Hoãn xử phúc thẩm vụ án tại FLC do ông Trịnh Văn Quyết vắng mặt
Đa số luật sư bào chữa cho các bị cáo (bao gồm ông Trịnh Văn Quyết) trong vụ FLC đồng ý hoãn xét xử và toàn bộ bị cáo có mặt tại phiên tòa đồng ý hoãn xét xử.
Sáng ngày 26/12, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Phiên tòa được mở do ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC kháng cáo xin giảm nhẹ án phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.
Ngoài ra, một số bị hại cũng làm đơn kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường, xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.
Tuy nhiên tính đến giờ xét xử chính thức, phiên tòa ghi nhận ông Trịnh Văn Quyết và một số luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên tòa do bị bệnh, đang phải điều trị nội trú tại Khoa lao bệnh phổi của Bệnh viện 19-8 nên đã có đơn xin hoãn phiên tòa.
Theo bản án đã tuyên, ông Quyết bị buộc bồi thường cho các nhà đầu tư (người bị hại) tổng cộng hơn 1.300 tỷ, đồng thời bị truy nộp 500 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm ghi nhận gia đình bị cáo đề nghị dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả cho ông Trịnh Văn Quyết.
Nguyên do ông Trịnh Văn Quyết xin được hoãn xét xử là vị bị bệnh tật, đại diện Bệnh viện 19-8 Bộ Công an) đã xác nhận ông Quyết hiện đang bị hen phế quản, ho lao, ho ra máu do viêm gan thận dạ dày…
Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ ông Quyết đã nộp khắc phục hai lần, tổng cộng 353 tỷ đồng. Điều này được Hội đồng xét xử ghi nhận, thông báo tại phiên phúc thẩm.
Ngay tại phiên tòa, Thẩm phán Võ Hồng Sơn đã xin ý kiến các luật sư, bị cáo và những người có liên quan bằng hình thức biểu quyết công khai về việc có đồng ý hoãn phiên tòa hay không.
Theo đó, đa số luật sư bào chữa cho các bị cáo đồng ý hoãn xét xử và toàn bộ bị cáo có mặt tại phiên tòa đồng ý hoãn xét xử.
Bên cạnh đó, trong số 140 người liên quan được tòa triệu tập tham dự phiên tòa, chỉ có 2 người đồng ý hoãn và trong số 4 bị hại có mặt không có bất kỳ bị hại nào đồng ý hoãn phiên tòa.
Cuối cùng, chủ tọa đã xin ý kiến Viện kiểm sát nêu quan điểm về việc có cho phép hoãn xét xử theo yêu cầu của các bị cáo hay không.
Thông tin trước khi xin ý kiến, chủ tọa phiên tòa cho biết để mở được phiên phúc thẩm trong ngày 26/12, Tòa án Nhân dân Cấp cao Hà Nội đã phải mất đến 1 tuần với 5 nhân sự để hoàn thiện việc đóng dấu, soạn thảo, ban hành và gửi công văn cho các thành phần được triệu tập. Số công văn được đưa ra trong thời gian đó lên tới 1.000 công văn do tính chất phức tạp của vụ việc và số lượng người liên đới lớn.
Trong 134 bị hại kháng cáo, chỉ 5 người có mặt, 35 người có đơn xin hoãn, còn lại vắng mặt. Tòa triệu tập 384 người có quyền nghĩa vụ liên quan song 135 người có mặt, 85 có đơn xin xét xử vắng mặt, những người khác không tới phiên tòa. Như vậy trong 518 nhà đầu tư được triệu tập, chỉ 140 người đến vào phiên xét xử phúc thẩm này.
"Tòa nói vậy để mọi người hiểu, không ai muốn mở ra phiên tòa để hoãn, ai cũng muốn xử ngay để tiết kiệm ngân sách, vì không chỉ các vị vất vả sắp xếp thời gian đi lại", ông Võ Hồng Sơn nêu.
Sau khi đại diện Viện kiểm sát ủng hộ phương án hoãn, Hội đồng xét xử đã tiến hành hội ý và ra thông báo hoãn phiên tòa vào hồi 10h30 phút cùng ngày, ngày mở lại phiên phúc thẩm chưa được ấn định.