiều vị trí đường xuống cấp. Tại đoạn trước số nhà 95 đường Hồ Tùng Mậu, mặt đường không bằng phẳng, chỗ cao chỗ thấp, mất mỹ quan.
Tại các tuyến đường ở một số khu vực nội đô khác, việc hoàn trả mặt bằng kém chất lượng cũng gây bức xúc cho người dân. Tại đường Trần Khánh Dư - Tràng Tiền, việc thi công xây dựng hệ thống cống bể phục vụ hạ ngầm tuyến cáp viễn thông nhưng chưa hoàn trả mặt bằng khiến mặt thảm rỗ, lún, tạo thành hố sâu. Hoặc việc hoàn trả mặt đường, mặt hè của dự án “Cải tạo mạng lưới cấp nước chống thất thoát khu vực ô 23B, quận Hoàn Kiếm” còn nhiều tồn tại khiến các nút giao Ngô Thì Nhậm - Hàm Long, Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền, Hai Bà Trưng - Ngô Quyền… lún võng, đặc biệt có vị trí lún sâu 4cm...
Trao đổi về việc này, bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, có 37 công trình thi công trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai hoàn trả mặt bằng kém chất lượng. Mặc dù công ty đã kiểm tra hiện trường, nhắc nhở, gửi văn bản đề nghị nhà thầu hoàn trả mặt bằng nhưng nhiều đơn vị không phối hợp, buộc công ty phải gửi văn bản đề nghị Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội phối hợp xử lý để bàn giao mặt bằng theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở đã cấp 120 giấy phép cho các đơn vị thi công đào hè, đường, trong đó, vẫn tồn tại một số vị trí hoàn trả mặt bằng kém chất lượng. Nguyên nhân được xác định là do có nhiều công trình ngầm phức tạp, việc hoàn trả mặt bằng khó đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là do một số chủ đầu tư và nhà thầu chưa nhận thức đầy đủ trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công công trình.
Để khắc phục tình trạng xuống cấp mặt đường dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã có kế hoạch cải tạo, sửa chữa và tổ chức lại giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung. Cụ thể, sẽ tập trung sửa chữa các vị trí mặt đường hư hỏng; thảm lại toàn bộ mặt đường; sơn kẻ, bố trí biển báo, đèn tín hiệu giao thông đồng bộ; nghiên cứu tổ chức lại giao thông phù hợp tại các nút giao Nguyễn Khuyến - Mộ Lao, Quang Trung - Lê Trọng Tấn; nghiên cứu lắp và di chuyển các hố thu nước trực tiếp trên mặt đường bảo đảm mỹ quan và tiếp xúc êm thuận với mặt đường... Đoạn từ Nguyễn Trãi đến Cầu Trắng (quận Hà Đông) sẽ được chia thành 4-5 làn xe mỗi bên.
Về các công trình thi công khác, ông Vũ Văn Viện cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng của Sở Giao thông - Vận tải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (trong 6 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 86 trường hợp vi phạm, phạt trên 500 triệu đồng). Ngoài ra, Sở Giao thông - Vận tải đang phối hợp Sở Xây dựng nghiên cứu, lập phương án, trình UBND thành phố cho phép sửa chữa, cải tạo các hố ga thống nhất theo một số mẫu đã định hình, bảo đảm đồng bộ và an toàn.
Sở Giao thông - Vận tải cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến thi công công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Các ngành quản lý nhà nước về hạ tầng đô thị trên địa bàn thành phố như cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin, cáp quang,... cũng cần cùng phối hợp, xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn để thực hiện công tác cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới, tránh việc đào hè, đường nhiều lần gây lãng phí.